Phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với người bình thường nên đây là đối tượng dễ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, trong đó có một số vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Cùng Procare tìm hiểu những loại vitamin và khoáng chất thường thiếu khi mang thai để bổ sung kịp thời nhé.
Một số loại vitamin và khoáng chất thường thiếu khi mang thai nếu không có chế độ dinh dưỡng cân bằng
Acid Folic (vitamin B9)
Trong cơ thể, acid folic giữ vai trò trong việc phân chia và lớn lên của tế bào. Đối với thai nhi, vai trò quan trọng nhất của acid folic là giúp hoàn thiện ống thần kinh của em bé. Ống thần kinh được hình thành từ ngày thứ 18 của thai kì, bắt đầu đóng lại từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 28. Nếu thiếu acid folic trong giai đoạn này, ống thần kinh không được đóng kín lại thì em bé sẽ bị khuyết tật ống thần kinh, dẫn đến dị tật hở cột sống (cột sống chẻ đôi) và vô sọ. Nếu bị dị tật vô sọ thai thường chết lưu hoặc tử vong ngay sau khi sinh ra. Dị tật ống thần kinh xảy ra với tỉ lệ cao ở các nước thu nhập thấp, trong đó có Việt Nam.
Quá trình đóng lại của ống thần kinh
Vai trò quan trọng thứ 2 của acid folic là tạo máu. Thiếu acid folic, tủy sống sẽ không tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường mà tạo ra các tế bào hồng cầu có kích thước lớn hơn nên gọi là bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu to.
Acid folic có dạng tồn tại tự nhiên là folate, có nhiều trong các thực phẩm như bơ, chuối, súp lơ xanh, ngũ cốc. Tuy nhiên, cơ thể hấp thu được rất ít acid folic từ thực phẩm nên đây là một trong những vitamin dễ bị thiếu khi mang thai. Các viên uống bổ sung chứa acid folic dễ hấp thu hơn cần được bổ sung từ sớm khi mang thai, tốt nhất là trước khi mang thai.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các bà mẹ nên bổ sung một lượng acid folic 400-600mcg/ngày trước và trong quá trình mang thai để phòng dị tật do hở ống thần kinh ở thai nhi. Tuy nhiên các chuyên gia cũng tìm thấy mối liên quan giữa việc bổ sung thừa acid folic với chứng tự kỉ ở trẻ. Vì vậy, không nên bổ sung acid folic với liều cao khi không có hướng dẫn của bác sĩ.
Xem thêm: Bổ sung acid folic cho bà bầu
Sắt
Sắt cần thiết để tạo Hemoglobin – thành phần chính của hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất ở phụ nữ mang thai (khoảng một nửa phụ nữ thiếu máu dinh dưỡng có liên quan đến thiếu sắt). Theo kết quả điều tra được công bố trong “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai tại Việt Nam là 39,5%.
Phụ nữ có thai nên được bổ sung khoảng 27mg sắt nguyên tố mỗi ngày. Sắt có thể bổ sung dễ dàng qua các loại thực phẩm giàu chất sắt như gan, thịt, trứng, các loại đậu đỗ với tỉ lệ hấp thu cao (20-30%).
Sắt có thể bổ sung dễ dàng từ thực phẩm như gan, thịt, rau bina…
Đa số các viên uống tổng hợp cho bà bầu hiện nay cũng đều có chứa sắt. Sắt được bổ sung cùng vitamin C sẽ tăng khả năng hấp thu chất sắt. Ngược lại, canxi với liều cao sẽ ngăn cản hấp thu sắt nên thời điểm uống canxi và sắt phải cách xa nhau.
Xem thêm: Hướng dẫn bổ sung sắt khi mang thai đúng cách
Canxi
Canxi có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành xương và răng ở thai nhi. Nếu chúng ta không cung cấp đủ canxi trong thai kỳ, thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển hoặc biến dạng xương (chân vòng kiềng). Trẻ sinh ra đã có dấu hiệu thiếu canxi như mềm hộp sọ, thóp trước và thóp sau rộng, trẻ có các cơn khóc tím tái do co thắt, thậm chí bị co giật do hạ canxi huyết. Đối với bà mẹ, thiếu canxi sẽ dẫn đến các triệu chứng chuột rút, đau mỏi cơ nhất là 3 tháng cuối, và có thể bị loãng xương, hỏng răng sau khi sinh.
Ba tháng giữa và ba tháng cuối là thời điểm cần đặc biệt chú ý đến bổ sung canxi vì đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ hệ xương của em bé. Lượng canxi được khuyến cáo bổ sung cho phụ nữ có thai là 1000mg/ngày.
Canxi tốt nhất nên được bổ sung từ nguồn thực phẩm. Tôm, cua, các loại cá nhỏ, sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn bổ sung canxi rất tốt. Chỉ bổ sung canxi từ thuốc khi chế độ dinh dưỡng không đáp ứng đủ và không nên lạm dụng vì có thể dẫn đến táo bón, sỏi thận, trẻ có nguy cơ lùn hơn do thừa canxi. Canxi liều từ 500mg trở lên sẽ cản trở hấp thu các chất khác nên cần được uống cách xa thời điểm uống vitamin tổng hợp.
Xem thêm: Bổ sung Canxi cho bà bầu như thế nào?
DHA/EPA
DHA và EPA có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành não bộ, thị giác và khả năng dẫn truyền thần kinh của trẻ. Bổ sung đầy đủ DHA và EPA trong suốt quá trình mang thai và cho con bú giúp con bạn có chỉ số thông minh và khả năng phản xạ tốt hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra bổ sung đủ DHA/EPA giúp trẻ nâng cao miễn dịch, phòng tránh các bệnh dị ứng, hen suyễn và giảm nguy cơ tiền sản giật, sinh non, sinh con nhẹ cân cho bà mẹ.
Cá biển là nguồn thực phẩm giàu hai loại acid béo này. ESPGHAN (Cộng đồng Tiêu hóa, Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu), Hội đồng Châu Âu, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Úc đều khuyến cáo phụ nữ mang thai nên ăn ít nhất hai bữa cá một tuần để bổ sung DHA và EPA. Đối với các bà mẹ không thể đáp ứng được bằng chế độ dinh dưỡng hoặc lo ngại hàm lượng thủy ngân cao trong một số loại cá biển thì có thể bổ sung bằng viên uống chứa DHA/EPA. DHA và EPA được vận chuyển qua nhau thai tốt nhất ở tỉ lệ DHA/EPA = 4/1.
Xem thêm: Bổ sung DHA cho bà bầu như thế nào?
I-ốt
I-ốt là nguyên tố hình thành nên các hormone tuyến giáp. Phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ I-ốt có thể bị tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau sinh. Trẻ sinh ra có thể bị suy giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, giảm chuyển hóa cơ thể. Tuy nhiên, nếu bổ sung I-ốt quá nhiều thì lại có nguy cơ bị cường giáp và các biến chứng trong thai kì như tiền sản giật, sinh non, sảy thai…
Vì vậy khi bổ sung I-ốt cần phải cân đối với chế độ ăn. Lượng I-ốt cần cho phụ nữ mang thai theo khuyến cáo là 220mcg/ngày. I-ốt có thể bổ sung qua muối ăn, các loại hải sản, rong biển nhưng nó dễ bị mất đi trong quá trình chế biến thức ăn. Do đó, việc bổ sung I-ốt bằng các loại thực phẩm, muối ăn chưa hẳn đã đủ lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể khi mang thai. Để tránh nguy cơ thiếu hụt I-ốt bà bầu có thể dùng thêm viên uống bổ sung với hàm lượng I-ốt từ 75-200mcg tùy thuộc vào chế độ dinh dưỡng.
Xem thêm: Bổ sung I-ốt đúng cách cho bà bầu
Tóm lại: khi mang thai, nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ tăng cao nên rất dễ bị thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất như acid folic, sắt, canxi, DHA/EPA, I-ốt. Bổ sung đầy đủ chất qua chế độ ăn hợp lý và thuốc bổ tổng hợp sẽ giúp thai nhi phát triển toàn diện, phòng tránh được các dị tật, đồng thời giảm các nguy cơ đái tháo đường, tiền sản giật, sinh non…Khi lựa chọn thuốc bổ sung cần cân nhắc với chế độ ăn để tránh bổ sung qúa nhiều dẫn đến dư thừa các chất.
DS. Nguyễn Quỳnh