Việc thăm khám trước mang thai giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ, hậu sản và đảm bảo thai nhi được phát triển tốt nhất trong bụng mẹ. Đây là việc làm hết sức văn minh và quan trọng đối với phụ nữ hiện nay khi ngày càng nhiều biến chứng liên quan tới quá trình mang thai, sinh nở được phát hiện. Sau đây là những lưu ý bổ ích về những việc cần thực hiện trong quá trình thăm khám của chị em khi dự định có thai.
1, Thực hiện các xét nghiệm cần thiết
Đây là biện pháp quan trọng để đảm bảo người mẹ không mắc các căn bệnh tiềm ẩn gây hại thai nhi. Thường bà mẹ tương lai khi quyết định có con cần thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu và các công thức máu như Hb, HCT xem mẹ có bị thiếu máu không. Xác định nhóm máu để khi cần thiết có thể can thiệp truyền máu kịp thời. Ngoài ra, xét nghiệm yếu tố Rh trong máu mẹ là rất quan trọng giúp đề phòng tình trạng bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Có khoảng 15% chị em có yếu tố Rh(-) trong tế bào hồng cầu. Một người mẹ có Rh(-) mang thai có em bé mang Rh(+) (tỷ lệ người mang Rh(+) là 85%) có thể phát triển các kháng thể chống lại tế bào máu của con mình, làm tổn hại chúng và dẫn đến một số trường hợp bé sẽ tử vong khi chào đời.
- Xét nghiệm nước tiểu, hóa sinh máu, đường huyết trong máu nhằm phát hiện bệnh đái tháo đường. Nếu mắc phải bệnh này, trong quá trình mang thai, bác sĩ sẽ phải kiểm tra tình trạng sức khỏe của chị em chu đáo hơn, vì không kiểm soát được lượng đường trong máu có thể gây ra hậu quả nặng nề cho thai nhi như sinh non, sẩy thai, mẹ bị tiền sản giật, sản giật …
- Xét nghiệm kiểm soát 1 số bệnh có thể lây truyền cho bé trong khi mang thai và sau khi sinh như viêm gan siêu vi B, C, HIV, giang mai… để được tư vấn trước khi quyết định có con.
- Siêu âm ổ bụng phát hiện các bất thường ở gan, lách, tụy, thận, đặc biệt là tử cung và buồng trứng, vì các bất thường ở buồng trứng hay tử cung như tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn không trọn…sẽ làm diễn biến ca sinh nở trở nên khó khăn hơn, trong khi đó lạc nội mạc tử cung, các khối u trong tử cung dễ làm sẩy thai, sinh non.
- Ngoài ra, các mẹ nếu có điều kiện cần thực hiện thêm 1 số xét nghiệm khác như xét nghiệm PAP Smear để phát hiện ung thư cổ tử cung, chụp nhũ ảnh để phát hiện u vú nếu trên 35 tuổi, đo điện tâm đồ để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch…
- Khám phụ khoa: Hệ thống sinh sản có thể bị tấn công bởi các loại nấm gây bệnh phụ khoa như trichomonas, trùng Chlamydia mycoplasma. Nếu người mẹ mắc phải các viêm nhiễm âm đạo, bệnh lậu, giang mai trong thai kỳ sẽ đe dọa đến sự an toàn của đứa trẻ trong bụng mẹ làm dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.
- Khám nha khoa: Rất nhiều bà mẹ vì không coi trọng mà bỏ qua bước khám này. Trên thực tế, phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh rất dễ mắc các bệnh răng miệng do phải ăn số lượng nhiều, ăn nhiều bữa. Thao tác đơn giản là lấy cao răng sẽ giúp các bạn hạn chế được nguy cơ mắc các bệnh: viêm lợi, viêm quanh cuống, abces răng… vì nếu mắc các bệnh này trong thời kỳ mang thai hay thời kỳ cho con bú sẽ gây khó khăn cho việc điều trị.
2, Theo dõi và điều trị bệnh
Một số căn bệnh mãn tính như suyễn, bệnh tim, động kinh… có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả mẹ và bé. Người mẹ bị suyễn có thể sẽ nhiễm nấm âm đạo nặng hơn khi mang thai, gây chuyển dạ sớm, sinh non, đồng thời làm mẹ khó thở và tim phải hoạt động mệt nhọc hơn. Trong khi đó, có đến 10% chị em bị động kinh sẽ chuyển nặng hơn khi mang thai. Bệnh tiểu đường gây ra những bất thường về tim và hô hấp ở bào thai, người mẹ dễ bị nhiều biến chứng như nhiễm nấm âm đạo kinh niên, tiền sản giật, sản giật. Bệnh thận có thể làm thai tăng trưởng chậm, mẹ bị nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại…
Dù không phải từ bỏ niềm hạnh phúc làm mẹ, nhưng nếu chị em mắc các bệnh này thì cần được tư vấn, chăm sóc và thăm khám kỹ trước khi quyết định mang thai nhằm đảm bảo sự an toàn cho cả 2 mẹ con trong thời gian bầu bí và sinh nở. Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm các căn bệnh có thể gây hại cho thai nhi như Rubella, bệnh nha chu, các bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu, chàm, Herpes, giang mai, nhiễm nấm, trùng roi Trichomonas… Trước khi muốn có thai, các chị em cũng nên tẩy giun sán vì sẽ không thể thực hiện được việc này khi thai nghén. Bà bầu nhiễm giun sán có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, sẩy thai, thai dị tật…
3, Sử dụng thuốc và tiền sử dị ứng
Tất cả các loại thuốc mà người mẹ tương lai đang sử dụng trong thời gian dài, kể cả vitamin, thảo dược, thuốc bổ cũng cần được trao đổi kĩ với bác sĩ. Tốt nhất người mẹ nên mang theo danh sách các loại thuốc đang sử dụng khi đến khám tiền sản, vì điều này sẽ giúp bác sĩ có thể biết chắc chắn chị em đang sử dụng thuốc an toàn cho thời kỳ mang thai, và đảm bảo chị em không uống quá liều bất cứ thuốc gì, ví dụ như dùng quá liều vitamin A có thể gây dị tật cho thai nhi. Với các loại thuốc gây nghiện, bác sĩ sẽ yêu cầu chị em phải ngưng một thời gian trước khi thụ thai.
Ngoài ra, chị em cũng cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm hay các thứ khác, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé trong thai kỳ.
4, Tham vấn di truyền
Nếu nằm một trong những nhóm nguy cơ sau: từng bị sẩy thai nhiều lần, tiền sử gia đình có người bị bệnh tâm thần, bệnh di truyền như thiếu máu hồng cầu liềm, ưa chảy máu, teo cơ Duchenne … hay phát triển bất thường, từng sinh con bị bệnh di truyền như: xơ nang, Down, tật bẩm sinh chân vẹo…, giữa 2 vợ chồng có mối quan hệ máu mủ, người mẹ trên 35 tuổi thì các chị em cần chia sẻ với bác sĩ. Tham vấn di truyền có mục đích xác định xem chị em có nguy cơ di truyền bệnh cho con và giúp vợ chồng quyết định có nên có con hay không. Đồng thời, kiểm tra các vấn đề di truyền, hỏi tư vấn trước khi mang thai còn giúp chị em an tâm rằng em bé sẽ không có nguy cơ mắc các bệnh này, và nếu có nguy cơ thì chị em sẽ có cơ hội để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho cả 2 mẹ con.
5, Tiêm phòng
Việc lây nhiễm 1 số bệnh trong thời kỳ mang thai có thể làm cho em bé của các mẹ có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hoặc các biến chứng khác. Vì vậy, cần mang theo hồ sơ tiêm phòng hoặc nói rõ các loại vắc xin các mẹ đã từng sử dụng, thời gian tiêm ngừa trước đó… để bác sĩ biết liệu các mẹ đã tiêm vắc xin đầy đủ chưa. Có thể bác sĩ sẽ khuyên các mẹ tiêm các loại vắc xin cần thiết sau đây: tiêm vắc xin Rubella, thủy đậu, cúm 1 tháng trước khi thụ thai, tiêm ngừa uốn ván, viêm gan B. Nếu các mẹ tương lai dưới 26 tuổi và chưa tiêm phòng HPV – ung thư cổ tử cung, bác sĩ có thể khuyến cáo nên tiêm ngay bây giờ. Trong trường hợp có kế hoạch xuất ngoại, chị em cần báo với bác sĩ để được tư vấn và khuyến cáo tiêm thêm các loại vắc xin bổ sung.
Xem thêm: Lịch tiêm phòng trước khi mang thai
6, Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể
Ngoài các công việc nói trên, chị em nên chú ý về chế độ dinh dưỡng để chuẩn bị chào đón một thành viên mới trong gia đình. Nếu các mẹ quá gầy hay quá béo thì đây là thời điểm thích hợp để các mẹ thay đổi chế độ ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cân nặng của mình nằm trong giới hạn chuẩn. Chỉ số BMI – hay gọi là chỉ số khối cơ thể – được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của mỗi người. Chỉ số BMI được tính như sau: BMI = Cân nặng / (chiều cao x chiều cao). Trong đó: Cân nặng tính theo đơn vị Kg, chiều cao tính theo đơn vị Met.
- Nếu chỉ số BMI < 18,5: Người mẹ quá gầy. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có BMI < 18,5 có nguy cơ sẩy thai cao hơn bình thường 17%.
- Nếu chỉ số BMI > 23: Người mẹ quá béo và nếu có thai, trẻ đẻ ra có nguy cơ mắc các bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.
Người mẹ hãy bắt đầu uống bổ sung viên Sắt và Acid Folic để phòng tránh dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Việc bổ sung Acid folic quan trọng nhất là trước khi mang thai 6 tháng. Và tiếp tục uống acid folic kèm với sắt đến khi sau khi sinh một tháng. Đồng thời bổ sung các vi chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống hoặc vitamin tổng hợp.
Các chị em và chồng cũng cần thống nhất về việc ngừng hoặc bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích… vì các chất này ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng cũng như làm tăng các nguy cơ: sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, gây dị tật cho thai nhi…
Bên cạnh đó, các nhà sản khoa cũng cho rằng, phụ nữ sắp mang thai cần tăng cường vận động cơ thể, một mặt giúp họ giải tỏa tốt những stress, sự hưng phấn trong cuộc sống sẽ làm cơ hội thụ thai dễ hơn, bào thai trong bụng mẹ cũng khỏe mạnh hơn và quá trình vượt cạn sau này cũng dễ dàng hơn. Đây còn là thói quen tốt được tạo lập để họ giữ vóc dáng đẹp sau sinh.
Tóm lại: Có một đứa con khỏe mạnh cả về thể chất và tâm trí là mong muốn tha thiết của mọi cặp vợ chồng nhưng muốn biến mong muốn đó thành hiện thực cần có sự hiểu biết và cần có những bước chuẩn bị rất nghiêm túc. Việc bổ sung những dưỡng chất cần thiết và từ bỏ những thói quen có hại thực sự là điều đáng lưu tâm, tuy nhiên việc khám sức khỏe toàn diện và tiêm phòng vắc xin lại là việc làm khoa học với tất cả phụ nữ chuẩn bị mang thai. Bài viết trên đây tổng hợp những nội dung khá chi tiết nhằm giúp chị em có kiến thức sâu hơn về việc chăm sóc sức khỏe và thăm khám trước khi thụ thai. Hy vọng bài viết sẽ góp một phần nào đó để quá trình chuẩn bị mang thai của các bà mẹ tương lai diễn ra một cách tốt đẹp hơn. Cuối cùng xin chúc các mẹ sức khỏe và hạnh phúc!
Chuyên gia PM Procare
Nguyễn Tiên bình luận
E đang điều trị viêm âm đạo và phải đốt,vậy trong tgian này e có thể đi khám sức khỏe sinh sản và tiêm vacxin để chuẩn bị có e bé đc không? Hay phải đợi sau khi điều trị xong bệnh?mong được giúp đỡ!
procarevn bình luận
Huỳnh Mỹ Thiện bình luận
procarevn bình luận