Hầu hết các mẹ bầu đều biết rằng nên bổ sung đủ DHA để con thông minh, mắt sáng… nhưng lại quên mất vai trò không thể thiếu của EPA để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Phụ nữ mang thai cần lưu ý bổ sung đồng thời cả DHA và EPA, tại sao lại như vậy? Cùng Procare tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Xem thêm:
- Epa là gì? Vai trò của EPA đối với phụ nữ mang thai
- DHA – mọi điều phụ nữ mang thai cần biết
- Hướng dẫn bổ sung DHA cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Tại sao phụ nữ mang thai cần bổ sung đồng thời cả DHA và EPA ?
DHA có nồng độ cao trong phospholipid màng tế bào não và võng mạc, tham gia vào chức năng thần kinh, thị giác cũng như các chất dẫn truyền thần kinh. DHA là thành tố tối cần đối với sự tăng trưởng và phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi và trẻ nhỏ. Bổ sung DHA trong thai kỳ là điều cần thiết để phát triển não bộ, thị giác của trẻ.
Tuy nhiên, việc vận chuyển DHA từ mẹ qua nhau thai để vào thai nhi chỉ được thực hiện khi DHA được gắn với một “Protein vận chuyển”. Chính EPA là chất giúp tăng khả năng gắn kết giữa DHA và “Protein vận chuyển” đó. Nồng độ EPA của mẹ cao hơn đã được chứng minh là làm tăng nồng độ DHA trong máu cuống rốn của thai nhi.
Ngoài ra, DHA cần được liên kết với các “Protein liên kết” để đi vào tế bào nhau thai và tế bào thai nhi. Nồng độ EPA cao hơn cũng dẫn đến khả năng gắn kết tốt hơn do đó việc phát triển tế bào não bộ cũng diễn ra tối ưu hơn.
Trong thời kỳ mang thai cả DHA(Omega 3) và AA (Omega 6) đều rất cần thiết cho sự phát triển hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi nên việc cung cấp chúng trong thai kỳ là cần thiết. Thế nhưng do tính cạnh tranh giữa EPA và AA trên hệ thống enzym chuyển hóa nên tỷ lệ AA/EPA được bổ sung hàng ngày sẽ dẫn tới các kết quả mang thai khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy, nếu chế độ ăn uống bổ sung nghèo EPA và giàu acid linoleic (tiền chất của AA) sẽ thay đổi sự cân bằng của các eicosanoid được sản xuất ra và có thể thúc đẩy các hậu quả như sinh non, tiền sản giật.
Chỉ có khoảng 4-11% DHA được chuyển hóa ngược lại thành EPA, do vậy người phụ nữ mang thai nếu chỉ thu nạp DHA mà không có EPA sẽ không thể tạo ra được sự cân bằng đúng đối với các eicosanoid, ảnh hưởng trực tiếp tới kêt quả thai kỳ. Đồng thời hạn chế vận chuyển và thu nạp DHA vào tế bào thai nhi.
Do đó chế độ ăn uống – bổ sung dưỡng chất, cung cấp cân bằng giữa các thành phần trong axit béo omega-3 (là DHA, EPA) và Omega-6 (AA) đóng vai trò quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Theo đó, tỷ lệ thích hợp Omega-6:Omega-3 ~ 1:1 đến 2: 1 là tỷ lệ phát huy hiệu quả các lợi ích đối với thai kỳ. Đồng thời, tỷ lệ DHA/EPA ~4/1 tương ứng với tỷ lệ DHA/EPA được tìm thấy trong sữa mẹ là tỷ lệ vàng giúp DHA vận chuyển tối ưu qua nhau thai và phát huy tác dụng tốt nhất.
Bổ sung acid béo thế nào cho hiệu quả ?
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thích hợp Omega-6 so với Omega-3 là 1:1 đến 2: 1 thì mới phát huy được các lợi ích tối ưu đối với thai kỳ bao gồm: phát triển não bộ, thị giác của thai nhi; phát triển hệ miễn dịch, giảm nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, giảm tiền giản giật, đái tháo đường, trầm cảm sau sinh ở mẹ. Nếu bổ sung Omega-6 với tỉ lệ cao hơn sẽ không đem lại lợi ích như mong muốn đối với phụ nữ có thai.
Acid béo Omega-6 có thể tìm thấy trong các loại dầu thực vật được sử dụng trong các thực phẩm chế biến. Ví dụ 1 thìa cà phê dầu cọ đã đủ đáp ứng nhu cầu omega-6 hàng ngày, nhưng phần lớn chúng ta đang tiêu thụ gấp 10-20 lần lượng đó. Ngược lại, lượng omega-3 thu nạp mỗi ngày lại thấp dưới ngưỡng tối ưu. Các nguồn thực phẩm giàu Omega-3 là từ hải sản, sản phẩm dầu cá bổ sung, dầu thực vật như hạt lanh (chứa 57% acid béo omega-3) , đậu nành ( 8%), hạt cải (11%).
Mặc dù hải sản là nguồn cung cấp DHA và EPA tốt, nhưng do lo ngại về dư lượng kim loại nặng (thủy ngân) trong hải sản có thể gây phát triển bất thường tế bào thần kinh – thị giác của thai nên mẹ bầu được khuyên không nên ăn quá 2 bữa hải sản/tuần.
Omega-3 có nguồn gốc từ thực vật chủ yếu tồn tại ở dạng ALA. Tuy nhiên ALA được chuyển đổi kém thành EPA và chuyển đổi thậm chí ít hơn thành DHA. Phạm vi chuyển đổi ALA sang EPA thường là từ 0,2% đến 9%. Mặc dù một số nghiên cứu cho rằng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có thể chuyển đổi tới 21% ALA thành EPA nhưng việc cố gắng cung cấp đủ DHA, EPA từ thức ăn có nguồn gốc thực vật đòi hỏi cơ thể phải tiêu thụ quá nhiều calo từ chất béo.
Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai không thể đáp ứng nhu cầu axit béo Omega-3 từ dầu thực vật giàu omega-3 và 2 bữa hải sản mỗi tuần. Hai khẩu phần cá mỗi tuần chỉ cung cấp khoảng 100 đến 250 mg axit béo omega-3 mỗi ngày, trong đó 50 đến 100mg là từ DHA; dầu thực vật cung cấp lượng EPA không đáng kể và không có DHA. Trong khi mang thai, mục tiêu cung cấp axit béo Omega-3 là 650 mg, trong đó tối thiểu 200mg là DHA/ngày.
Do đó, để bù đắp sự thiếu hụt axit béo Omega-3 trong chế độ ăn uống, phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm Omega 3 (DHA, EPA) từ sản phẩm bổ sung mỗi ngày.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các sản phẩm bổ sung Omega 3 với dạng dùng và thành phần công thức khác nhau. Mỗi loại sẽ phù hợp với một nhóm đối tượng nhất định. Vậy sản phẩm bổ sung nào sẽ phù hợp với phụ nữ mang thai và cho con bú? Cùng tham khảo thêm bài viết Bí quyết chọn Omega 3 tốt nhất cho bà bầu để tìm hiểu rõ hơn.
Theo The National Center for Biotechnology Information
Nguồn: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2621042/