Theo tổ chức Y tế thế giới, đẻ non là một cuộc chuyển dạ xảy từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Đẻ non có tỷ lệ từ 5% đến 15 % trong tổng số các cuộc đẻ.
Mục lục
Đẻ non – Những nguy hiểm cho mẹ và bé
Đẻ non nguy hiểm cho trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong chu sản càng cao khi tuổi thai càng non. Đặc biệt, trẻ đẻ non có nguy cơ cao về di chứng thần kinh. Trước 32 tuần tỷ lệ di chứng là 1/3. Từ 32- 35 tuần tỷ lệ di chứng thần kinh là 1/5. Từ 35 đến 37 tuần tỷ lệ di chứng là 1/10.
Chăm sóc một trường hợp đẻ non rất tốn kém. Ngoài ra khi lớn lên trẻ còn có những di chứng về tâm thần kinh, là gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.
Mẹ bị đẻ non thì cũng dễ biến chứng sót rau, nhiễm khuẩn hậu sản.
Đẻ non – Những nguyên nhân thường gặp
- Cân nặng của mẹ thấp và/hoặc tăng cân kém.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, yếu kém.
- Lao động vất vả, căng thẳng lúc mang thai.
- Thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
- Tuổi mẹ dưới 20 hoặc trên 40 tuổi.
- Nghiện thuốc lá, rượu hay các chất cocain.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm nhiễm âm đạo – cổ tử cung, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn, virus.
- Mắc bệnh tim, bệnh gan, bệnh thân, thiếu máu
- Bị chấn thương vùng bụng.
- Tiền sản giật – sản giật (9%).
- Mắc hội chứng kháng thể kháng Phospholipid.
- Có tiền sử sinh non: nguy cơ tái phát từ 25 – 50 % ở các lần sinh sau.
Đẻ non – Những nguyên nhân tại chỗ
- Ối vỡ non, ối vỡ sớm, nhiễm trùng ối
- Đa thai, đa ối làm tử cung quá căng gây chuyển dạ sớm.
- Rau tiền đạo, rau bong non.
- Tử cung dị dạng bẩm sinh như tử cung hai sừng, một sừng, tử cung kém phát triển, vách ngăn tử cung: nguy cơ đẻ non là 40%.
- Bất thường ở tử cung như dính buồng tử cung, u xơ tử cung, tử cung có sẹo.
- Các can thiệp phẫu thuật tại cổ tử cung như khoét chóp.
- Hở eo tử cung.
A. Cổ tử cung bình thường; B. Hở eo tử cung; C. Khâu vòng cổ tử cung.
Dấu hiệu dọa đẻ non và đẻ non
Dấu hiệu doạ đẻ non
- Đau bụng từng cơn hoặc trì nặng bụng dưới.
- Có thể là dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Xuất hiện 1 – 2 cơn go tử cung thưa nhẹ trong 10 phút, liên tục trên 30 phút.
- Cổ tử cung có thể còn dài, đóng kín nhưng cũng có thể xoá và mở đến < 4cm.
- Ối vỡ non, buồng ối bị hở, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, chuyển dạ trong một thời gian ngắn sau đó.
Dấu hiệu đẻ non
- Đau bụng từng cơn, các cơn đau tăng dần.
- Có thể ra dịch nhầy âm đạo, ra máu hoặc nước ối.
- Xuất hiện 2 – 3 cơn go tử cung trong 10 phút, tăng dần.
- Cổ tử cung xoá trên 80%, hoặc mở trên 2 cm, đầu ối bắt đầu thành lập hoặc ối vỡ sớm.
Đẻ non – Các cách phòng chống
Sau khi đã hiểu rõ những nguyên nhân có thể gây ra đẻ non, các bà mẹ nên chủ động phòng tránh và loại bỏ các yếu tố nguy cơ như:
- Không đi du lịch xa, nên ở nhà nghỉ ngơi trước khi sinh 6 tuần (8 tuần nếu trên 3 con)
- Có chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ. Đặc biệt bổ sung đầy đủ DHA, EPA trong suốt thai kỳ giúp phòng chống sinh non đáng kể.
- Điều trị các nhiễm khuẩn nếu có.
- Tích cực theo dõi và điều trị các bệnh lý như nhiễm độc thai nghén, tiểu đường…
- Khâu vòng cổ tử cung từ tuần thứ 12 – 14 nếu có hở eo.
Đẻ non – Những lưu ý khi chăm sóc trẻ tại nhà
Do sinh non nên các cơ quan của con chưa được hoàn thiện, có nhiều nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và biến chứng về sau. Vì thế, trẻ sinh non cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, con sẽ sớm thích nghi và phát triển khỏe mạnh như các bé khác.
Nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ em, nhất là trẻ sinh non. Sữa mẹ nên là thức ăn đầu tiên của trẻ để giúp hệ tiêu hóa trưởng thành tốt, vì các loại thức ăn khác như sữa bò, nước cháo, bột khuấy dễ làm cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tạo ra phản ứng dị ứng…
Sữa mẹ còn cung cấp cho trẻ sinh non nhiều kháng thể chống nhiễm trùng, tránh nhiều bệnh dị ứng như chàm, suyễn…
Với bé sinh non thì khả năng ngậm bắt núm vú kém, phản xạ bú yếu và chậm… mẹ nên kiên nhẫn và thường xuyên theo dõi lượng sữa bú, cũng như cân năng của con. Trung bình trẻ sinh non bú 8 – 12 lần mỗi ngày, thường ít nhất 150ml sữa/kg cân nặng/ngày. Đặc điểm khi con bú mẹ đủ là bụng căng tròn sau mỗi lần bú, tiểu ít nhất 6 – 10 lần mỗi ngày, nước tiểu trong, con lên cân đều đặn.
Giữ vệ sinh cho con
Khi chăm sóc trẻ, người lớn cần rửa tay sạch. Không để con tiếp xúc với người bệnh đường hô hấp, người hút thuốc lá. Khi quần áo hay khăn tã ướt phải thay ngay. Tắm cho con mỗi ngày với nước ấm, tránh gió lùa nơi tắm.
Tiêm chủng phòng bệnh
Mũi tiêm phòng đầu tiên là lao và viêm gan siêu vi B:
- Trẻ cân nặng lớn hơn 2.000g, sẽ được tiêm phòng ngay khi xuất viện hoặc lúc bắt đầu 2 tháng tuổi,
- Trẻ cân nặng nhỏ hơn 2.000g, sẽ được tiêm phòng lúc 2 tháng tuổi.
Các vấn đề khác cần theo dõi và khám định kỳ sẽ tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa
Những dấu hiệu cần đưa trẻ sinh non đến cơ sở y tế khám ngay
- Vàng da nhiều tăng nhanh,
- ngủ nhiều khó thức dậy,
- bú kém,
- khó thở, xanh tái quanh môi, mắt hoặc miệng,
- sốt hoặc hạ thân nhiệt,
- không tiểu > 12 giờ,
- không đại tiện > 4 ngày hoặc tiêu phân đen hoặc có máu…
Xem thêm:
- Ăn gì khi mang thai
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu
- Dọa sảy thai và những điều cần biết
- Những điều cần biết trước khi mang thai
- Acid folic – Dưỡng chất quan trọng không thể thiếu
- Thuốc bổ cho bà bầu
- Thuốc sắt cho bà bầu
- Ăn gì cho con thông minh
Theo Procarevn