Dịp Tết là thời điểm đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại virut, đặc biệt là virut cúm. Đối với mẹ bầu, bệnh cúm có thể diễn biến nặng do sức đề kháng suy giảm. Nếu mẹ bầu không biết cách phòng tránh và chăm sóc, cơ thể dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.
Cảnh giác với cúm khi đang mang thai
Dấu hiệu nhiễm bệnh cúm thường có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ… Bệnh cũng có thể diễn biến nặng trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó.
Đối với thai nhi, nếu người mẹ nhiễm vi rút cúm (trong đó có các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C), nhất là giai đoạn 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, dễ dẫn đến tình trạng thai dị dạng, bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, thậm chí còn gây đẻ non, sẩy thai, thai chết lưu nếu bị mắc ở ba tháng cuối của thai kỳ.
Khi bị nhiễm virut cúm, việc điều trị cho mẹ bầu cũng không hề đơn giản, vì việc dùng thuốc để điều trị bệnh trong thai kì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ, không thể tự ý mua thuốc điều trị. Việc tự ý dùng thuốc sẽ rất nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi, thậm chí một số thuốc còn có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho trẻ. Ví dụ dùng thuốc aspirin hạ sốt sẽ dễ gây quái thai trong 3 tháng đầu, còn 3 tháng cuối nếu dùng aspirin sẽ gây các rối loạn ở phổi, liên quan đến việc đóng ống động mạch của bào thai trong tử cung, mặt khác có thể kéo dài thời gian mang thai và chậm chuyển dạ.
Do đó, ý thức phòng tránh bệnh bằng cách chú ý bảo vệ đường hô hấp, nâng cao sức đề kháng để phòng ngừa là rất quan trọng đối với mỗi mẹ bầu.
Cách phòng chống bệnh cúm cho mẹ bầu
– Ăn no, mặc ấm, ăn uống đồ ấm nóng, giữ ấm chân, tay, đầu cổ, ngủ đầy đủ giấc.
– Nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống. Bên cạnh việc ăn đủ số lượng, mẹ bầu cần chú ý đảm bảo đủ dinh dưỡng, cân bằng các chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể trạng. Đặc biệt trong thời tiết lạnh, việc tiêu hao năng lượng nhiều hơn thì cần quan tâm bổ sung kịp thời và đầy đủ.
Xem thêm: Bà bầu nên ăn gì
– Bổ sung thuốc bổ tổng hợp mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
– Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng
– Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
– Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.
Xem thêm: Bà bầu không nên ăn gì
Cần làm gì khi mẹ bầu bị nhiễm cúm
– Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
– Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị, kể cả thuốc tây y hay đông y, thực phẩm chức năng… Cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác tình trạng bệnh.
– Súc họng bằng nước muối pha loãng hoặc điều trị bằng thuốc chấm họng không ảnh hưởng tới thai nhi khi bị đau họng.
– Chữa ho bằng cách dùng mật ong trộn đều với nước cốt chanh tươi và uống từ 3 – 4 lần mỗi ngày .
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để làm dịu những cơn đau rát cổ họng, làm dịu cơn ho, giúp thoát khỏi cảm giác khô, ngứa cổ họng. Nên uống nước ấm trong tiết trời se lạnh vào dịp Tết. Ngoài ra, ăn nhiều rau, hoa quả cũng là nguồn bổ sung nước rất tốt cho cơ thể.
– Luôn đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thức ăn và thuốc bổ sung mỗi ngày để cơ thể có đề kháng tốt nhất.
Xem thêm: Mẹo giúp bà bầu tránh xa bệnh cúm
Cơ thể của mẹ bầu đặc biệt nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh hơn bình thường, vì vậy ý thức phòng tránh bị cúm, nhiễm trùng, ho, cảm lạnh… trong dịp Tết là điều rất quan trọng. Khi có các triệu chứng của bệnh, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để có những lời khuyên tốt nhất. Cần nhớ rằng sự nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm đối với thai nhi là rất cao, mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan.
Theo Procarevn.vn