Khi mang thai hệ thống miễn dịch của cơ thể người mẹ hoạt động kém hơn bình thường, nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng vì thế sẽ tăng lên. Tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ cho cả mẹ và con tránh khỏi những nguy hiểm, bệnh tật trong thời gian nhạy cảm này. Vậy những loại vắc-xin nào bạn nên tiêm phòng khi chuẩn bị mang thai?
.
Tiêm phòng trước khi mang thai để bảo vệ mẹ và bé
Vì sao nên tiêm phòng trước khi mang thai?
Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của cơ thể người mẹ hoạt động kém hơn bình thường. Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng của bạn cũng vì vậy mà tăng lên. Một số bệnh chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu thông thường. Tuy nhiên, số khác lại có thể gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bạn và bé trong bụng. Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ bạn khỏi những nguy hiểm không đáng có này. Ngoài ra, khi mang thai nghĩa là bạn đang chia sẻ mọi thứ cho thai nhi. Nếu nhận được vắc-xin, bạn không chỉ bảo vệ bản thân mà bạn còn đang cho con một sức đề kháng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Những loại vắc-xin bạn nên tiêm phòng trước khi mang bầu
– Tiêm phòng Rubella: Bạn có biết 90% các trường hợp nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai? Virut Rubella gây ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của thai nhi, thậm chí có thể làm thai nhi tử vong.
– Tiêm phòng sởi: Nếu mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi cũng rất cao. Ngoài ra, bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
– Tiêm phòng Quai bị: Virut quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nếu mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.
Hiện nay, bạn có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và Rubella chỉ với một mũi vắc-xin 3 trong 1 (MMR ). MMR rất hiệu quả và an toàn, có thể giảm từ 90-95% nguy cơ nhiễm bệnh. Một số người có thể đã tiêm phòng MMR khi còn nhỏ và có khả năng miễn dịch với “bộ ba” này. Tuy nhiên, cho dù đã được tiêm phòng từ trước, bạn vẫn nên xét nghiệm lại. Nên tiêm phòng MMR một tháng trước thụ thai.
– Tiêm phòng Thủy đậu: Đã từng bị thủy đậu hay may mắn thoát khỏi căn bệnh này khi còn nhỏ không có nghĩa bạn hoàn toàn miễn dịch. Thậm chí, nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn cũng nên tiêm phòng thêm một mũi tăng cường. Giống như MMR, bạn cũng nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai ít nhất khoảng 1 tháng.
– Tiêm phòng Cúm: Cúm có thể xảy ra theo mùa hoặc thành dịch. Virus Cúm có thể qua nhau thai và ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu tiên khi mà các cơ quan đang trong quá trình hình thành. Bằng việc tiêm phòng các chủng Cúm mùa trước khi mang thai, bạn sẽ giảm được khoảng 70% nguy cơ mắc Cúm trong suốt 1 năm tiếp theo. Bạn nên tiêm phòng Cúm từ 2-3 tháng trước khi mang bầu để vắc-xin bắt đầu phát huy tác dụng.
Cảm cúm khi mang thai có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng
– Tiêm phòng HPV: Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên tiêm phòng virus HPV gây bệnh Ung thư cổ tử cung. Vắc-xin này bao gồm 3 mũi tiêm, kéo dài trong 6 tháng và không được tiêm khi đang mang thai. Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp với thời gian mang thai.
– Tiêm phòng Viêm gan B: Viêm gan siêu vi B có thể lây truyền từ người mẹ bị bệnh sang con qua đường máu. Vì vậy, bạn nên tiêm phòng từ trước khi mang thai, càng sớm càng tốt để tránh nguy cơ mắc bệnh cho cả mình và em bé. Bạn cũng có thể tiêm khi đang mang thai nếu như bác sỹ thấy phù hợp.
Bằng cách tiêm phòng trước khi mang thai, bạn có thể giúp bản thân và con yêu phòng tránh được nhiều bệnh giúp thai kỳ và quá trình chăm sóc con trở nên nhẹ nhàng thuận lợi hơn.
Xem thêm: Một số lưu ý khi tiêm phòng trước khi mang thai
.
DS. Minh Phương
phan kim huệ bình luận
procarevn bình luận
Nguyễn Ngọc Gia Phụng bình luận
procarevn bình luận
ammie bình luận
Cho em hỏi, em tiêu mũi 3in1 và mũi thủy đậu ngày 2/1. sau 1 tháng, 2/12 tiêm mũi cúm. Như vậy, giờ e đã có thể mang thai chưa ạ?
procarevn bình luận