Được nhìn thấy những hình ảnh lớn lên của con trong bụng mẹ mỗi ngày là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, các cơ quan của bé bắt đầu hình thành và đánh dấu bước phát triển sơ khai, chuẩn bị cho những bứt phá tại giai đoạn sau. Dưới đây là những hình ảnh thai nhi trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.
Mục lục
- 3 tuần đầu tiên
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 4
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 5
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 6
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 7
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 8
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 9
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 10
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 11
- Hình ảnh thai nhi tuần thứ 12
- Lời khuyên của chuyên gia dành cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu
3 tuần đầu tiên
Thai nhi 1 tuần tuổi chưa có bất kỳ dấu hiệu nào bởi theo như cách tính tuổi thai thì bạn vẫn chưa thực sự mang thai. Tuy nhiên, cách tính này cho tới hiện tại cho kết quả dự sinh một cách chính xác cao nhất.
Theo cách tính này, thời điểm trứng và tinh trùng gặp nhau thường nằm ở tuần thứ hai. Ở tuần này, trong cơ thể bạn sẽ có sự biến đổi rất lớn về hormone. Oestrogen kích thích tử cung (dạ con) tạo thành một lớp lót với nhiều dinh dưỡng, progesterone giúp tử cung chuẩn bị sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh và giúp trứng làm tổ ở tử cung, nơi nó sẽ phát triển thành thai nhi và ra đời trong 9 tháng tới.
Trong lúc này, một quả trứng đang chín trong nang trứng. Trong thời gian chuẩn bị này, nếu có tinh trùng tiếp cận được tới trứng, quả trứng sẽ trở thành một hợp tử.
Tuần thứ 3, hợp tử sẽ đi vào tử cung làm tổ với một tế bào cực nhỏ được gọi là túi phôi. Thời điểm này, thai nhi đã thực sự tồn tại, dù kích thước cực kỳ nhỏ (chỉ khoảng 0.1-0.2mm).
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 4
Sang tới tuần thứ 4, giai đoạn này phôi thai tăng trưởng mạnh nhằm hình thành và phát triển cơ quan và bộ phận của cơ thể. Kích thước thai ở tuần thứ 4 vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 2mm, bao gồm 3 lớp: ngoại bì, trung bì và nội bì.
- Ngoại bì: Ống thần kinh, não bộ, tủy sống, dây thần kinh và hệ xương sống hình thành. Lớp ngoại bì cũng tạo ra da, tóc, móng, tuyến vú, mồi hôi và men răng cho thai nhi.
- Trung bì: Tim và hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành ở tầng trung bì. Tim của bé bắt đầu phân chia thành các ngăn, bắt đầu đập và bơm máu.
- Nội bì: Bao gồm phổi, ruột cùng hệ thống tiết niệu thô sơ, tuyến giáp gan và tuyến tụy. Cùng lúc này, nhau thai và dây rốn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé đã hoạt động.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 5
Thai nhi 5 tuần tuổi, lúc này tim của em bé được tạo thành từ hai ống tim và đã hoạt động khá ổn định. Giai đoạn này tập trung vào phát triển mũi, miệng và tai. Đầu sẽ phát triển khá lớn, xuất hiện nhiều đốm sẫm màu nơi mắt và lỗ mũi của bé. Cân nặng của thai nhi 5 tuần tuổi sẽ tương đương một hạt mè, chiều dài khoảng 0,33cm.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 6
Bước sang tuần thứ 6, mắt, mũi miệng và tai của bé hình thành cùng trái tim bé nhỏ đập nhanh gần gấp đôi với nhịp tim của mẹ. Cân nặng của bé tương đương một hạt táo tây, chiều dài 0,63cm. Lúc này, khuôn miệng bé đã hình thành lưỡi và các dây thanh âm.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 7
Thai nhi 7 tuần tuổi có cân nặng tương tự một hạt đậu Hà Lan, chiều dài 1,3cm. Những ngón tay, ngón chân có màng dần xuất hiện, “đuôi” dần co lại và biến mất. Khoảng thời gian này, các cơ quan nội tạng phát triển với tốc độ nhanh chóng. Bé đã có mí mắt, thanh khí – phế quản kéo dài từ cổ họng đến các nhánh phôi. Mặc dù mẹ chưa cảm nhận được nhiều, tuy nhiên bé yêu của bạn đang liên tục phát triển đó!
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 8
Ở tuần thai thứ 8, hình hài bé yêu đã phát triển khá đầy đủ, đã sẵn sàng để tăng cân trong những tháng tới. Cân nặng của bé ước tính với một trái việt quất, nặng chỉ khoảng 1g, chiều dài 1,6cm. Phần đuôi của phôi thai đã biến mất hoàn toàn. Các cơ quan nội tạng, cơ bắp và thần kinh dần định hình. Khớp gối xuất hiện, các chi trên cơ thể hình thành đầy đủ tuy nhiên cần thêm thời gian để hoàn thiện. Tuần thứ 8, cơ quan sinh dục đã xuất hiện, tuy nhiên chưa thể đủ để xác định giới tính của bé.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 9
Tuần thai thứ 9 – khởi đầu của giai đoạn bào thai, khi các mô và cơ quan trong cơ thể thai nhi đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Lúc này, em bé của bạn có cân nặng tương đương một quả mâm xôi, chiều dài khoảng 2,3cm. Móng tay và móng chân đang hình thành thây cho màng, lông tơ mọc ra ở lớp da mềm mại. Khoảng thời gian này, khuôn mặt em bé đã có miệng, mũi và lỗ mũi, cổ tay có thể gập lại và đặt gần tim, đôi chân cũng đủ dài có thể gấp lại trước bụng. Cơ thể bắt đầu có sự chuyển động, các khớp chính hoạt động khá thuần thục.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 10
Thai nhi 10 tuần tuổi – em bé phát triền gần như đầy đủ. Lúc này, bé con của mẹ đã dài khoảng 3-4cm, cân nặng tương tự một trái anh đào khoảng 4g, phát triển đầy đủ các bộ phận giống như một người trưởng thành. Đầu của bé đang dần to hơn, trán bắt đầu phồng lên bởi sự phát triển nhanh chóng của não bộ. Ước tính mỗi phút sản sinh tới 250.00 tế bào thần kinh. Hai bên lỗ tai đã gần định hình xong, mí mắt nhắm lại để bảo vệ mắt. Xuất hiện những chồi răng nhỏ dưới nướu. Tuần thứ 10, em bé có những vận động liên tục, tuy nhiên mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được bởi bào thai còn khá nhỏ.
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 11
Thai nhi 11 tuần tuổi, khuôn mặt đã gần như hoàn chỉnh, mắt đã di chuyển từ hai bên vào giữa khuôn mặt, tai đã ở đúng vị trí. Các tế bào thần kinh cũng tiếp tục nhân lên nhanh chóng. Lúc này cân nặng của bé đã tương đương với 1 trái dâu tây, khoảng 7g, chiều dài khoảng 4,1cm. Cơ thể của bé đang thẳng, thân mình dài ra, bé có thể thực hiện được tư thế nhào lộn, vươn vai, cuộn người về phía trước rồi đó!
Hình ảnh thai nhi tuần thứ 12
Tuần thai thứ 12, cân nặng của bé đã tương đương một trái chanh, khoảng 14g, chiều dài từ đầu tới mông khoảng 5,34cm. Các bộ phận tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Cổ bé đã dần hình thành rõ hơn, phân chia phần đầu với phần mình, không còn giống như là dính liền vào nhau nữa. Điều đặc biệt ở giai đoạn này là khả năng phản xạ. Các ngón tay có thể sớm co và duỗi, ngón chân có thể cong vểnh ra, miệng có phản xạ mút, cơ mắt khép chặt. Nếu mẹ chọc nhẹ vào bụng, em bé sẽ vặn vẹo thân mình phản ứng lại đó! Tuy nhiên, vẫn còn khá sớm để mẹ có thể cảm nhận rõ ràng những chuyển động dễ thương này!
Lời khuyên của chuyên gia dành cho mẹ bầu trong 3 tháng đầu
Ăn uống khi mang thai
Nhiều người có suy nghĩ truyền thống rằng khi mang thai “ăn đủ là ăn gấp đôi, ăn cho hai người”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Hiệp hội Sản khoa của Anh quốc, mỗi ngầy thai phụ chỉ cần bổ sung thêm 15% lượng calo so với mức bình thường của một người trưởng thành. Khoảng thời gian 3 tháng đầu, mẹ bầu thường hay gặp tình trạng ốm nghén, không ăn được nhiều và dễ tụt cân, nên tập trung tăng cân ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Để có thể có được năng lượng cho cơ thể và giảm bớt ngán, mẹ bầu có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tăng cường bổ sung rau củ và trái cây, các loại hạt, sữa tiệt trùng.
Tham khảo: Cách giữ thai 3 tháng đầu – mẹ bầu chú ý
Bổ sung vitamin, khoáng chất
Trong giai đoạn mang thai, các vitamin thường được yêu cầu bổ sung là sắt, axit folic, canxi, DHA,…
- Thiếu axit folic có thể gây ảnh hưởng đến ống thần kinh thai nhi, tăng nguy cơ xảy ra tình trạng thai vô sọ.
- Thiếu sắt có thể dẫn tới thiếu máu. Ngoài lựa chọn các thực phẩm giàu sắt mẹ bầu có thể bổ sung sắt tổng hợp khi đói.
- Thiếu vitamin D và canxi có liên quan tới còi xương, sinh non hoặc cao huyết áp.
Tuy nhiên, việc bổ sung này không được tùy ý. Mẹ bầu chú ý khám thai định kỳ để nhận được tư vấn bổ sung vitamin phù hợp từ bác sĩ.
Tập thể dục
Nếu sức khỏe của mẹ hoàn toàn ổn định, không có nguy cơ hoặc tiền sử sảy thai thì hoàn toàn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng. Các chuyên gia sản khoa khuyến khích các bà bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày 30 phút, có thể đi bơi, đi bộ hoặc tập yoga. Những động tác yoga và tập thở giúp thuận lợi cho việc sinh nở.
Việc đi bộ hít thở không khí giúp tâm trạng mẹ tốt hơn, em bé cũng khỏe mạnh hơn. Tập thể dục còn rất tốt cho thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Việc tiết chế ăn uống và tập thể dục hỗ trợ tốt cho kiểm soát lượng đường trong máu.
Ngâm nước nóng thực sự không được khuyến khích vì có thể làm tăng thân nhiệt, tăng nhịp tim, dẫn đến tăng nhịp tim em bé, tăng nguy cơ sinh non. Bạn vẫn có thể tắm nước nóng và thỉnh thoảng ngâm nước nóng nhưng hạn chế ngâm lâu và thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, việc ngâm chân lại tốt cho thai phụ, giúp phòng ngừa chứng phù nề ở chân.
Tư thế ngủ
Nhiều mẹ bầu băn khoăn nên ngủ tư thế nào thì tốt cho thai nhi? Câu trả lời là “Trong 3 tháng đầu, thai nhi còn nhỏ, mẹ bầu có thể lựa chọn nằm tư thế mình cảm thấy thoải mái, trừ nằm úp sấp”. Đến 3 tháng cuối, tử cung có nước ối nhiều hơn, dễ mỏi lưng nên các mẹ nằm nghiêng để giảm áp lực cột sống và các mạch máu. Nghiêng bên phải sẽ đèn nén lên gan, do vậy nằm nghiêng bên trái sẽ tốt hơn. Bạn có thể kê thêm gối dài sau lưng và gối ôm dưới chân để có tư thế thoải mái nhất.
Giai đoạn mang thai, mẹ bầu sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, người chồng cần thích ứng. Việc quan hệ vợ chồng ở 3 tháng đầu vẫn có thể thực hiện bình thường với những mẹ bầu có sức khỏe tốt.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào mẹ cho là bất thường, cần sớm tới bệnh viện thăm khám và nhận tư vấn hoặc điều trị kịp thời từ bác sĩ!