Bạn đang mang thai? Hãy suy nghĩ kĩ trước khi ăn những loại thực phẩm này để tránh gây hại cho sức khỏe của bạn và em bé.
Khi mang thai, những thứ bạn ăn hay uống vào đều ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé trong bụng, thậm chí chúng có thể gây ra những tác động vĩnh viễn trên đứa con bạn sinh ra. Dưới đây là một số loại đồ ăn và đồ uống hàng ngày có thể gây nguy hiểm cho thai nhi mà bạn nên tránh.
Thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín có nguồn gốc từ động vật
Thực phẩm chưa nấu chín có nguồn gốc từ động vật như thịt tái, hàu sống, sò, sushi, trứng chưa tiệt trùng, bột bánh sống, và kem trứng tự làm có thể chứa các loại vi khuẩn, virus và kí sinh trùng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm, bạn nên ăn thịt chín hoàn toàn, đun trứng cho đến khi trứng không còn chảy lỏng và không ăn bột bánh sống.
Thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn, virus và kí sinh trùng
Xúc xích, thịt hộp và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng
Những loại thực phẩm này dễ bị nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes gây bệnh Literiosis, có thể dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Các loại xúc xích, thịt hộp, pa-tê,cá hun khói… có thể chứa vi khuẩn Listeria. Nếu bạn muốn ăn những loại thực phẩm nói trên thì cần phải nấu chín chúng trước. Theo GS.BS.Michael Lu, giảng viên ĐH California chuyên ngành Sản, phụ khoa và Sức khỏe cộng đồng, thì phụ nữ mang thai nên tránh chất lỏng từ các gói xúc xích, đồ dùng, mặt thớt, và rửa tay sau khi chế biến xúc xích và các loại thịt hộp để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn Listeria.
Các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng cũng dễ bị nhiễm vi khuẩn Listeria. Khi mang thai, bạn nên tránh ăn sữa thô và các chế phẩm từ sữa chưa tiệt trùng như phô mai mềm kiểu Pháp, phô mai feta (Ý), phô mai vân xanh (Mỹ), phô mai kiểu Mexico.
Một vài loại hải sản và cá
Cá lớn chẳng hạn như cá kiếm, cá mập, cá kình, cá thu chứa hàm lượng thủy ngân cao, có thể gây cản trở sự phát triển bình thường của não bộ và hệ thống thần kinh của trẻ. Bạn cũng nên tránh các loại tôm cá đánh bắt ở vùng nước bị ô nhiễm bởi chúng có thể bị nhiễm các hóa chất gây hại cho sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên cá biển lại rất giàu DHA, rất cần cho sự phát triển não bộ và thị giác của trẻ nên FDA khuyến cáo phụ nữ mang thai và cho con bú mỗi tuần nên ăn 340 gam cá biển hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi , cá ngừ trắng, cá minh thái, cá mòi…
Rau mầm sống
FDA khuyên tất cả mọi người, không chỉ riêng phụ nữ có thai, không nên ăn rau mầm sống như cỏ linh lăng, cỏ ba lá, củ cải và giá đỗ.
Lý do: vi khuẩn có thể đi vào trong các hạt mầm và gần như không thể rửa trôi được. Theo khuyến cáo của FDA, phụ nữ có thai không được ăn rau mầm, trừ khi chúng đã được nấu chín.
Rau mầm sống cũng là một loại thực phẩm cần phải tránh khi mang thai
Những loại đồ uống cần hạn chế hoặc tránh
Chất cồn (rượu vang, bia, rượu mạnh) lấy đi oxy và các chất dinh dưỡng của tế bào đang phát triển, cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi. Thai nhi phơi nhiễm rượu trong bụng mẹ sẽ bị ảnh hưởng vĩnh viễn về sự phát triển trí tuệ và thể chất.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kì (CDC) và Tổ chức March of Dimes, không có mức tiêu thụ rượu nào được coi là an toàn trong thai kì.
Các loại nước ép chưa tiệt trùng dễ bị nhiễm vi trùng, bao gồm cả E.coli.
Chì có liên quan đến sinh con nhẹ cân, sinh non và chậm phát triển ở trẻ. Nguồn nước không đảm bảo có thể bị nhiễm chì.
Caffein trong cà phê, trà, đồ uống nhẹ, nước tăng lực…có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh con nhẹ cân và thai chết lưu, nhưng các nghiên cứu còn chưa nhất quán. Tổ chức March of Dimes khuyến cáo giới hạn lượng caffein tiêu thụ trong 1 ngày là 200mg (tương đương 340g cà phê).
Không uống rượu khi mang thai dù chỉ một chút
Bisphenol A (BPA)
BPA là một hóa chất công nghiệp được sử dụng để làm cứng nhựa và màng bọc nhiều loại thực phẩm đóng hộp. Nó gây rối loạn nội tiết và có thể làm xáo trộn sự phát triển bình thường của thai nhi.
Tháng 1 năm 2010, FDA đã đưa ra thông báo rằng: “các nghiên cứu gần đây chỉ ra một số lo ngại về tác động tiềm ẩn của BPA đối với não bộ, hành vi và tiền liệt tuyến của bào thai, trẻ sơ sinh và trẻ em”. Hầu hết các thử nghiệm được tiến hành trên động vật, và FDA cho rằng có những bất ổn về tác dụng của BPA trên sức khỏe con người. Nếu bạn muốn tránh BPA trong khi mang thai, hãy sử dụng loại nhựa không chứa BPA và lọ thủy tinh có sẵn.
Các loại trà thảo dược và thực phẩm chức năng
Dù các loại trà thảo dược không chứa caffein, nhưng không có gì đảm bảo cho an toàn của bạn khi sử dụng chúng trong thai kì. Chưa có bất kì một nghiên cứu đáng tin cậy trên người về sự an toàn của các chế phẩm thảo dược, bao gồm cả thực phẩm chức năng như cúc tím, ngải tây. “Uống trà thảo dược bán trong siêu thị có thể là an toàn, nhưng phụ nữ có thai nên tránh dùng một lượng lớn trà thảo dược và tuyệt đối tránh thực phẩm chức năng” – Giáo sư Michael Lu nói.
Các loại thảo dược thông thường và thực phẩm chức năng nên tránh trong quá trình mang thai (Theo Duffy Mackay, Phó chủ tịch Ủy ban an toàn dinh dưỡng):
- Các loại thảo mộc chứa chất kích thích hoặc thực phẩm chức năng có chứa caffein, đặc biệt là những thảo mộc để giảm cân như cây guarana, hạt kola, trầu, cam đắng cây Yohimbe, theobromine (chiết xuất từ cây ca cao).
- Các loại thực vật khác cần tránh khi mang thai bao gồm mao lương hoa vàng, cây hắc mai (Cascara sagrada), óc chó đen (Black walnut), ngải tây, cây cúc ngải, bạc hà hăng (Pennyroyal), phan tả diệp (Senna), cây cọ lùn.
Phụ nữ mang thai hoặc có thể mang thai không nên bổ sung quá 10.000IU vitamin A mỗi ngày vì nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Hãy nói chuyện với bác sĩ sản khoa về bất kì loại thảo dược bổ sung hoặc các vitamin trước khi sử dụng chúng trong thai kì.
Những loại thực phẩm có thể gây dị ứng
Nếu bạn, bố của em bé, hoặc một trong những đứa con của bạn bị dị ứng thì em bé của bạn có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã chứng minh rằng tránh các thực phẩm gây dị ứng, chẳng hạn như đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng trong suốt quá trình mang thai và cho con bú có thể làm giảm dị ứng ở trẻ em nhạy cảm. Trước khi thay đổi chế độ ăn uống, hãy nói với bác sĩ về tiền sử bệnh dị ứng và hen suyễn của gia đình , hoặc tham khảo ý kiến một chuyên gia dinh dưỡng có hiểu biết về dị ứng thực phẩm.
Dư thừa năng lượng
Bây giờ bạn đang ăn cho hai người, nhưng không có nghĩa là bạn phải ăn gấp đôi lượng calo. Tăng cân quá nhiều đe dọa sức khỏe của bạn, và có thể làm tăng nguy cơ béo phì ở em bé trong tương lai.
Bạn cần thêm 340 calo 1 ngày ở tam cá nguyệt thứ hai, và thêm 450 calo trong tam cá nguyệt thứ 3. Nhưng nếu bạn đang thừa cân khi mang thai, hoặc mức độ hoạt động thể chất giảm xuống, bạn có thể cần ít calo hơn. Tuy nhiên, không nên cố gắng giảm cân khi mang thai.
Tóm lại: nhiều loại thức ăn, đồ uống hàng ngày có thể gây hại cho sự phát triển của em bé trong bụng như thực phẩm sống, đồ uống có cồn và các chất kích thích. Để thai nhi phát triển một cách toàn diện và đảm bảo sức khỏe của chính mình, các mẹ thông thái cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua chế độ ăn lành mạnh và có thể dùng các thuốc bổ sung theo hướng dẫn của chuyên gia.
Xem thêm: Kinh nghiệm mang thai lần đầu
By Elizabeth M. Ward, MS, RD
WebMD Feature
Reviewed by Kathleen M. Zelman, MPH, RD, LD
Phan thị luong bình luận
Tư vấn về thức ăn a
procarevn bình luận
Phan thị ngọc linh bình luận
Cho hỏi. Mình mang bau 1 thang.mình nen an gi de hap thu cho con.va ko nen an gi
procarevn bình luận