Phụ nữ trước khi mang thai, cạnh việc chuẩn bị tâm lý, tài chính, thì một việc không thể bỏ qua là chuẩn bị về mặt sức khỏe cho người mẹ nhằm tạo điều kiện tối ưu cho thai nhi phát triển. Một điều các mẹ thường lăn tăn là ngoài chế độ ăn uống nghỉ ngơi khoa học thì cần dùng thuốc bổ gì trước khi mang thai? Cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn.
Thời điểm nên bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai?
Để có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé được phát triển tốt nhất từ trong bụng mẹ, không phải chỉ đến khi biết mình có thai, mẹ mới bắt bổ sung dinh dưỡng. Theo các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai tốt nhất là 3 tháng.
Bởi theo cơ chế sinh học, trứng bắt đầu chín khoảng 3 tháng, trước khi nó được giải phóng để tham gia vào quá trình thụ tinh. Do đó nếu thời điểm này mẹ uống các loại thuốc, vitamin tổng hợp sẽ tốt nhất cho quả trứng phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, hầu hết phụ nữ đều không biết mình đã mang thai trong thời gian một vài tuần đầu tiên. Trong khi đó, thời gian đầu mang thai là lúc thai nhi phát triển và hình thành hầu hết các cơ quan. Đặc biệt, 7 tuần đầu thai kỳ là thời gian thai nhi hình thành ống thần kinh. Đây là giai đoạn nhạy cảm và dễ xảy ra tổn thương nghiêm trọng nếu không được bổ sung đủ dưỡng chất ( đặc biệt là acid folic). Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyên bổ sung thêm viên bổ tổng hợp mỗi ngày, ngay từ khi dự định mang thai.
Trước khi mang thai nên uống thuốc gì?
Chuẩn bị mang thai, bên cạnh việc duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ và lành mạnh thì các mẹ có thể bổ sung thêm một số dưỡng chất để nâng cao sức khỏe, tăng khả năng thụ thai, chống dị tật thai nhi bẩm sinh để chuẩn bị cho quá trình mang thai an lành.
Theo khuyến cáo của Liên đoàn sản phụ khoa quốc tế (FIGO) năm 2015, những chất dinh dưỡng phụ nữ cần chú ý cung cấp trước khi mang thai là: acid béo Omega-3 DHA/EPA, acid folic, sắt, canxi, vitamin D và Iod.
Acid folic là một vi chất cần thiết nên bổ sung trước khi mang thai
Acid folic (Vitamin B9): rất cần thiết cho quá trình tổng hợp DNA, thiếu acid folic các tế bào không thể nhân lên dẫn tới hạn chế sự tăng trưởng. Tại thời điểm mà các tế bào cần được nhân lên nhanh chóng, nếu thiếu acid folic sẽ gây ra những khuyết tật cho thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu acid folic trong thai kỳ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, gây thiếu máu tan máu ở phụ nữ có thai.
Có tới 70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh có thể ngăn ngừa được nếu bổ sung đầy đủ acid folic trước khi mang thai và trong 3 tháng đầu thai kỳ. Ống thần kinh được hình thành rất sớm, ngay sau khi thụ thai và ống thần kinh sẽ đóng trong vòng 28 ngày đầu thai kỳ, nếu thiếu acid folic trong thời gian này có thể khiến ống thần kinh không đóng lại được, gây tật nứt đốt sống, vô sọ hay thoát vị não.
Trên thực tế, do thời điểm mang thai thường không có sự chuẩn bị trước cho nên Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo: mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều nên bổ sung 400mcg acid folic mỗi ngày để đảm bảo hiệu quả giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Ngoài ra, acid folic còn giúp bà mẹ tránh được các biến chứng như sẩy thai, sinh non, thiếu máu…
Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung acid folic đúng cách khi chuẩn bị mang thai
Acid béo Omega-3 DHA/EPA là hai acid béo không no chuỗi dài. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung đầy đủ DHA/EPA trước khi có thai giúp tăng khả năng thụ thai do tăng dòng máu tới tử cung, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho sự làm tổ của bào thai. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các mẹ cần có sự hỗ trợ để mang thai như thụ tinh ống nghiệm…
Mặt khác bản thân người mẹ cũng cần phải có nguồn dự trữ DHA/EPA đầy đủ để cung cấp cho quá trình phát triển não bộ, thị giác và hệ miễn dịch của thai nhi sau này. DHA/EPA được hấp thu và phát huy tác dụng tốt nhất cho mẹ và thai khi nó ở dạng tự nhiên Triglycerid và tỷ lệ DHA/EPA ~ 4/1.
Xem thêm:
Omega 3 (DHA, EPA) giúp tăng cường lưu lượng máu tới tử cung
Sắt là thành phần cấu tạo nên Hemoglobin, chất vận chuyển Oxy và Carbonic trong máu, rất quan trọng cho cả mẹ và thai nhi. Thiếu sắt gây thiếu máu và các rối loạn do thiếu máu: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, suy dinh dưỡng, tăng tai biến sản khoa,… Ở Việt Nam, theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2015, có tới 37,7% phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ bị thiếu máu thiếu sắt, vì vậy ngay từ khi có dự định mang thai, bạn nên chú ý bổ sung sắt đầy đủ.
Canxi giúp phát triển hệ xương răng của em bé, duy trì mật độ xương, phòng ngừa loãng xương ở mẹ sau này. Canxi rất sẵn có trong thực phẩm: sữa, tôm, cua, cá,…Bạn có thể dễ dàng bổ sung từ thức ăn hàng ngày, đây là nguồn cung cấp canxi an toàn và hiệu quả nhất.
Vitamin D giúp hấp thu và điều hòa việc phân phối canxi trong cơ thể mẹ và thai nhi, đảm bảo canxi có đủ cho sự hình thành và phát triển xương răng ở trẻ. Rất ít thực phẩm có hàm lượng Vitamin D cao, 80% nguồn cung cấp Vitamin D cho cơ thể là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời. Theo thống kê thì phụ nữ hiện nay có tỷ lệ thiếu vitamin D cao, một trong những nguyên nhân là do ít tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Vì vậy cần chú ý bổ sung vitamin D từ trước khi có thai.
Xem thêm: 3 lưu ý lựa chọn thuốc bổ khi chuẩn bị mang thai thai
Lưu ý khi sử dụng thuốc bổ trước khi mang thai
Để bổ sung thuốc bổ đúng cách trước khi mang thai, các chị em nên tìm hiểu thông tin cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ. Sử dụng các chế phẩm bổ sung có uy tín, được kiểm định và chất lượng rõ ràng.
Kiểm tra thông tin trên bao bì: Sử dụng các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp mà có chứa đầy đủ các loại vitamin, acid béo thiết yếu (DHA/EPA), khoáng chất phù hợp với thể trạng của bạn. Đặc biệt, khi uống bất cứ loại thuốc bổ nào, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe trước khi bổ sung.
Tuyệt đối không lạm dụng việc bổ sung Vitamin cũng như thuốc bổ khi mang thai: các loại thuốc bổ, vitamin không phải uống càng nhiều càng tốt, bạn chỉ nên dùng theo liều lượng hướng dẫn và không tự ý uống thêm trừ khi đã hỏi ý kiến bác sĩ.
Một số yếu tố làm giảm tác dụng của thuốc bổ: Lưu ý một số loại Vitamin và Khoáng chất nếu chúng ta uống đồng thời sẽ làm giảm hiệu quả và khả năng hấp thu của nhau, ví dụ như canxi không nên uống cùng thời điểm với sắt. Bởi vậy, bà bầu nên tách biệt thời gian uống sắt và canxi thay vì uống đồng thời.
Khi sử dụng vitamin và thuốc bổ, các bạn cũng nên chú ý đến các loại thực phẩm có khả năng làm giảm công dụng của thuốc. Ví dụ như không uống viên sắt cùng sữa, trà, cà phê… Chỉ nên uống thuốc sau khi ăn uống những loại thực phẩm này ít nhất 1-2 tiếng.
Chú ý nguồn gốc của sản phẩm: Các sản phẩm đã được cấp phép lưu hành tại nước sở tại (thể hiện qua số đăng ký lưu hành sản phẩm tại nước sở tại) (nước sản xuất, nếu là hàng nhập khẩu) có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Y Tế Việt Nam cho phép, là những sản phẩm mà Nhà sản xuất cam kết chất lượng tại Việt Nam. Hạn chế sử dụng các sản phẩm không được phân phối chính thức tại Việt Nam, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, không có nguồn gốc rõ ràng vì những vấn đề quản lý, trách nhiệm của nhà cung cấp, chất lượng sản phẩm khi lưu hành tại Việt Nam… không được đảm bảo.
Việc bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ khi chuẩn bị mang thai sẽ là tiền đề tốt cho thai thi phát triển khỏe mạnh và toàn diện nhất từ trong bụng mẹ. Vì vậy, các bạn hãy tham khảo kỹ để biết cách lựa chọn cũng như sử dụng đúng cách các loại vitamin tổng hợp, thuốc bổ để an toàn cho sức khỏe của mình.
Xem thêm: 5 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai
Minh Hằng
Nhung bình luận
Tư vấn thuốc chuẩn bị mang thai
Procarevn.vn bình luận