Bạn có biết, tất cả màng tế bào bao gồm màng tế bào thần kinh trong cơ thể đều có cấu tạo từ chất béo. Màng tế bào muốn có tính linh hoạt, mềm dẻo để đáp ứng tốt chức năng của tế bào thì nhất thiết phải có đủ chất béo không no, đặc biệt là DHA, EPA. Ngoài ra, DHA, EPA còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe sinh sản đặc biệt là phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ nhỏ.
Chất béo không no Omega-3 là nguồn bổ sung thiết yếu cho não bộ, thị giác
Chúng ta đã được tìm hiểu một số đặc điểm cơ bản về Omega-3, DHA, EPA trong bài viết Hiểu đúng về Omega-3, Omega-6, DHA, EPA. Bổ sung DHA và EPA không những có lợi cho bản thân người dùng, mà đặc biệt đối với phụ nữ, đây là cách đơn giản nhất để giúp tăng cường sức khỏe sinh sản, tăng khả năng thụ thai, phòng chống các bệnh lý nguy hiểm khi mang thai, và giúp phát triển toàn diện não bộ, thể chất của trẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Một số tác dụng có lợi đối với cơ thể của các acid béo Omega-3 điển hình là DHA (docosahexanoic acid) và EPA (eicosapentaenoic acid): ngăn cục máu đông, giãn mạch, giảm đau, chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng của não bộ và hệ thần kinh.
Tác dụng của DHA và EPA đối với khả năng sinh sản
Cách đây 50 năm, phụ nữ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tránh thai, ngày nay rất nhiều phụ nữ lại quan tâm tới vấn đề làm sao để có thai. Một trong số các nguyên nhân dẫn tới khả năng thụ thai kém là do độ thuổi mang thai ngày càng tăng lên, nhiều phụ nữ ngoài 40 tuổi vẫn mong muốn có em bé mà ở độ tuổi càng cao cơ thể càng mất cân bằng Eicosanoids.
Điều thú vị là chế độ ăn có hàm lượng Carbohydrate cao dẫn tới tăng nồng độ insulin trong máu có thể làm giảm khả năng thụ thai. Ngược lại, bổ sung DHA và EPA có thể dẫn tới tăng khả năng sinh sản.
Omega-3 giúp tăng khả năng thụ thai
Người ta thấy rằng với các bệnh nhân thụ tinh nhân tạo có lượng máu đến tử cung thấp sẽ giảm khả năng thụ thai. Máu đến tử cung được cải thiện bổ sung dầu cá, Omega-3 trong dầu cá làm giảm thromboxane (TXA2) dẫn tới tăng tỷ lệ prostacyclin/thromboxane giúp giảm cản trở mạch máu tử cung, tăng tưới máu tử cung (prostacyclin là loại eicosanoid gây giãn mạch, TXA2 là loại eicosanoid gây co mạch). Bên cạnh đó, dầu cá còn cải thiện khả năng làm tổ của trứng đã thụ tinh nhờ cạnh tranh với acid Arachidonic dẫn tới giảm sản xuất eicosanoid gây viêm, kết quả là làm tăng tỷ lệ thụ thai và chuyển phôi thành công ở phụ nữ được làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Tác dụng của DHA và EPA trong thai kỳ
Giảm nguy cơ sinh non: việc bổ sung đầy đủ DHA và EPA cho người mẹ khi mang thai có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đứa trẻ sau khi sinh. Các kết quả nghiên cứu cho thấy bổ sung dầu cá từ tuần 30 của thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh non tới 40-50% vì DHA, EPA làm tăng prostacyclin giúp giảm sự co cơ tử cung. Việc bổ sung dầu cá giàu acid béo Omega-3 cũng giúp tăng cân nặng khi sinh của trẻ tới 100g. Người ta cho rằng dầu cá kéo dài thai kỳ do thay đổi sự cân bằng giữa các eicosanoid tham gia vào quá trình chuyển dạ, tăng mức độ tăng trưởng của thai nhi do cải thiện dòng máu tới nhau thai. Những phụ nữ ăn ít hải sản trong giai đoạn sớm của thia kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn, trẻ khi sinh có cân nặng thấp hơn so với nhóm phụ nữ ăn nhiều hải sản hơn. Một nghiên cứu tiến hành trên 9.000 phụ nữ Đan Mạch (2002) cho thấy chế độ ăn ít hải sản có liên quan tới sinh non và trẻ nhẹ cân, nhất là khi ăn dưới 150mg acid béo Omega-3 mỗi ngày. Trong số những người không bao giờ ăn cá có tới 7,1% sinh non so với 1,9% ở nhóm phụ nữ ăn cá ít nhất 1 lần/tuần.
Omega-3 giúp giảm tỷ lệ sinh non và các bệnh thường gặp trong thai kỳ
Giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ: bổ sung dầu cá cũng ngăn ngừa đái tháo đường thai kỳ do tăng độ nhạy cảm màng tế bào với insulin, giảm tình trạng đề kháng insulin và như vậy là có thể ngừa đái tháo đường thai kỳ.
Phòng ngừa tiền sản giật và sản giật: tiền sản giật là một trong những biến chứng nặng nề trong thai kỳ thường xảy ra ở khoảng 6% phụ nữ mang thai và thường phát triển ở 3 tháng cuối thai kỳ, đặc trưng bởi các triệu chứng: cao huyết áp, protein niệu, phù. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy có sự giảm sản xuất prostacyclin là loại eicosanoid gây giãn mạch, nhưng không tăng sản xuất TXA2 là loại eicosanoid gây co mạch trước khi khởi phát tiền sản giật. Khi nồng độ TXA2 trong tuần hoàn nhau thai tăng cao sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ prostacyclin/thromboxane. Kết quả là làm tăng sự co mạch, dẫn tới tổn thương bánh nhanh. Bổ sung Omega-3 giúp làm giảm TXA2, tăng prostacyclin sẽ có thể ngừa tiền sản giật, acid béo Omega-3 không chỉ làm giảm TXA2 mà còn làm tăng prostacyclin nên có thể là một lựa chọn nhằm ngăn ngừa tiền sản giật.
Tác dụng của DHA và EPA đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
DHA chiếm tỷ lệ lớn trong não bộ, giúp trẻ thông minh, nâng cao khả năng nhận thức và học tập
Bổ sung dầu cá trong thai kỳ rât quan trọng đối với sự phát triển não bộ của thai nhi. Nhu cầu DHA của thai nhi cao nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh, người mẹ vẫn nên tiếp tục bổ sung Omega-3, nhất là khi mẹ cho bú để hỗ trợ cho sự phát triển nhanh chóng não bộ của trẻ sơ sinh đồng thời giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh ở mẹ.
Mới đây vào năm 2008, nhóm các chuyên gia dinh dưỡng và nhi khoa tại châu Âu đã cùng đạt được sự đồng thuận về vai trò của acid béo chưa no chuỗi dài đối với phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Trong đó nhấn mạnh các acid béo chưa no chuỗi dài DHA cần được tích lũy đủ trong não bộ và các mô khác của thai nhi và giai đoạn sớm sau khi sinh. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa lượng cá béo, dầu cá chứa acid béo chưa no chuỗi dài trong quá trình mang thai và cho con bú với sự phát triển khả năng nhìn và nhận thức cũng như các chức năng khác của trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai và cho con bú cần đạt được ít nhất 200 mg DHA mỗi ngày. Việc bổ sung ALA (loại Omega-3 có nhiều trong dầu thực vật)cho thấy không có hiệu quả trong sự tích lũy DHA tại não thai nhi so với với bổ sung trực tiếp DHA.
Kết luận
Các acid béo Omega-3 chuỗi dài (DHA, EPA) rất cần thiết cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khi mang thai và khi cho con bú. DHA, EPA được chứng minh là có tác dụng giúp tăng khả năng thụ thai, tăng khả năng làm tổ và sống sót của thai nhi. Ngoài ra, trẻ được bổ sung đầy đủ DHA, EPA từ khi trong bụng mẹ và những năm đầu đời đều có khả năng phát triển về não bộ, tư duy, khả năng học tập, khả năng nhìn vượt trội hơn hẳn so với những trẻ em không được bổ sung đầy đủ DHA, EPA trong giai đoạn tương tự.
DHA và EPA được đặc biệt khuyến cáo sử dụng liều cao và theo tỷ lệ chuẩn (DHA/EPA=4/1) cho các trường hợp phụ nữ hiếm muộn, những người cần được hỗ trợ sinh sản, có tiền sử gia đình về bệnh dị ứng, các vấn đề về phát triển, hành vi hay tâm thần; có nguy cơ sinh non, tiền sử sinh non; có nguy cơ rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, béo phì và phụ nữ mang thai ở lứa tuổi không lý tưởng (>34 tuổi hoặc dưới 21 tuổi).
PGS.TS. Vũ Thị Nhung
Bộ môn phụ sản Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tp HCM
(Theo Sức Khỏe Sinh Sản)
Xem thêm:
phạm thị ngoc bình luận
tôi chuẩn bị có kế hoạch mang thai, tôi muốn bổ sung viên sắt tổng hợp, mong chuyên gia tư vấn dùng như thế nào là hợp lý nhất ạ. cảm ơn nhiều.
procarevn bình luận
huyền bình luận
cho e hỏi uông omega3 tốt hay DHA và EPA TỐT Ạ.Em muốn bổ sung cho lần mang thai tới ạ
Chuyên gia tư vấn bình luận