Gần Tết là thời điểm các bà bầu mắc thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rạ, gốc rạ) tăng cao. Bệnh rất dễ lây lan, người lớn và đặc biệt là bà bầu cũng có thể mắc.
Mục lục
Bệnh thủy đậu lây qua đường nào?
Theo Tiến sĩ bác sĩ Lương Thị Thu Hiền, Bệnh viện E cho biết, thủy đậu là bệnh cấp tính do virut varicella zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với nốt phỏng nước thủy đậu. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu ở mẹ bầu
Theo các bác sĩ tại bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, gần Tết là thời điểm bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp thai phụ mắc thủy đậu. Nhiều trường hợp khi mắc thủy đậu lại lầm tưởng mình đang bị dị ứng thông thường, vì ban đầu trên cơ thể chỉ nổi lên các vùng ban đỏ, gồm nhiều nốt nhỏ li ti và nhanh chóng phát triển thành các mụn nước gây ngứa. Mụn nước cũng có thể xuất hiện trong miệng, trên da đầu, xung quanh mắt và trên bộ phận sinh dục. Do chủ quan cho đó là bệnh ngoài da thông thường, bà bầu thường tự mua thuốc về bôi. Khi bệnh không khỏi mới nghĩ đến chuyện đi khám thì bệnh đã trong tình trạng nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi khởi phát bệnh, mẹ bầu mắc thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt, rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.
Mức độ nguy hiểm của bệnh thủy đậu đối với bà bầu và thai nhi
Thủy đậu nếu để dẫn đến biến chứng, ví dụ như bội nhiễm thì rất nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu. Nếu bội nhiễm nặng, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, các biến chứng khác như viêm phổi, não, tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, nếu có điều trị khỏi thì cũng sẽ để lại di chứng.
Nếu bà mẹ bị thủy đậu trong giai 3 tháng đầu của thai kỳ thì bào thai có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (tỉ lệ là 0,4%). Do đây là thời kỳ trẻ đang hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng này là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tinh thần… Nghiêm trọng hơn thì có thể gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Ở ba tháng giữa, cụ thể là từ tuần 13 đến tuần 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2% nếu mẹ mắc bệnh. Còn từ sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ thì hầu như bệnh sẽ không ảnh hưởng trên thai.
Nếu bà mẹ bị thủy đậu ngay trước hoặc sau sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu sơ sinh. Khi sinh, thai nhi có thể bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều biến chứng như viêm phế quản phổi, loét niêm mạc đường tiêu hóa, hội chứng não – màng não, viêm gan… với tiên lượng rất xấu.
Trong trường hợp người mẹ bị nhiễm bệnh thủy đậu trước khi sinh 5 ngày hoặc sau sinh thì bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu. Bởi lúc này mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể để truyền cho thai nhi và em bé. Trẻ sơ sinh bị thủy đậu sẽ diễn biến rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%. Để không bị lây bệnh thủy đậu từ mẹ, em bé cần được dùng varicella zoster immune globulin và cần được cách ly với mẹ.
Tuy nhiên, không phải cứ mẹ mắc thủy đậu là con sinh ra bị dị dạng, câm điếc… Nếu được theo dõi điều trị tốt, mẹ bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường, vì vậy bạn không cần phải quá lo lắng.
Những lưu ý khi mắc thủy đậu
Cách ly khỏi mọi người xung quanh, đặc biệt là những mẹ có con nhỏ khác, trẻ em và em bé mới sinh cho đến khi các vết thủy đậu đóng vảy.
Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa…
Giữ phòng ở sạch sẽ và thoáng mát.
Giữ vệ sinh thân thể, mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi để da khô thoáng. Nên giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay, tránh gãi ngứa làm vỡ các mụn nước vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.
Uống nhiều nước
Bổ sung vitamin C cho cơ thể, ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng. Kiêng những thức ăn bị dị ứng để tránh làm cho da bị ngứa hơn.
Xem thêm: Bà bầu nên ăn gì, Bà bầu không nên ăn gì
Bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ví dụ thuốc paracetamol để hạ sốt thì không nên sử dụng trong thời gian dài, mỗi liều phải cách nhau ít nhất 4 tiếng đồng hồ.
Những sai lầm khi điều trị bệnh thủy đậu
Các phương pháp dân gian trong chữa trị bệnh thủy đậu như dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc uống, kiêng nước, kiêng gió, kiêng cữ trong ăn uống… là không đúng, sẽ làm cho tình trạng bệnh biến chứng nặng hơn.
Ví dụ như quan niệm bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm hay lau rửa gì. Việc này là một sai lầm vì cơ thể không được giữ vệ sinh tốt có thể bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nhiễm trùng huyết. Cần vệ sinh da hằng ngày, tắm bằng nước ấm sạch, nghỉ ngơi tại phòng thông thoáng và dùng quạt bình thường. Tuy nhiên cũng không nên ra gió, trong ngày lạnh cần giữ ấm cơ thể.
Không nên tự ý mua các loại lá hay thuốc dược liệu về tắm để cho nhanh khỏi. Thành phần trong các sản phẩm này chưa được kiểm chứng, da của mẹ bầu có thể bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng nặng hơn.
Phòng bệnh thủy đậu cho mẹ bầu như thế nào
Nếu mẹ bầu chưa được tiêm vắc xin ngừa thủy đậu trước lúc mang thai, thì việc phòng ngừa bệnh thủy đậu rất quan trọng và cần thiết. Khoảng 90% những người đã chủng ngừa thủy đậu sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Chỉ có 10% còn lại có thể bị bệnh sau khi tiêm chủng, nhưng thường chỉ bị nhẹ và không có biến chứng gì nghiêm trọng.
- Tránh tiếp xúc với người mắc thủy đậu, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân và chạm vào các nốt mụn nước của bệnh nhân.
- Tránh đến những nơi có nguồn bệnh hoặc nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, bến xe, bến tàu… Trong trường hợp bắt buộc phải đến thì cần đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn ngay sau đó.
- Giữ gìn vệ sinh cá và môi trường xung quanh sạch sẽ.
- Luôn đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thức ăn và thuốc bổ sung mỗi ngày để cơ thể có đề kháng tốt nhất.
- Thường xuyên kiểm tra các triệu chứng của bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời.
Thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp và dễ bùng phát vào thời điểm mùa đông xuân. Bệnh rất dễ lây truyền qua đường hô hấp và qua tiếp xúc dịch tiết nên mẹ bầu cần nâng cao tinh thần phòng tránh bệnh. Cần nhớ rằng sự nguy hiểm của bệnh thủy đậu đối với thai nhi là rất cao, mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan.
Theo Procarevn.vn
Bùi Thu Hà bình luận
Em mang thai hơn 14 tuần, em bị thủy đậu. Em cần kiêng những gì ạ và có cần phải nhập viện không ạ
Procarevn.vn bình luận
Nguyễn thị kiều chi bình luận
E đang mang thai tuần 26 và mới bị thủy đậu được 3 ngày xin cho e hỏi như vậy có bị ảnh hưởng gì đến thai nhi không thưa bác sỉ
Procarevn.vn bình luận