Các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ khuyên các mẹ bầu cần bổ sung canxi ngay từ khi chuẩn bị mang thai, đang mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, hiện nay có 2 loại canxi hữu cơ và vô cơ, mẹ bầu nên lựa chọn loại nào tốt và phù hợp cho sức khỏe nhất?
Mục lục
Canxi quan trọng như thế nào cho bà bầu?
Với nhu cầu canxi cho sự phát triển xương của bào thai gia tăng nên nhu cầu bổ sung canxi của bà bầu cũng gia tăng theo từng giai đoạn mang thai:
- trong 3 tháng đầu là 800mg,
- 3 tháng giữa là 1.000mg,
- 3 tháng cuối và khi nuôi con bú là 1.500mg.
Vì lượng canxi cần cho sự phát triển xương của trẻ được lấy từ nguồn canxi tích trữ từ mẹ, nên nguồn canxi dự trữ từ mẹ bị cạn kiệt. Nếu không bổ sung đầy đủ Canxi trong quá trình mang thai sẽ khiến cho mẹ bầu đau nhức xương khớp, đau lưng, bị chuột rút, răng yếu…
Đối với thai nhi, thiếu canxi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, lùn thấp…
Không chỉ cần bổ sung Canxi trong quá trình mang thai mẹ còn cần bổ sung trong 6 tháng đầu sau sinh bởi canxi cần thiết cho sự tiết sữa. Sau sinh trung bình mỗi ngày cơ thể mẹ mất khoảng 300-400mg canxi trong quá trình tiết sữa. Vì vậy, mẹ cần bổ sung đầy đủ canxi cả trong quá trình mang thai và cho con bú để cả mẹ và con không bị thiếu hụt canxi tránh những nguy cơ về sau.
Có cần uống sản phẩm bổ sung Canxi?
Canxi có thể bổ sung hằng ngày bằng nguồn thực phẩm như: sữa, thủy hải sản, các loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc…
Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung canxi cho bà bầu tăng theo từng giai đoạn mang thai nên chỉ bổ sung canxi nhờ chế độ ăn uống sẽ không cung cấp được đủ lượng canxi cần thiết. Chính vì vậy các bác sĩ thường khuyến cáo bà bầu cần bổ sung thêm canxi từ các loại thuốc, thực phẩm bổ sung.
Nếu bạn sử dụng các loại thuốc tổng hợp dành cho bà bầu, hàm lượng Canxi trong đó có thể nằm trong khoảng 150 – 200 mg. Bạn cũng có thể sử dụng thêm các viên uống bổ sung Canxi, tuy nhiên cần phải nhớ rằng, cơ thể chúng ta chỉ có thể hấp thu được tối đa 500 mg Canxi mỗi lần. Do đó, bạn cần phải chia nhỏ liều Canxi và dùng nhiều lần trong ngày.
Mục đích của việc uống thuốc bổ sung Canxi là để cùng thức ăn hàng ngày đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể. Nếu có chế độ ăn tốt, thậm chí mẹ bầu không cần bổ sung canxi từ thuốc. Tuy nhiên, thật khó có thể tính toán một chế độ ăn đầy đủ canxi hàng ngày, nhất là mang thai ở những tháng cuối, khi mà nhu cầu canxi tăng cao. Chính vì vậy, việc tìm hiểu để lựa chọn được sản phẩm bổ sung canxi phù hợp là điều cần thiết.
Tại sao nên bổ sung canxi hữu cơ cho bà bầu
Dạng Canxi uống bổ sung vào cơ thể có thể là Canxi Citrate (canxi hữu cơ), Canxi Phosphate, Canxi Carbonate (canxi vô cơ). Trong đó, Canxi Citrate – canxi hữu cơ dễ hấp thu vào cơ thể nhất, dễ chịu đối với dạ dày, quá trình hấp thu không bị ảnh hưởng bởi thức ăn đồng thời sử dụng canxi citrat ít nguy cơ gây ra sỏi Oxalat niệu.
Canxi Carbonate – canxi vô cơ cung cấp nhiều Canxi, giá thành rẻ nhưng tốc độ tan của canxi carbonat chậm. Khả năng tan chậm sẽ gây kích ứng dạ dày, đồng thời tác dụng hóa học giữa acid dạ dày và canxi carbonat sẽ gây ra tình trạng đầy bụng, óc ách, khó chịu cho người sử dụng. Do đó khi sử dụng dạng này nên uống trong bữa ăn và không nên dùng cho bệnh nhân có vấn đề với dạ dày.
Ngoài ra còn nhiều khác biệt giữa canxi vô cơ và canxi hữu cơ như:
Canxi vô cơ
Do phần lớn ở dạng muối vì vậy lượng Canxi đưa vào hấp thu rất hạn chế, độ sinh khả dụng thấp
Lượng Canxi đưa vào lớn nhưng lượng sử dụng được lại nhỏ dẫn đến canxi dư thừa và lắng đọng ở thành mạch gây vôi hóa mạch máu, ở thận gây sỏi thận, dư nhiều trong máu gây tăng cao nguy cơ tim mạch, đột quỵ…Do cần nhiều acid dịch vị dạ dày để hòa tan nên uống canxi vô cơ thường gây nóng trong, táo bón
Dễ gây vôi hóa nhau thai, khiến khả năng trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi bị ảnh hưởng, vôi hóa sớm khiến thai chậm phát triển, suy thai.
Canxi dư thừa nhiều đối kháng với Sắt, Acid folic gây thiếu máu.
Canxi vô cơ thường có vị tanh, ngái và khó uống
Canxi hữu cơ
Do Canxi ở dạng liên kết với hợp chất hữu cơ nên dễ hòa tan, cơ thể hấp thu được một cách dễ dàng
Được hòa tan và hấp thu tối ưu nên không bị dư thừa và lắng đọng
Thân thiện với hệ tiêu hóa, không gây nóng trong, táo bón, nổi mụn
Lượng canxi bà bầu cần là rất lớn, lên tới 1500mg/ ngày, do đó với khả năng hấp thu tối ưu của canxi hữu cơ sẽ góp phần giảm nguy cơ vôi hóa và giảm thiểu sự cản trở hấp thu của Sắt, Acid Folic
Một ưu điểm nữa là canxi hữu cơ thì có mùi vị tự nhiên và thơm ngon hơn.
Những lưu ý quan trọng khi lựa chọn canxi bổ sung
Tăng cường bổ sung canxi từ chế độ ăn là điều cần thực hiện trước tiên để việc bổ sung canxi có hiệu quả. Cần lựa chọn sản phẩm có hàm lượng canxi vừa đáp ứng đủ nhu cầu mà thôi để tránh dư thừa Canxi không cần thiết.
Nên lựa chọn sản phẩm cung cấp canxi ở dạng hữu cơ như canxi citrat để cơ thể dễ hấp thu đồng thời hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn.
Thực tế khả năng hấp thu canxi của cơ thể càng cao khi bạn bổ sung canxi ở liều càng nhỏ. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm bổ sung canxi liều thấp tức là bạn cần uống nhiều lần hơn. Điều đó sẽ gây ra bất tiện trong quá trình sử dụng. Chính vì vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm bổ sung Canxi có hàm lượng khoảng 200-300mg canxi nguyên tố/1 liều để tiện sử dụng và đảm bảo khả năng hấp thu tối ưu.
Để có hệ cơ – xương khỏe mạnh không phải chỉ cần cung cấp canxi là đủ, ngoài canxi còn có vai trò quan trọng không thể thiểu của Mg. Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng Canxi hấp thu tốt hơn khi được dùng kết hợp với Mg và Vitamin D. Do đó, nên lựa chọn sản phẩm có sự kết hợp các thành phần Canxi – Mg – Vitamin D. Vitamin D3 giúp hấp thu và vận chuyển Canxi vào tận xương từ đó giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ như xơ vữa động mạch, vôi hóa mô mềm, lắng đọng Canxi…
Nếu bị tiểu đường bà bầu cần tránh uống các loại canxi chứa nhiều đường.
Bà bầu bị tiền sản giật, huyết áp cao (cần hạn chế muối natri) thì phải cẩn thận khi bổ sung canxi có chứa muối natri.
Không bổ sung canxi cùng lúc với những thực phẩm có chứa oxalate như chocolate, trà, dâu tây, nước ép hoa quả… vì chúng sẽ làm giảm khả năng hấp thu canxi.
Nếu bạn đang dùng các chế phẩm bổ sung sắt, cần tránh uống cùng với các chế phẩm bổ sung canxi vì sắt cản trở hấp thụ canxi.