Cao huyết áp khi mang thai là một vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt là hiện tượng tiền sản giật gây nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Huyết áp cao: Tăng nguy cơ tiền sản giật thai kỳ
Theo nghiên cứu, huyết áp cao khi mang thai bằng hoặc trên 140/90mm Hg. Bạn nên đo cách nhau 6 giờ và nằm nghỉ 15 phút.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cao huyết áp thường khác với hiện tượng mang thai và nguyên nhân do thai. Nhưng dù là do nguyên nhân nào thì cao huyết áp cũng là một bệnh nguy hiểm đối với tính mạng của cả mẹ và bé.
Phụ nữ mang thai có thể mắc bệnh cao huyết áp trước khi mang thai hoặc có sẵn hoặc nặng thêm khi có thai, thậm chí là chỉ xuất hiện khi có thai với các dấu hiệu như phù và đạm niệu (có đạm trong nước tiểu) tạo nên một bệnh đặc biệt trong sản khoa gọi là hội chứng tiền sản giật – sản giật
Bệnh khoa này thường gặp ở con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi, thường xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ, nó là nguyên nhân chính gây thai chậm phát triển trong tử cung, gây tử vong ở cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nguyên nhân chưa biết chính xác.
Tiền sản giật xuất hiện thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Yếu tố di truyền
- Yếu tố dinh dưỡng: dinh dưỡng kém hoặc quá nhiều
- Bệnh tim mạch
- Bệnh mạch – thận
- Tiểu đường
- Do nghiện thuốc lá
- Mang đa thai
- Mang thai con đầu lòng.
- Bà bầu lớn tuổi (hơn 40 tuổi).
Xem thêm: Dấu hiệu và cách điều trị Tiền sản giật khi mang thai
Huyết áp thai kỳ có những dấu hiệu nhận biết gì?
Các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra các dấu hiệu nguy hiểm khi bị huyết áp thai kỳ như sau:
- Đau đầu, đặc biệt là bị đau dữ dội, kéo dài, đau như bị đập mạnh.
- Tim đập nhanh, cảm giác như trống đánh trong lồng ngực
- Chóng mặt
- Bị phù ở mặt hoặc bọng quanh mắt, tay phù nhiều hơn bình thường, phú quá mức ở bàn chân hoặc mắt cá chân (Một số trường hợp bị phù ở bàn chân vf mắt cá chân là bình thường trong thai kỳ hoặc phù ở bắp chân)
- Cân nặng tăng hơn 2-3 kg trong một tuần.
- Có những thay đổi về mặt thị lực: nhìn đôi, mắt mờ, nhìn thấy những đốm hoặc đèn nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng hoặc mất thị lực tạm thời.
- Đau hoặc đau dữ dội ở vùng thượng vị
- Buồn nôn, nôn (khác với ốm nghén đầu thai kỳ)
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cao huyết áp khi mang thai?
Hội chứng tiền sản giật – sản giật có thể phòng ngừa hoặc giảm bớt biến chứng nhờ khám thai tốt. Tuy nhiên vẫn phải chú ý đến các yếu tố dẫn đến tiền sản giật như bệnh sử gia đình, bệnh sử nội khoa và bệnh sử thai kỳ.
Khi mang thai, các bà mẹ cần bổ sung thức ăn nhiều đạm, calo, Canxi, Vitamin, các yếu tố vi lượng không nên ăn quá mặn nhưng cũng không hạn chế muối và nước. Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, phòng chống béo phì do đó hạn chế Tiền sản giật, đặc biệt vai trò của một số chất dinh dưỡng như Omega 3 (DHA,EPA), Vitamin D, Canxi … Cần tuân thủ việc điều trị tiểu đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa đang có sẵn.
Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự theo dõi các dấu hiệu của bệnh khi trở nặng như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, ói nhiều,…
Lưu ý, khi có một trong các dấu hiệu trên sản phụ cần nhập viện ngay bởi thực tế lúc nào tiền sản giật cũng có thể biến thành sản giật , khó có thể đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào trạng thái hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, bong nhau non, có thể gây tử vong cho cả mẹ và bé.
Việc điều trị bệnh phụ thuộc phần lớn vào mức độ trầm trọng của bệnh và tuổi của thai nhi. Vấn đề chính là phải hạ huyết áp, điều chỉnh các rối loạn về huyết học, chức năng gan, thận và cắt cơn giật (nếu có). Nếu cần chấm dứt nhanh thai kỳ thì có thể giúp sinh hoặc mổ thai.
Điều gì xảy ra sau khi bạn sinh con?
Khi bạn bị cao huyết áp mãn tính, đặc biệt nếu tình trạng trầm trọng, bạn có nguy cơ cao bị mắc các biến chứng liên quan đến hệ thống tim mạch, cho tới toàn bộ những thay đổi của cơ thể sau khi sinh. Vì vậy sau khi sinh, trong ít nhất 48 giờ đầu bạn cần theo dõi chặt chẽ xem có dấu hiệu của bệnh hay không?
Ngoài ra, bạn hãy liên hệ và thông tin với bác sĩ ngay lập tức nếu như bạn có bất kì triệu chứng của tình trạng bệnh (ngay cả khi bạn xuất viện về nhà) vì tiền sản giật có thể phát triển ngay sau khi sinh.
Nếu bạn có kế hoạch cho con bú, hãy cho bác sỹ biết vì điều đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn loại thuốc điều trị cao huyết áp cho bạn. Và bạn sẽ bắt đầu dùng thuốc trị cao huyết áp trở lại hoặc điều chỉnh liều lượng ở mức độ phù hợp theo chỉ định của bác sỹ.
Ngoài việc dùng thuốc theo đơn và đi khám định kì, việc quan trọng nhất là bạn cần chăm sóc tốt cho bản thân để làm giảm nguy cơ bị những biến chứng lâu dài của bệnh cao huyết áp như bệnh tim, bệnh thận hay nguy hiểm hơn là đột quỵ.
Bạn cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, đặc biệt phải chú ý đến chế độ ăn uống và cân nặng, tránh thuốc lá và hạn chế những thức uống gây hại cho sức khỏe như rượu, bia,… Khi bạn hồi phục hoàn toàn sau sinh và được sự cho phép của bác sỹ, bạn hãy hỏi bác sỹ về những bài tập thể dục hàng ngày phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Điều đó sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt và phòng tránh được những biến chứng của bệnh.
Theo sức khỏe đời sống