Cảm cúm là một căn bệnh thông thường nhưng chúng lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thai kỳ. Chữa trị cảm cúm cho bà bầu cũng gặp khó khăn do các thuốc sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến em bé. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy cùng tìm hiểu những mẹo giúp bầu tránh xa bệnh cúm trong bài viết dưới đây.
Bà bầu với nỗi lo bệnh cúm
Những thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai khiến mẹ bầu có hệ miễn dịch kém hơn và dễ trở thành đối tượng của virus cúm. Điều đáng lo là mắc cúm trong những tháng đầu của thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật não. Virus cúm cũng làm tăng nguy cơ sinh non, sẩy thai, thai lưu…Vì vậy các mẹ đừng chủ quan với căn bệnh tưởng chừng như vô hại này. Những mẹo nhỏ dưới đây có thể hữu ích cho bạn trong việc phòng tránh bệnh cúm khi mang thai.
Tiêm phòng cúm trước khi mang thai
Vaccine phòng cúm đang sử dụng tại nước ta hiện nay có thể phòng các chủng cúm thường gặp như cúm A H1N1, H3N2 và cúm B. Đây là loại vaccine bất hoạt nên khá an toàn, nhà sản xuất cũng không có chống chỉ định với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên thành phần bảo quản của vaccine là thiomersal (một loại thủy ngân hữu cơ) nên để đảm bảo an toàn thì các mẹ vẫn nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai 2 tháng. Còn nếu đã lỡ có bầu ngay sau khi tiêm phòng cúm thì cũng đừng quá lo lắng vì cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng của vaccine phòng cúm với sự phát triển của thai nhi.
Đừng quên khẩu trang khi đến nơi công cộng
Khi đến chỗ đông người chúng ta có khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh trong không khí nhiều hơn. Vì vậy mẹ bầu đừng quên mang khẩu trang để tránh hít phải virus, vi khuẩn gây bệnh. Người bạn này hữu ích này vừa giúp chúng ta tránh xa bệnh cúm lại vừa bảo vệ da mặt khỏi bụi bẩn, tia cực tím phải không nào?
Rửa tay thường xuyên
Thật ngạc nhiên vì đôi tay nhỏ xinh của chúng ta lại là nơi vi khuẩn sinh sống đông đúc và chúng cũng dễ mang vi khuẩn, virus từ nơi khác thông qua việc tiếp xúc. Vì vậy rửa tay với xà bông diệt khuẩn thường xuyên sẽ giúp mẹ loại bỏ được không ít nguy cơ nhiễm bệnh từ chính bàn tay của mình đấy.
Súc miệng với nước muối
Nước muối có tính sát khuẩn rất tốt. Súc miệng với nước muối mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy giúp mẹ làm sạch khoang miệng, không chỉ giúp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp mà còn giúp răng lợi khỏe mạnh hơn.
Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên bằng chế độ dinh dưỡng
Hệ miễn dịch tự nhiên là vũ khí lợi hại giúp chúng ta chống lại bệnh cúm. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất sẽ giúp cơ thể mẹ mạnh khỏe, tăng cường sức đề kháng và đảm bảo cho em bé phát triển toàn diện. Các axit béo omega-3, Vitamin A, vitamin C là những chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Vitamin C có rất nhiều trong các loại trái cây như cam, chanh, dứa…mà mẹ bầu có thể ăn hàng ngày, vừa khỏe mạnh lại đẹp da.
Cá biển, quả bơ, hạt hạnh nhân, óc chó…là những thực phẩm chứa nhiều axit béo omega-3, tốt cho hệ miễn dịch và sự phát triển não bộ, thị giác của em bé. Loại axit béo thiết yếu này thường khó đảm bảo được qua chế độ ăn. Vì vậy, để cung cấp đủ cho cơ thể thì mẹ bầu được khuyên sử dụng thêm từ thuốc bổ sung mỗi ngày.
Vitamin A tồn tại dưới 2 dạng là Renitol (Vitamin được hoạt hóa) có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật như: gan, chất béo từ thịt, trứng… và Betacaroten (tiền Vitamin A) có trong thức ăn có nguồn gốc thực vật như: các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các các loại rau màu xanh thẫm, dầu ăn… Để không gặp các tác dụng phụ do thừa Vitamin A, mẹ bầu nên lựa chọn sản phẩm bổ sung Vitamin A ở dạng tiền chất Betacaroten.
Thu Trang