Sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên về việc bổ sung sắt, nhiều mẹ bầu lo lắng về việc uống sắt có nóng không? Làm thế nào để không bị táo bón khi uống sắt. Cùng đọc bài viết để rõ hơn nhé.
Mục lục
Bổ sung sắt ở bà bầu quan trọng thế nào?
Sắt đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hoạt động của các cơ quan trong cơ thể từ hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ miễn dịch đến sự phát triển của các cơ quan nhận thức. Bên cạnh đó, sắt còn là khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng trong sự phát triển và phân chia tế bào.
Việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cơ thể mẹ bị thiếu sắt. Thông thường, phụ nữ mang thai cần nhiều sắt hơn bình thường. Một người bình thường cần lượng sắt là 15mg/ngày, nhưng đối với phụ nữ mang thai thì con số này tăng gấp đôi hoặc hơn tức là 30mg-60mg/ngày để tăng cường sức khỏe và nhu cầu phát triển của thai nhi.
Đối với mẹ bầu bị thiếu máu sẽ có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, suy giảm sức đề kháng, làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non. Với thai nhi, thiếu sắt cũng là yếu tố dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể lực và trí lực của trẻ sau này.
☛ Xem đầy đủ: Bổ sung sắt cho bà bầu
Uống sắt có nóng không?
Nóng trong là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi bổ sung sắt. Khi uống sắt, cơ thể dễ bị nóng trong và táo bón hơn so với bình thường. Tuy nhiên, mức độ nóng trong còn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người khác nhau.
Nguyên nhân là do sắt vốn dĩ được cơ thể hấp thu kém. Khi bổ sung sắt, khoáng chất này nếu chưa được hấp thu nó tích tụ trong đường tiêu hóa. Điều này có thể nuôi dưỡng vi khuẩn có hại trong ruột, vi khuẩn này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động của hệ tiêu hóa, dẫn đến táo bón.
Có nhiều bằng chứng cho thấy lượng sắt chưa được hấp thu hết gây ra hiệu ứng thẩm thấu kéo nước ra khỏi đường tiêu hóa dưới và vào dạ dày. Điều này dẫn đến phân bị mất nước, cứng hơn, nhỏ hơn và khó đi đại tiện hơn. Sự biến đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột cũng có liên quan đến táo bón. Lượng sắt dư thừa được cho là thúc đẩy sự sinh sôi của Protebacteria, một loại vi khuẩn thường gặp ở những bệnh nhân bị táo bón mãn tính.
Đối với những người bình thường thì việc hấp thu sắt vào cơ thể không quá khó khăn, tùy vào một số trường hợp cơ thể “nhạy cảm” không hấp thu được. Với bà bầu, táo bón là tình trạng thường gặp do sự thay đổi hormone thai kỳ và trọng lượng thai nhi ngày càng phát triển. Cộng thêm việc bổ sung sắt thì tình trạng này rất khó tránh. Khi bà bầu bị nóng do uống sắt có thể do:
- Cơ thể bị phản ứng với một số thành phần có trong sắt, đặc biệt đối với những người cơ địa yếu, mẫn cảm với thuốc.
- Uống sắt quá liều lượng
- Viên sắt kho hấp thu nên gây lắng cặn và nóng trong.
Vì thế nếu mẹ bầu bị táo bón do bị tác dụng phụ của việc bổ sung sắt hãy cân nhắc việc đổi chất bổ sung sắt sang dạng khác hoặc tìm hiểu một số mẹo để giảm tình trạng táo bón.
Bổ sung sắt như nào để không bị táo bón?
Có rất nhiều điều cần cân nhắc khi dùng sắt và cách tối đa hóa sự hấp thụ đồng thời tránh táo bón. Dưới đây là một số mẹo giảm bớt táo bón khi bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai cụ thể:
Chọn loại thuốc sắt dễ hấp thu
Như đã nói ở phần trên, về việc cân nhắc lựa chọn loại sắt dễ hấp thụ để giảm tình trạng táo. Không phải tất cả các loại thuốc sắt đều có cùng hiệu quả và an toàn cho cơ thể. Bạn nên lựa chọn những loại thuốc sắt hữu cơ, như sắt fumarat, sắt gluconate, hay sắt glycinate, vì chúng có khả năng hấp thu cao, ít gây kích ứng đường tiêu hóa, và ít gây táo bón hơn so với các loại thuốc sắt vô cơ, như sắt sulfat hay sắt clorua. ()
Bạn cũng nên chọn những loại thuốc sắt có kết hợp với vitamin C, vitamin B12, và acid folic, vì chúng giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt và hỗ trợ quá trình tạo máu.
☛ Cũng tương tự: Các loại canxi cho bà bầu chọn vô cơ hay hữu cơ
Uống sắt đúng liều lượng
Mẹ bầu cần bổ sung sắt đúng liều lượng. Không phải mẹ bầu nào cũng bổ sung lượng sắt chỉ định giống nhau. Ngay cả từng thời điểm thai kỳ cũng có sự khác nhau về liều lượng sắt cần bổ sung.
Đặc biệt là mẹ bầu không nên uống quá nhiều sắt, vì sắt dư thừa có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, trong đó có táo bón.
Bạn nên tuân theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian uống sắt. Thông thường, lượng sắt được đề nghị bổ sung là từ 30mg- 60mg sắt nguyên tố cho phụ nữ mang thai.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Lượng sắt cần thiết cho bà bầu
Uống đủ nước
Nước là một yếu tố quan trọng để duy trì sự cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, và giúp phân mềm hơn và dễ di chuyển hơn. Khi bổ sung sắt, mẹ bầu nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu bạn bị mất nước do nóng, mồ hôi, hay tiểu nhiều.
Bạn nên tránh uống nước có ga, cà phê, trà, hoặc rượu, vì chúng có thể làm mất nước và gây kích ứng đường tiêu hóa. Và những đồ uống này cũng không hề tốt cho sức khỏe mẹ bầu.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ có tác dụng làm tăng thể tích và độ ẩm của phân, giúp phân dễ di chuyển hơn. Chất xơ có hai loại là xơ tan và xơ không tan. Xơ tan là loại xơ có thể hòa tan trong nước, tạo thành một chất nhầy bọc lấy phân, giúp phân mềm hơn và trơn hơn. Xơ không tan là loại xơ không hòa tan trong nước, mà giúp tăng thể tích của phân, kích thích nhu động ruột, và làm cho phân dễ đẩy ra ngoài. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau quả.
Kết hợp với probiotic
Probiotic là những vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột của bạn, giúp tiêu hóa thức ăn, bảo vệ niêm mạc ruột, và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại. Khi bổ sung sắt, lượng sắt dư thừa trong đường tiêu hóa có thể làm giảm số lượng probiotic, gây ra sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột, và dẫn đến táo bón. Bạn nên kết hợp với uống probiotic để cân bằng lại hệ vi sinh vật đường ruột, và giúp phòng ngừa táo bón. Bạn có thể uống probiotic dưới dạng viên, hoặc ăn các thực phẩm chứa probiotic, như sữa chua, kim chi, dưa chua…
Kết hợp với uống vitamin C
Vitamin C có tác dụng làm tăng khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Khi bạn uống vitamin C cùng với sắt, bạn sẽ giúp cơ thể hấp thu được nhiều sắt hơn, và giảm lượng sắt dư thừa trong đường tiêu hóa, từ đó giảm nguy cơ gây táo bón. Thông thường trong các viên bầu tổng hợp thường có lượng vitamin C phù hợp với mẹ bầu. Mẹ có thể uống sắt cùng thời điểm với uống viên tổng hợp này. Hoặc sau mỗi lần uống sắt mẹ bầu nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C, như cam, quýt, dưa hấu, bưởi, hoặc rau cải.
Tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng
Mẹ bầu có thể đi bộ sau ăn tầm 1 tiếng điều này có thể kích thích nhu động ruột khỏe mạnh giúp tiêu hóa tốt giảm tình trạng táo bón. Tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng là một cách hiệu quả để ngăn ngừa và điều trị táo bón. Khi tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng, sẽ làm tăng tuần hoàn máu và oxy đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả đường tiêu hóa. Điều này sẽ giúp cải thiện chức năng và nhu động của đường tiêu hóa, và làm cho phân dễ di chuyển hơn.
Mẹ bầu nên tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày, và lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe và thai kỳ, như đi bộ, yoga, thể dục nhịp điệu, hoặc bơi lội. Nên tránh những bài tập quá sức, như chạy bộ, nhảy dây, tạ, võ thuật, vì chúng có thể gây áp lực lên bụng và tử cung, và gây nguy hiểm cho thai nhi.
Như vậy, qua bài viết trên đây bạn đã biết “Uống sắt có nóng không?”. Nếu cần hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin sức khỏe nào khác, bạn có thể để lại câu hỏi ở khung comment bên dưới, đội ngũ chuyên gia sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trong thời gian sớm nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/do-iron-supplements-cause-constipation#managing-constipation
- https://www.activeiron.com/health/iron-supplementation/constipation/