Táo bón là một trong những tác dụng phụ phổ biến khi uống thuốc sắt cho bà bầu. Nếu thấy các dấu hiệu như đi đại tiện dưới 3 lần/tuần, phân khô cứng, khó đi thì có thể bạn đã bị táo bón. Vậy bà bầu nên bổ sung sắt thế nào để không bị táo bón?
Mục lục
Bà bầu uống sắt có tác dụng gì?
Phụ nữ trong quá trình mang thai thường cần nhiều máu hơn bình thường bởi sắt làm nhiệm vụ tạo máu và tham gia vào quá trình tạo nhân tế bào. Sắt tạo ra những tế bào mới, đặc biệt, trong vòng 10-16 ngày đầu của quá trình thụ thai, các tế bào thần kinh của thai nhi được tạo ra hàng loạt nhờ sắt và acid folic. Do đó, nếu không đủ sắt thời gian này sẽ gây nguy cơ lớn cho cả mẹ lẫn con.
Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo enzyme hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Thiếu sắt cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu, đi kèm là các vấn đề mệt mỏi, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, thiếu sắt còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tại sao bà bầu bị táo bón khi uống thuốc bổ sung sắt
Táo bón bà bầu gặp phải khi bổ sung sắt thường do hai nguyên nhân chính:
- Để hấp thụ được những khoáng chất trong một số loại sắt, cơ thể cần cung cấp một lượng nước lớn nhưng bà bầu lại không uống đủ số nước cần thiết.
- Do thành phần các khoáng chất có trong loại sắt mẹ đang uống không hấp thu được vào cơ thể. Lượng khoáng chất đấy phải thải ra ngoài và vô tình trở thành gánh nặng của hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ bị táo bón.
Bên cạnh đấy, táo bón cũng là triệu chứng trong thai kỳ mẹ bầu thường gặp do sự thay đổi hormone trong cơ thể và trọng lượng thai nhi ngày càng phát triển to. Những yếu tố trên gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài qua hậu môn dẫn đến dễ bị táo bón.
Xem thêm:
Bà bầu nên bổ sung sắt thế nào để không bị táo bón?
Lựa chọn bổ sung loại sắt phù hợp
Không thể vì ngại bị táo bón mà không tiếp tục bổ sung sắt, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu. Cách tốt nhất mẹ bầu cần làm là chọn loại sắt tốt, ít gây tác dụng phụ. Và điều quan trọng là cần tính toán để bổ sung sắt ở liều lượng vừa đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể mà thôi.
Thông thường, các chế phẩm sắt hiện nay có 2 loại: sắt vô cơ và sắt hữu cơ
- Sắt vô cơ sẽ giải phóng ồ ạt các ion sắt vì lượng ion sắt cao ở ngoài tế bào ruột sẽ hấp thu bị động qua khoảng gian bào vào trong máu làm lượng ion sắt trong máu tăng cao, gây lắng đọng sắt. Các ion sắt giải phóng nhiều ở dạ dày, ruột không hấp thu hết cũng sẽ gắn kết bất thường với thức ăn, lắng đọng tại dạ dày, ruột gây tổn thương đường tiêu hóa và gây các tác dụng phụ.
- Sắt hữu cơ được hấp thu thông qua chủ động và có kiểm soát theo nhu cầu cơ thể vào trong máu, đưa sắt về các cơ quan đích như tủy xương để sản xuất hồng cầu hoặc về dự trữ ở gan, không gây lắng đọng sắt ở tổ chức nội tiết, tim, gan. Khi hấp thu đủ, cả phức hợp sắt thừa sẽ đào thải qua đường tiêu hóa.
Bổ sung sắt từ thực phẩm
Sắt có khá nhiều trong thực phẩm. Để việc bổ sung sắt có hiệu quả và hạn chế tác dụng không mong muốn do thuốc bổ sung sắt có thể gây ra thì trước tiên mẹ bầu cần lưu ý bổ sung sắt từ chế độ ăn hàng ngày. Các thực phẩm giàu sắt có thể kể tới như: gan động vật, tiết, tim, các loại thịt đỏ, rau có màu xanh thẫm…
Sắt sẽ được hấp thu tốt hơn khi được bổ sung cùng các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi… Nên hạn chế các loại trà: trà xanh, trà thảo mộc… để sắt không bị giảm hấp thu.
Mẹ bầu khi bổ sung sắt trong quá trình mang thai cần lưu ý những điều sau:
- Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, phụ nữ mang thai bình thường chỉ cần bổ sung khoảng 27-30mg sắt nguyên tố/ngày là đủ (bao gồm từ thức ăn và thuốc bổ sung).
- Chỉ bổ sung sắt từ thuốc khi chế độ ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chỉ bổ sung sắt ở liều tối thiểu mà thôi. Bổ sung sắt ở liều càng cao sẽ càng gia tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng không mong muốn cho người sử dụng. Táo bón khi uống thuốc chính là một trong các biểu hiện thường gặp của tình trạng bổ sung sắt liều cao.
- Nếu có chế độ ăn uống tốt, có thể ăn được 1-2 lạng thịt cá cùng rau củ/ngày thì mẹ bầu chỉ cần bổ sung sắt ở liều lượng cơ bản khoảng 5mg sắt nguyên tố/ngày là đủ. Ngược lại, nếu chế độ ăn uống chưa được tốt thì bạn có thể bổ sung sắt ở liều lượng cao hơn, nên bổ sung sắt ở mức liều đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu bình thường (khoảng 20-25mg sắt nguyên tố/ngày) là đủ. Phần còn lại thức ăn hàng ngày sẽ dễ dàng cung cấp đủ.
- Chỉ bổ sung sắt liều cao hơn khuyến cáo khi kết quả xét nghiệm cho thấy bạn thực sự có thiếu máu thiếu sắt bệnh lý. Và khi đó cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp.
Ngoài ra, bà bầu cũng cần tập luyện thể dục nhẹ nhàng thường xuyên; uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau củ, ăn sữa chua hàng ngày và bổ sung thêm men vi sinh cũng góp phần cải thiện tình trạng táo bón rất tốt.
Xem thêm:
Cách điều trị táo bón cho bà bầu không cần dùng thuốc
Bên cạnh việc thay đổi cách bổ sung sắt, để giảm táo bón thai kỳ mẹ cần để ý những việc dưới đây:
1. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ khi đi vào cơ thể có thể giúp hấp thụ nước tốt hơn, làm mềm phân và thúc đẩy đào thải các chất dư thừa ra ngoài dễ dàng.
Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau cải xoăn, các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt (hạt chia, hạt yến mạch,…)
Để bổ sung vừa đủ lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể, tránh dư thừa và dẫn tới tiêu chảy, mỗi ngày mẹ bầu cũng chỉ nên tiêu thụ từ 25 – 30g chất xơ.
2. Uống nhiều nước hơn
Các loại chất lỏng như nước lọc, nước canh, nước hoa quả, sữa,… có tác dụng thúc đẩy các cơ quan hoạt động trơn tru, hiệu quả, các chất trong cơ thể dễ dàng đi qua hệ tiêu hóa và làm mềm phân, từ đó hỗ trợ cải thiện các vấn đề táo bón.
Mỗi ngày mẹ bầu nên bổ sung ít nhất 1,5 lít nước vào cơ thể. Có thể uống một cốc nước chanh mật ong ấm pha loãng mỗi buổi sáng ngủ dậy, trước khi ăn. Mỗi buổi tối thì nên uống 1 cốc sữa ấm trước khi đi ngủ để giúp cơ thể bài tiết các chất cặn bã dễ dàng hơn.
Khi mẹ bầu bổ sung thực phẩm giàu chất xơ nhu cầu về nước của cơ thể tăng cao hơn. Do đó, các bác sĩ luôn khuyên bà bầu uống nhiều nước và uống từ 6 – 8 ly nước mỗi ngày.
3. Hạn chế ăn thực phẩm gây táo bón
Mẹ bầu cần chú ý trong việc lựa chọn thực phẩm bổ sung hàng ngày, hạn chế ăn quá nhiều các thực phẩm dễ gây táo bón như: thức ăn chiên rán ngập dầu, đồ đông lạnh, ngũ cốc đã qua chế biến, bánh quy bánh ngọt, các loại trái cây (nhãn, hồng xiêm, chuối xanh,…).
4. Tập thể dục, vận động thường xuyên
Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng khi mang thai như đi bộ, yoga, bơi lội hoặc tham gia các lớp tập thể dục cho bà bầu rất có ích. Các bài tập này giúp tăng cường vận chuyển của ruột, giúp thức ăn tiêu hóa tốt hơn, hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả.
Vận động mỗi ngày, còn giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, mệt mỏi, đau lưng, chuột rút… Mẹ bầu nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, tránh ngồi nhiều.
5. Đi vệ sinh vào buổi sáng
Khi có thai, nội tiết tố thay đổi có thể khiến mẹ bầu đi ngoài thất thường, không theo thói quen dẫn đến táo bón. Mẹ nên điều chỉnh và tập thói quen đi vệ sinh vào buổi sáng hoặc khoảng 30 phút sau bữa ăn là tốt nhất. Đi vệ sinh ngay khi cơ thể giục cần phải đi, không nhịn đi vệ sinh trong thời gian dài.
6. Nghỉ ngơi, thư giãn
Khi bị táo bón mẹ bầu hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, không lằm việc quá sức và nhiều áp lực sẽ khiến tình trạng táo bón thêm nặng hơn. Một số liệu pháp như xông hơi, mat-xa, nghe nhạc, thiền,… có thể giúp cải thiện tinh thần tốt hơn.
7. Ăn loại trái cây giúp ngừa táo bón
Trong nhiều loại trái cây có chứa hàm lượng chất xơ và vitamin C lớn, có thể giúp bổ sung nước, khoáng chất lại có thể hỗ trợ nhu động ruột hoạt động trơn tru hơn. Mẹ bầu có thể bổ sung các loại trái cây này để cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả mà lại an toàn.
Các loại trái cây có tác dụng chữa táo bón cho bà bầu là: lê, táo, cam, quýt, kiwi, bơ,…
Nếu đã thực hiện tất cả các phương pháp không dùng thuốc trên mà bà bầu bị táo bón vẫn chưa giảm, mẹ bầu có thể dùng thuốc để điều trị táo bón nhưng cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
Theo Bác sĩ Lê Thị Hải