Bên cạnh đau đầu, ốm nghén thì táo bón là một trong những triệu chứng khó chịu nhất của thai kỳ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây táo bón trong thai kỳ, đồng thời cần biết những cách an toàn, tự nhiên nhất để khắc phục hiệu quả.
Mục lục
Tình trạng táo bón khi mang thai là phổ biến
Táo bón là tình trạng đi tiêu khó và khoảng cách giữa các lần đi tiêu kéo dài hơn bình thường.
Ở phụ nữ mang thai, táo bón là một trong những vấn đề phiền toái hay gặp. Trên thực tế, có tới 38% phụ nữ bị táo bón trong thai kỳ và có tới 3 trong số 4 phụ nữ cho biết có ít nhất một triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa (táo bón, đầy hơi, chướng bụng hay bệnh trĩ) khi mang thai.
Bạn có thể bị táo bón từ trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai. Nếu như bạn đã bị táo bón từ trước thì tình trạng này sẽ nặng hơn khi mang thai. Táo bón chủ yếu xảy ra ở tam cá nguyệt thứ ba khi em bé tăng tốc phát triển về cân nặng.
Nguy hiểm của táo bón khi mang thai
Cùng với việc luôn cảm thấy mệt mỏi, áp lực với vấn đề đại tiện thì bệnh táo bón ở bà bầu còn gây ra rất nhiều những nguy hiểm khó lường khác. Có thể kể đến những vấn đề đáng quan tâm như sau:
- Có thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng: Với chứng táo bón khi mang thai, bà bầu thường có cảm giác đầy bụng, buồn nôn và thấy khó chịu do các chất thải và khí không được tống ra ngoài. Điều này gây nên tâm lý ngại ăn và ăn không ngon, tình trạng này kéo dài dẫn đến việc ăn uống không điều độ. Tiếp nữa sẽ khiến bà bầu bị thiếu hụt dinh dưỡng. Đây cũng trở thành nguyên nhân có thể gây suy dinh dưỡng cho thai nhi.
- Nguy cơ bị sảy thai cao: Việc bị táo bón khi mang thai, trong lúc đi vệ sinh các mẹ phải dùng sức rất nhiều để rặn với mục đích tống phân ra ngoài. Điều này vô hình dung làm kích thích các cơn co tử cung dẫn đến nguy cơ sảy thai.
- Gây nhiều bệnh khác: Táo bón lâu ngày có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ, ngoài ra còn có thể là viêm đại tràng, ung thư đại tràng.
- Gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của mẹ và em bé. Khi bị táo bón, các chất độc như phenol, amoniac, indol…sẽ bị tích tụ lâu trong ruột, hấp thụ lại vào máu gây nhiễm độc mãn tính ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
Đọc thêm về: Những điều cần biết trước khi mang thai
Mẹ bầu có nên rặn khi bị táo bón?
Một số phụ nữ lo lắng về tiêu chảy và táo bón, sợ rằng có thể gây sẩy thai. Điều này cũng có nguyên nhân vì cơ chế rặn đi vệ sinh cũng giống như bạn rặn đẻ. Nếu bạn đã từng sinh thường, bạn có thể thấy việc rặn đẻ khi chuyển dạ sử dụng rất nhiều cơ bụng giống tương tự với việc đi tiêu. Tuy nhiên thì em bé cũng không ra dễ như đi vệ sinh được. Cơ quan sinh sản hoạt động độc lập với cơ quan tiêu hóa. Nhưng bạn vẫn sẽ nhận được những lời khuyên không nên rặn với trường hợp táo bón thai kỳ với lý do sau:
- Lý do thứ nhất: Khi bị táo bón, các cơn rặn đi tiêu sẽ kích thích các cơn co tử cung. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sảy thai sớm ở 3 tháng đầu, sinh non vào 3 tháng cuối thai kỳ.
- Lý do thứ hai: Khi rặn để cố đẩy phân ra ngoài, mẹ bầu phải đối mặt với nguy cơ nứt kẽ hậu môn – một dạng viêm hậu môn. Nứt hậu môn thường đi kèm các triệu chứng đi cầu ra máu, lượng máu tuy không nhiều có thể phát hiện trong phân hoặc giấy chùi. Đây là nguyên nhân của nhiễm trùng hậu môn, tiền đề của bệnh trĩ, ung thư đại tràng.
Nguyên nhân táo bón khi mang thai là do đâu?
Táo bón là trường hợp phổ biến ở thai kỳ. Cơ chế bệnh của táo bón trong thai kỳ chưa rõ ràng do có sự liên quan của nhiều yếu tố. Đây có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ hoặc do sự thay đổi hoạt động sinh học cũng như thói quen ăn uống trong thai kỳ. Bên cạnh đó, khi thai nhi phát triển về mặt kích thước, cũng tạo áp lực đè nén lên đường ruột của người mẹ, gây ra táo bón do tắc nghẽn.
Dưới đây là một số nguyên nhân được cho là gây táo bón ở phụ nữ mang thai.
Do thay đổi nội tiết tố
Khi mang thai, nội tiết tố bị thay đổi cụ thể mức progesterone tăng và mức motilin giảm – một loại hormone giúp điều chỉnh đường tiêu hóa qua việc kích thích nhu động cơ trơn của ruột. Nồng độ progesterone tăng cao sẽ gây ức chế motilin. Thay đổi này góp phần làm chậm nhu động ruột và gây táo bón.
Do bổ sung vitamin
Bổ sung vitamin cung cấp cho mẹ thêm vitamin và khoáng chất cũng như hỗ trợ sự phát triển của em bé. Nhưng sự gia tăng bổ sung này, cụ thể là sắt và canxi, có xu hướng góp phần gây táo bón trong thai kỳ. Vì vậy các thai phụ nên trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung bất kì thực phẩm chức năng nào trong thai kỳ.
Ít hoạt động thể chất
Nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta vận động ít hơn, nó cũng làm chậm tần suất đi cầu. Hay nói cách khác việc giảm vận động có thể khiến giảm nhu cầu động ruột gây táo bón. Mang thai cùng với những tình trạng ốm nghén hay mệt mỏi khiến mẹ bầu thường ít vận động hơn.
Do chế độ ăn uống bị xáo trộn
Liên quan đến chứng ốm nghén, thèm ăn vặt khi mang thai, mẹ bầu có xu hướng tìm đến các loại thực phẩm thoải mái để vượt qua. Điều này làm thay đổi chế độ ăn uống, nhất là khi bạn ăn nhiều thực phẩm từ bánh mì hơn (để giảm chứng nghén) trong khi lại ăn ít rau và trái cây sẽ gây táo bón khi mang thai.
Em bé đang lớn táo bón cũng tăng mức
Tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Mặt khác, thai nhi cũng càng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian của đường tiêu hóa, cũng có thể dẫn đến chậm tiêu hóa.
Thay đổi vi khuẩn đường ruột
Trong quá trình mang thai, vi khuẩn đường ruột bắt đầu thay đổi cụ thể là giảm đi. Những thay đổi này giúp cơ thể tăng lượng đường trong máu và lắng đọng chất béo, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng em bé về cuối thai kỳ. Ở một người mẹ khỏe mạnh, điều này không gây thêm rủi ro cho sức khỏe, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng việc giảm vi khuẩn đường ruột có thể góp phần gây ra táo bón khi mang thai.
Căng thẳng
Mang bầu là cả một quá trình khiến mẹ bầu lo lắng do những mệt mỏi ốm nghén, đau nhức cơ thể, thay đổi thích nghi rồi đến lo lắng cho sự phát triển của em bé…. Một loạt những lo lắng xuyên suốt thai kỳ khiến mẹ bầu rơi vào tình trạng stress kéo dài. Trong khi đó stress kéo dài có thể là nguyên nhân góp phần gây táo bón. Khi bạn căng thẳng quá mức, có khả năng cơ thể bạn sẽ phản ứng bằng cách giảm nhu động ruột, tình trạng này kéo dài dẫn đến táo bón.
Stress kéo dài sẽ làm mẹ bầu có những thói quen như lười vận động, ít uống nước… Những điều này góp phần làm ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và có thể xuất hiện táo bón.
Táo bón thai kỳ – Chữa ngay không nên chần chừ
1. Ăn thêm nhiều chất xơ
Để chống lại táo bón trong khi mang thai, bước đầu tiên là tăng nguồn cung cấp xơ trong chế độ ăn của bạn. Với tác dụng nhuận tràng, kích thích khả năng hoạt động của ruột già, tăng khả năng tiêu hóa đồng thời cũng là tác nhân tham gia thải loại các sản phẩm oxy hóa, chất xơ là lựa chọn hàng đầu giúp các bà bầu bị táo bón.
Phác đồ điều trị táo bón đầu tiên trong thai kỳ của các bác sĩ thường là tăng lượng chất xơ và lượng nước cho cơ thể, cùng với những bài tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày.
Nếu những cách này không hiệu quả, thuốc nhuận tràng là dòng thứ hai của liệu pháp.
Cả hai loại chất xơ hòa tan và không hòa tan đều có ảnh hưởng tích cực. Lượng chất xơ được khuyến cáo hàng ngày là 20 đến 25 gram trong thai kỳ.
Bà bầu có thể tìm thấy chất xơ trong các loại thực vật như cám lúa mì, hạt ngũ cốc chưa xay, rau xanh, các loại hạt đậu, trái cây,…
Một số loại rau xanh, trái cây đặc biệt hiệu quả với chứng táo bón của bà bầu
- Rau lang: luộc từ 100 – 200g lá ăn hàng ngày.
- Rau mồng tơi: dùng nấu canh rau mồng tơi rau dền đỏ ăn hằng ngày.
- Thanh long: dùng quả tươi ăn hàng ngày.
- Khoai lang: luộc dùng hàng ngày.
- Bưởi: ăn mỗi ngày một quả.
- Đu đủ chín: ăn mỗi ngày một quả, nếu có lượng đường trong máu cao thì chỉ nên ăn khoảng 2-3 lần/tuần. Bà bầu có thể ăn đu đủ chín cùng với sữa chua và mật ong để thay đổi khẩu vị, giúp tăng cảm giác ngon miệng.
- Chuối chín vàng: ăn mỗi ngày 2 quả.
Tham khảo: Những thực phẩm tốt cho bà bầu
2. Uống nhiều nước
Khi bà bầu bị táo bón trong khi mang thai, điều quan trọng là uống đủ nước. Điều này sẽ kích thích đi tiêu và cho bạn kết quả tốt trong vòng vài ngày tới. Lượng nước thấp làm giảm khối lượng và tần số phân.
Bà bầu bị táo bón thì hãy uống đủ khoảng 8 đến 10 ly nước mỗi ngày. Vào buổi sáng ngay khi thức dậy hãy uống một cốc nước ấm. Cùng với nước, bạn có thể uống thêm nước rau tươi và nước trái cây.
Đừng cố gắng uống tất cả nước cùng một lúc. Hãy trải đều lượng nước được đề nghị trong suốt cả ngày.
Một vài loại thức uống có thể giúp bà bầu giảm được chứng táo bón nhanh chóng
- Nước cam tươi
- Mật ong hòa nước ấm
Phương pháp uống nhiều nước chỉ có tác dụng với những người ăn uống thiếu chất xơ làm phân thiếu nhu động. Còn với người mà hệ tiêu hoá đã suy yếu thì không áp dụng được vì sẽ làm suy yếu thêm. Tất nhiên các bà bầu với hệ tiêu hóa yếu có thể uống với lượng nhỏ để giúp bài tiết tốt hơn nhưng nhiều hơn khả năng chịu đựng của ruột sẽ có hại.
Ngoài ra, những bà bầu sau cũng không nên uống nhiều nước: những người huyết áp thấp, những người khí huyết kém, tay chân lạnh; những người bụng yếu, hay bị lạnh bụng đi ngoài…
3. Tập thể dục thường xuyên
Mang thai không có nghĩa là bà bầu cần nghỉ ngơi trên giường (trừ khi được bác sĩ yêu cầu). Tập thể dục nhẹ nhàng trong suốt thai kỳ mang lại rất nhiều lợi ích.
Với các bà bầu bị táo bón, các bài tập nhẹ có thể giúp tiêu hóa, thức ăn di chuyển nhanh hơn qua ruột già, giúp cơ co thắt và đào thải phân dễ dàng hơn.
Đối với phụ nữ mang thai, một trong những bài tập tốt nhất là đi bộ. Hãy dành 20 đến 30 phút đi bộ mỗi ngày, đặc biệt là sau bữa ăn của bạn, để giúp đi thức ăn được tiêu hóa. Bơi lội, đi xe đạp hoặc tập yoga thường xuyên cũng có thể giúp ruột và kích thích đi tiêu.
Nếu bạn mới tập thể dục, hãy hỏi bác sĩ của bạn về những bài tập nào an toàn cho bạn và con bạn.
4. Bổ sung lợi khuẩn probiotic
Sữa chua giàu vi khuẩn probiotic giúp trị chứng táo bón, kích thích đường tiêu hóa và giúp mọi thứ di chuyển dễ dàng. Những vi khuẩn tốt này cũng cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt quan trọng trong thai kỳ.
Bà bầu bị táo bón có thể ăn 2-3 ly sữa chua hàng ngày. Bạn cũng có thể trộn nó với trái cây tươi hoặc các loại hạt để thưởng thức.
5. Uống nước chanh
Nước chanh là một phương thuốc thường được sử dụng để điều trị táo bón, vì nó làm tăng sản xuất mật trong cơ thể của bạn. Điều này giúp tăng sự co thắt của các cơ ruột và giúp mọi thứ di chuyển dễ dàng.
Chanh cũng có tính chất chống oxy hóa và có hàm lượng vitamin C cao, rất tốt cho sức khỏe của cả em bé và bà bầu..
Ép lấy nước cốt chanh và hòa cùng nước ấm, có thể thêm một chút mật ong cho tăng hương vị. Bà bầu bị táo bón có thể uống nó hai lần mỗi ngày.
6. Xem lại liều lượng sắt bổ sung
Táo bón khi bổ sung sắt trong thời gian thai kỳ là vấn đề nhiều mà nhiều bà bầu gặp phải. Chất sắt được cho là làm chậm quá trình tiêu hóa bằng cách bám vào các chất không tiêu hóa trong cơ thể, do đó gây ra chứng táo bón.
Nếu bạn không bị thiếu máu và có một chế độ ăn uống lành mạnh, hãy nói chuyện với bác sĩ về tình trạng táo bón khi dùng sắt để có lượng gia giảm, điều chỉnh phù hợp với cơ thể.
Nếu bà bầu cần bổ sung sắt, hãy chia nhỏ lượng sắt bổ sung hàng ngày thành 3 liều nhỏ, thay vì dùng tất cả cùng một lúc. Tất nhiên, bạn nên luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi điều chỉnh liều lượng dùng hàng ngày.
7. Thay đổi tư thế ngồi xổm khi đi vệ sinh
Tư thế ngồi xổm là tốt nhất khi bạn bị táo bón. Ở tư thế ngồi xổm, việc đi tiêu sẽ tự nhiên và thoải mái hơn. Vị trí này dẫn đến chuyển động ruột dễ dàng hơn và nhanh hơn, giúp ngăn ngừa táo bón và trĩ.
Bà bầu có thể kê chân lên ghế khi ngồi bệ xí để tạo thành tư thế ngồi xổm khi đi vệ sinh.
8. Chia nhỏ các bữa ăn
Khi bị táo bón, hãy tách các bữa ăn hằng ngày thành các bữa nhỏ hơn. Thay vì có hai hoặc ba bữa ăn lớn, hãy ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ trong cả ngày.
Các bữa ăn nhỏ hơn và thường xuyên hơn sẽ cho phép dạ dày tiêu hóa thức ăn mà không phải làm thêm giờ. Ngoài ra, nó giảm tải áp lực thức ăn, giúp quá trình di chuyển trong ruột được suôn sẻ.
Mặt khác, ăn các bữa ăn lớn có thể làm quá tải dạ dày và hệ thống tiêu hóa của bạn sẽ khó tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, do hoc môn thai kỳ thay đổi và tử cung phát triển to hơn đã làm quá trình tiêu hóa thức ăn hoạt động chậm hơn bình thường.
Chia nhỏ các bữa ăn cũng giúp chống ợ nóng đầy hơi và khó tiêu.
9. Tập thói quen đi tiêu đúng giờ
Bà bầu nếu “nhịn” đi đại tiện quá nhiều lần sẽ tăng áp lực lên đại tràng, lâu ngày sẽ làm mất cảm giác cũng như độ nhạy cảm của não bộ đối với việc đại tiện. Không những vậy, chất thải tích lâu ngày trong đại tràng sẽ trở nên khô cứng, làm cho việc đại tiện trở nên khó khăn hơn.
Bà bầu có thể tập đi tiêu vào giờ nhất định, thường là buổi sáng, sau một đêm ruột nghỉ, khi dậy nhu động ruột tăng lên, có phản xạ. Tuy nhiên, nếu bạn quá bận bịu vào buổi sáng thì có thể chọn đi vào buổi tối.
Lưu ý:
- Tránh dùng thuốc nhuận tràng trong khi mang thai vì chúng có thể kích thích các cơn co thắt tử cung và gây mất nước. Chỉ sử dụng thuốc đã được chỉ định từ bác sĩ.
- Không dùng dầu khoáng (mineral oil) để điều trị táo bón, vì chúng làm giảm sự hấp thu chất dinh dưỡng.
- Bắt đầu bất kỳ bữa ăn nào bằng rau, salad hoặc trái cây tươi.
- Tránh căng thẳng và ngồi lâu trong một thời gian dài.
- Không tiêu thụ caffeine quá mức, vì nó gây cho chứng táo bón thêm trầm trọng.
Táo bón chỉ xảy ra tạm thời trong thời gian bạn này và sẽ giảm dần sau khi sinh. Bạn có thể đối phó với nó thành công nếu áp dụng các bước phòng ngừa này trong chế độ ăn uống và lối sống của mình.
Video chia sẻ cách chữa táo bón khi mang thai
Tiến sĩ Lê Văn Hiền – Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – Phó giám đốc Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc sẽ tư vấn cho các bà mẹ những kiến thức đúng đắn về tình trạng bệnh lý táo báo trong thai kỳ qua chương trình Sống khỏe trên kênh VOH dưới đây.
Hi vọng những thông tin về táo bón khi mang thai sẽ giúp ích các mẹ bầu. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo: https://parenting.firstcry.com/articles/constipation-during-pregnancy-causes-symptoms-and-home-remedies/