Đái tháo đường thai kỳ là căn bệnh thường gặp trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này bạn chớ bỏ lỡ phần nội dung dưới đây.
Mục lục
- Đái tháo đường thai kỳ là gì?
- Yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ
- Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ bằng cách nào?
- Các nguy cơ xảy ra cho mẹ và trẻ sơ sinh khi sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ
- Biện pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ
- Ý KIẾN CHUYÊN GIA
- Video những biến chứng thường gặp trong thai kỳ- trong đó có tiểu đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ là rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể lúc mang thai. Nó được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ và thường khỏi sau khi sinh khoảng 6 tuần. Có khoảng 5-6% các phụ nữ mang thai ở Việt nam bị đái tháo đường thai kỳ.
Không giống như bệnh lý đái tháo đường thông thường có nguyên nhân từ việc tuyến tụy không sản xuất hay sản xuất không đủ insulin, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý thai kỳ thoáng qua, xảy ra do những hóc môn kích thích mà bánh nhau tạo ra trong giai đoạn mang thai. Những hóc môn này chính là tín hiệu kích thích để chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ được truyền sang thai nhi, cũng như khiến thai phụ thèm ăn thực phẩm chứa nhiều đường.
Kiểm soát đường huyết ổn định đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu cần tuân thủ tốt chế độ ăn hay lịch uống thuốc, tiêm thuốc cũng như luyện tập trong quá trình theo dõi và điều trị. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về các nguyên nhân, hay nguy cơ, cách điều trị theo dõi tiểu đường thai kỳ ở phần tiếp sau nhé.
Yếu tố nguy cơ của tiểu đường thai kỳ
Biết được các yếu tố nguy cơ tiểu đường thai kỳ giúp mẹ bầu phòng tránh hay theo dõi từ sớm tránh những biến chứng của thai kỳ. Vậy những mẹ bầu nào có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ?
Các yếu tố nguy cơ tiểu đường thai kỳ cũng được chia ra 3 nhóm với mức nguy cơ cao, nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình cụ thể:
Nhóm nguy cơ cao:
- Béo phì BMI >25 ( BMI = Cân nặng (kg) / (Chiều cao(m)* Chiều cao(m))
- Bị đái tháo đường thai kỳ ở lần mang thai trước
- Tiền sử gia đình( bố, mẹ bị tiểu đường), sinh con to trước đó (nặng hơn > 4kg)
- Cân nặng thai to hơn so với tuần tuổi của lần mang thai hiện tại,
- Hiện có đường trong nước tiểu
- Đã từng bị sẩy thai, thai lưu…
Nhóm nguy cơ thấp:
- Dưới 25 tuổi, thuộc chủng tộc có nguy cơ thấp( da trắng)
- Không có tiền sử gia đình
- Cân nặng trước khi có thai bình thường và tăng cân ít trong thai kỳ
- Không có tiền sử bất thường sản khoa
Nhóm nguy cơ trung bình: không thuộc nhóm nguy cơ thấp hay cao.
Những mẹ bầu có những yếu tố nguy cơ cao trên cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ sớm như lần đầu tiên khám thai. Nếu thuộc nhóm nguy cơ thấp và trung bình thì làm nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thứ 24-28 thai kỳ ( giai đoạn này cơ thể người mẹ bị kháng Insulin cao nhất).
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ bằng cách nào?
Khi nào bạn cần kiểm tra đái tháo đường thai kỳ?
- Tất cả các phụ nữ có thai cần được đánh giá nguy cơ bị đái tháo đường ở lần khám thai đầu tiên.
- Chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết tùy thuộc mức độ nguy cơ của sản phụ.
Trường hợp có một trong các yếu tố nguy cơ cao như đã nói ở mục trên thì chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết sớm hơn vào lần khám sản khoa đầu tiên của thai kỳ. Nếu kết quả nghiệm pháp bình thường thì nên làm lại lần thứ 2 ở tuần 24-28 của thai kỳ.
Những trường hợp sản phụ không nằm ở nhóm nguy cơ trên sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ như nào?
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose. Đây là nghiệm pháp cần thiết của các mẹ bầu mà các bác sĩ yêu cầu.
Ngay khi thai phụ đến khám thai lần đầu, nên đánh giá các yếu tố nguy cơ. Nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi > 35, béo phì, tiền căn có đái tháo đường thai kỳ, đường niệu (+), có tiền căn gia đình bị đái tháo đường sẽ được tầm soát đái tháo đường ngay. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ trung bình sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ.
Chẩn đoán xác định đái tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp 75g glucose. Cụ thể như sau:
- Thực hiện vào buổi sáng sau khi sản phụ đã nhịn đói trên 9 giờ. Thường bác sĩ yêu cầu nhịn ăn từ 8h tối ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau đến thực hiện luôn khi chưa ăn gì.
- Tiến hành đo đường huyết với 3 thời điểm: trước và sau 1 và 2h uống glucose.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu sản phụ có ít nhất 2/3 mẫu xét nghiệm lớn hơn 5,3 mmol/l (đói), 10,0 mmol/l (sau 1h) và 8,6 mmol/l (sau 2h). Tuy nhiên tiêu chuẩn chẩn đoán này chủ yếu dựa trên ngưỡng đường huyết có khả năng gây ra nguy cơ cho người mẹ mà ít tính đến nguy cơ cho thai nhi. Dựa trên kết quả của một nghiên cứu trên 23.000 sản phụ tại Châu Âu, Châu Á và Canada, được báo cáo tại Hội nghị ĐTĐ châu Âu tháng 9/2010 ở Thụy điển, một tiêu chuẩn chẩn đoán mới đã được áp dụng tại nhiều nước để hạn chế các nguy cơ cho thai nhi, theo đó các ngưỡng đường huyết lần lượt là 5,1 mmol/l (đói), 10,0 mmol/l (sau 1h) và 8,5 mmol/l (sau 2h).
Lưu ý trước khi làm nghiệm pháp tăng đường huyết cho sản phụ
- Không làm nghiệm pháp khi đang bị bệnh cấp tính (nhiễm trùng tai mũi họng, tiết niệu, stress…)
- Ba ngày trước ngày làm nghiệm pháp không ăn chế độ kiêng, cần thiết ăn chế độ ăn giàu carbohydrate khoảng 150-200g/ngày ít nhất 3 ngày.
- Không vận động quá sức trước ngày làm nghiệm pháp (tập thể dục)
- Nghiệm pháp làm vào buổi sáng sớm sau khi bệnh nhân nhịn đói khoảng 8-14h (Nhịn ăn từ 20h tối trước ngày làm nghiệm pháp và đến phòng khám trước 8h sáng)
- Thời gian tiến hành nghiệm pháp là 120 phút. Trong lúc làm nghiệm pháp sản phụ nghỉ ngơi tại chỗ, không được ăn.
Các nguy cơ xảy ra cho mẹ và trẻ sơ sinh khi sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ
1. Nguy cơ cho mẹ
Nếu không được theo dõi điều trị tốt mẹ có thể bị những biến chứng trong thời gian mang thai và kéo dài sau sinh như sau.
Các biến chứng trong thời gian mang thai
- Tăng huyết áp
- Tiền sản giật và sản giật
- Mẹ tăng cân trên 20kg, đa số thai to, con sinh ra cân nặng trên 4kg
- Sảy thai và thai lưu: Mẹ bị sảy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ lý do
– Biến chứng khác:
- Nhiễm trùng tiết niệu: Mẹ ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều ( nước tiểu có đường ), bị nấm candida tái phát nhiều lần…
- Mẹ bị nhiễm trùng, viêm thận, viêm bể thận
- Quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn hay băng huyết sau sinh
- Dễ bị mắc các bệnh lý tim mạch hoặc béo phì sau sinh
- Đẻ non
- Đa ối
Các biến chứng lâu dài sau sinh
- Tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai ( tức trở thành đái tháo đường vĩnh viễn).
- Tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai sau.
2. Nguy cơ với thai nhi và trẻ nhỏ
Nguy cơ cho thai nhi
- Đái tháo đường thai kỳ sẽ làm gia tăng tỉ lệ dị tật thai hay gặp là vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy, các dị tật thần kinh khác, dị tật tim, dị tật thận, không có hậu môn.
- Thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ). Thường gặp nhất là thai quá to (trên 4000 gram) gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…
- Thai chậm phát triển trong tử cung liên quan đến sự kém tưới máu cho tử cung, rau thai.
- Thậm chí, thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào. Ngoài nguyên nhân do dị tật bẩm sinh, nguy cơ gia tăng khi kiểm soát đường máu kém
- Đa ối có thể gây khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ và thường kết hợp với thai to.
Nguy cơ cho em bé khi chào đời
Nguy cơ không thể không nhắc đến với em bé sau khi chào đời của mẹ bị tiểu đường thai kỳ là hạ đường huyết sơ sinh trong những ngày đầu sau sinh. Khi đường máu mẹ tăng vào 3 tháng cuối thai kỳ và đặc biệt vào giai đoạn chuyển dạ thì đường máu của thai kích thích tụy sản xuất Insulin. Sau khi sinh, đường máu từ mẹ cung cấp cho thai nhi ngừng đột ngột, nhưng nồng độ Insulin trong máu con vẫn cao => dễ bị hạ đường máu.
Triệu chứng thường là em bé bị hôn mê hơn là kích thích, và hạ đường máu có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Do vậy cần kiểm soát tốt đường máu của mẹ khi mang thai và chuyển dạ để tránh biến chứng này. Và theo dõi chặt chẽ đường máu cho trẻ 3 ngày đầu sau sinh.
Bên cạnh đó cũng có một số biến chứng cần theo dõi ở em bé sau khi chào đời với mẹ bị tiểu đường thai kỳ như:
- Hạ canxi máu sơ sinh.
- Tăng Bilirubin máu.
- Đa hồng cầu
- Ăn kém
- Hội chứng suy hô hấp cấp chu sinh.
- Tăng tỉ lệ tử vong chu sinh (nhất là trong tuần đầu tiên sau khi chào đời từ 2 – 5 lần)
- Ngoài ra có thể bị các dị tật, chậm phát triển trong tử cung, phì đại cơ tim.
- Về lâu dài: Tăng nguy cơ béo phì trẻ em, tăng nguy cơ type 2.
Chính vì tiểu đường thai kỳ để lại nhiều hậu quả cho mẹ và con nên việc chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể làm giảm biến chứng cho mẹ, giảm bệnh lý và tỉ lệ tử vong chu sinh cho con. Và cần lưu ý phụ nữ đái tháo đường thai kỳ sau sinh nên cho con bú triệt để và dài lâu vừa giảm nguy cơ đái tháo đường type 2, vừa giảm nguy cơ béo phì cho em bé.
Biện pháp điều trị đái tháo đường thai kỳ
Rất nhiều phụ nữ có lối sống lành mạnh, chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý trước khi mang thai, nhưng khi bước vào thai kỳ, họ lại muốn ăn nhiều đồ ngọt hoặc các thực phẩm được cho là không có lợi cho sức khỏe.
Nếu thai phụ không kiểm soát được sự thèm ngọt của bản thân trong giai đoạn này, cũng như không nhận được sự tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng thai kỳ phù hợp từ các bác sĩ thì nguy cơ thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ là rất cao.
Bệnh lý đái tháo đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi, thậm chí những hậu quả này sẽ tồn tại lâu dài ngay cả sau khi em bé chào đời.
Kiểm soát đường huyết ổn định đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ. Cần tuân thủ tốt chế độ ăn và luyện tập trong quá trình theo dõi và điều trị.
Thay đổi chế độ ăn ổn định đường huyết
Về chế độ ăn nên ăn nhiều bữa trong ngày để không làm tăng đường máu quá nhiều sau khi ăn và hạ đường máu quá nhanh lúc xa bữa ăn. Ăn 3 bữa chính và 1 – 2 bữa phụ. Đừng quên đảm bảo ăn đủ chất dinh dưỡng nhiều chất xơ.
Thực phẩm thai phụ nên ăn
- Nên các thực phẩm giàu đạm, nguồn gốc động vật ít béo, giàu sắt và calci như: ăn thịt nạc, cá nạc, tôm cua.
- Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình như: đu đủ chín, thanh long, bưởi, ổi…
- Các thực phẩm bổ sung canxi không thể thiếu của bà bầu như sữa bạn nên chọn loại ít đường và không đường: sữa chua, sữa không béo, không đường.
- Các loại dầu thực vật có các acid béo không no cần thiết như: dầu hạt cải, dầu mè, dầu oliu, dầu hướng dương…
- Nên ăn thực phẩm ít gây tăng đường máu: gạo lức, đậu đỗ, rau xanh, củ quả, trái cây ít ngọt, ưu tiên ngũ cốc nguyên cám như: gạo lứt, bánh mỳ đen…
☛ Tham khảo thêm tại: Dinh dưỡng cho bà bầu suốt 9 tháng thai kỳ
Thực phẩm thai phụ nên giảm ăn:
Chế độ ăn đảm bảo giảm các loại đường hấp thu nhanh như đường sữa bánh kẹo, hoa quả ngọt. Các thức ăn dạng tinh bột cần hạn chế như cơm, xôi, bánh chưng…
- Giảm ăn các thực phẩm nhiều đường: bánh kẹo, trái cây có hàm lượng đường cáo (như mía, nhãn, mít, na…), hoa quả sấy khô, kem, chè…
- Giảm ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp: khô, thịt nguội, mì gói, đồ hộp…
- Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: da, lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, phủ tạng (tim, gan ..)
- Không nên uống bia rượu, nước ngọt, nước ngọt có gas, café, chè đặc, nước ép trái cây ngọt.
Vận động giúp kiểm soát đường trong máu
Điều chỉnh chế độ ăn kết hợp vận động nhẹ nhàng để kiểm soát đường máu đạt mục tiêu. Tăng cường đi bộ sau ăn là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm tình trạng kháng Insulin đặc biệt ở những thai phụ béo phì trước mang thai. Cần hỏi ý kiến của các bác sĩ sản khoa trước khi luyện tập.
☛ Tham khảo: Thực đơn ăn uống 1 tuần của mẹ bầu tiểu đường thai kỳ
Theo dõi đường huyết theo chỉ định của bác sĩ
Theo dõi đường huyết lúc đói và sau ăn 1h hoặc 2h. Điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập để đạt được mục tiêu Đường huyết lúc đói < 5,3 mmol/l, Đường huyết sau ăn 1h < 7,8 mmol/l, Đường huyết sau ăn 2h < 6,7 mmol/l.
Nếu đường huyết không đạt được mục tiêu cần đến khám và tư vấn ngay bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
Nếu có chỉ định tiêm thuốc tăng trưởng thành phổi cần thiết phải nhập viện Chuyên khoa nội tiết theo dõi chặt chẽ đường huyết.
Ý KIẾN CHUYÊN GIACách phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ
Cách theo dõi sau đẻ của sản phụ bị Đái tháo đường thai kỳ
|
Video những biến chứng thường gặp trong thai kỳ- trong đó có tiểu đường thai kỳ
Video có nhắc đến các biến chứng thường gặp của thai kỳ trong đó tiểu đường thai kỳ được bác sĩ nhắc đến cụ thể ở phần giữa video. Hãy cùng nghe lời khuyên từ Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Bích Thủy – Trưởng Phòng khám Dịch vụ – Bệnh viện Phụ sản Trung Ương được phát sóng trên Kênh JoyFm – Kênh chuyên biệt về sức khỏe của Đài Tiếng nói Việt Nam.
PGS.TS.BS. Nguyễn Khoa Diệu Vân
Trưởng khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai
Giảng viên Đại học Y Hà Nội
Phạm Thị Hiền bình luận
procarevn bình luận
Nguyễn thị hồng nhung bình luận
Bsi cho hỏi e bị tđtk e đang dùng máy test cá nhân thy thấy sau 2h lúc nào cũng cao hơn 1h thy e có phải tiêm ko ạ
procarevn bình luận
Nguyenhao bình luận
procarevn bình luận
Phùng thị mỹ tiên bình luận
E làm xn bt 3,5 sau 1h là 9,5 và sau 2h là 10. Bsi chuẩn đoán e bị ĐTĐ và kêu e hạn chế tất cả đồ ngọt. Vậy em bé có nguy cơ j k ạ và có nguy hiểm k? Thai e đc 37,5w
procarevn bình luận