Tỉ lệ trẻ mắc bệnh dị ứng, nhiễm trùng ngày càng gia tăng là nỗi lo của các bậc cha mẹ. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự ô nhiễm môi trường, sự biến đổi của các chủng vi khuẩn virus, đề kháng kháng sinh gia tăng khiến hệ miễn dịch non nớt của trẻ không đủ sức chống đỡ. Vậy có cách nào giúp em bé trong bụng của bạn có một hệ miễn dịch khởi đầu tốt nhất để chống lại các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường?
Dưới đây là 5 cách bạn có thể làm để con yêu có một hệ miễn dịch khởi đầu tốt nhất:
Hãy bắt đầu với chế độ dinh dưỡng khi mang thai
Hệ miễn dịch của thai nhi bắt đầu phát triển từ tuần thứ 9 và hoàn thiện dần trong bụng mẹ, nhưng chỉ đến khi chào đời thì hệ miễn dịch của em bé mới thực sự hoạt động độc lập. Các nghiên cứu chỉ ra chế độ dinh dưỡng khi mang thai của bà mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch của em bé sau này:
- Hệ vi sinh đường ruột – điểm khởi đầu của hệ miễn dịch cho em bé: hệ thống tiêu hóa của chúng ta luôn có một hệ sinh thái các loài vi sinh vật và hệ vi sinh này khác nhau ở mỗi người. Hệ khuẩn chí trong lòng ruột bên cạnh vai trò hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nó còn kích thích tạo ra các kháng thể IgA, IgM hỗ trợ cho hệ miễn dịch của cơ thể.
Nhiều chuyên gia cho rằng hệ vi sinh đường ruột quyết định thể trạng, sức khỏe của mỗi người. Có một bằng chứng khoa học khá thú vị cho giả thuyết này đó là một nghiên cứu được thực hiện trên chuột: khi người ta cấy hệ vi sinh đường ruột của một con chuột bị béo phì sang một con chuột bình thường thì sau một thời gian con chuột đó cũng trở lên béo phì!
Chúng ta vẫn nghĩ rằng hệ tiêu hóa của em bé trong bụng mẹ vốn dĩ không có vi khuẩn, và hệ khuẩn chí của em bé được hình thành khi em bé chào đời, tiếp xúc với không khí, bú giọt sữa đầu tiên từ mẹ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự xuất hiện của vi khuẩn đường ruột trong máu dây rốn và phân su (lần đi phân đầu tiên của trẻ), và họ tin rằng em bé đã có được hệ vi sinh đường ruột từ mẹ trong thai kỳ. Thói quen ăn uống có thể ảnh hưởng tới hệ vi sinh đường ruột của mẹ, từ đó gián tiếp ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của em bé khi chào đời. Vì vậy có thể nói chế độ ăn uống lành mạnh khi mang thai là bước đầu tiên giúp cho hệ thống miễn dịch của con phát triển tốt. - Bổ sung DHA, EPA trong thai kỳ giúp nâng cao hệ miễn dịch cho con: các bệnh dị ứng ngày càng gia tăng ở trẻ nhỏ là mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh. Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng các nhà khoa học cho rằng có sự ảnh hưởng của chế độ ăn nghèo các acid béo omega-3. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng tích cực về việc bà mẹ bổ sung omega-3 trong thai kỳ sẽ giúp trẻ khi sinh ra có hệ miễn dịch tốt hơn, ít mắc các bệnh dị ứng, hen, eczema (Newson và cộng sự 2004, Salam 2005, Willers 2007…). Bên cạnh đó, các acid béo omega-3, đặc biệt phải kể đến DHA và EPA giúp ngăn ngừa sinh non, đảm bảo cho em bé có đủ thời gian phát triển hoàn thiện hơn trong bụng mẹ. Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung 200mg DHA và 50mg EPA mỗi ngày.
Cố gắng sinh thường nếu có thể
Phương pháp sinh đẻ tự nhiên có thể đem lại những lợi ích lớn về mặt sức khỏe cho em bé. Tất nhiên trong trường hợp bắt buộc thì bác sĩ cần mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho bà mẹ và đứa trẻ. Nhưng nếu không thuộc trường hợp đặc biệt thì lời khuyên cho các bà mẹ là hãy cố gắng sinh thường bởi những lợi ích sau:
- Lợi ích miễn dịch tự nhiên: các em bé sinh thường và sinh mổ có hệ khuẩn chí khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ nhiễm vi khuẩn C.difficile – gây tiêu chảy và các vấn đề tiêu hóa khác hơn so với trẻ sinh thường. Mặt khác, người ta cũng nhận thấy sự có mặt nhiều hơn của lợi khuẩn bifidobacteria ở trẻ sinh thường. Giống như các lợi khuẩn khác, bifidobacteria giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Để có thể sinh thường thuận lợi các mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý trong thai kỳ. Một số biện pháp giảm đau như gây tê màng cứng có thể giúp mẹ bớt đau đớn và tỉnh táo trong suốt quá trình vượt cạn.
- Hệ hô hấp khỏe mạnh cho bé: khi em bé chui qua ống sinh của mẹ để đến với thế giới bên ngoài, lực co bóp giúp đẩy hết nước ối ra khỏi phổi và khi bé cất tiếng khóc đầu tiên cũng là lúc phổi nở ra. Trẻ sinh bằng phương pháp mổ sẽ không được ép sạch nước ối ra khỏi phổi nên dễ mắc bệnh đường hô hấp hơn.
Cho con bú càng sớm càng tốt
Những giọt sữa tiết ra đầu tiên còn gọi là sữa non, không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn chứa rất nhiều các kháng thể giúp bảo vệ em bé của bạn trong những ngày đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Hơn nữa việc cho con bú sớm còn kích thích tử cung co thắt để cầm máu và nhanh phục hồi hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho con, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo bạn nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Tiếp xúc da với em bé sau khi sinh
Nghiên cứu cho thấy những em bé được tiếp xúc da với mẹ sau khi sinh được nhận hệ vi khuẩn từ mẹ từ sớm, hệ khuẩn chí này bảo vệ em bé tốt hơn trong môi trường gia đình sau này. Những em bé không được tiếp xúc da với mẹ sớm có thể nhận được hệ khuẩn chí từ người khác hoặc những vi khuẩn trong phòng sinh, và hệ khuẩn chí này có thể sẽ không bảo vệ em bé được tốt như hệ khuẩn chí từ mẹ.
Sử dụng kháng sinh đúng cách
- Thứ nhất: sử dụng kháng sinh làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột của trẻ khiến em bé bị tiêu chảy và suy giảm sức đề kháng. Nghiên cứu được tiến hành bởi Jernberg và cộng sự năm 2007 cho thấy sau khi sử dụng kháng sinh thì trong vòng 2 năm hệ khuẩn chí của em bé vẫn chưa được hồi phục và khả năng đề kháng của trẻ bị suy giảm. Do đó chỉ sử dụng kháng sinh khi cần thiết và nếu phải dùng kháng sinh thì nên kết hợp cùng với một men vi sinh để cân bằng hệ vi khuẩn trong lòng ruột.
- Thứ 2: sử dụng không đúng loại kháng sinh hoặc không đủ liều làm gia tăng tính đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Điều này sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, khi mà các chủng vi khuẩn không còn đáp ứng với các kháng sinh thông thường nữa. Hiện nay tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang diễn ra một cách đáng báo động, trong khi phải rất lâu chúng ta mới tìm ra được một kháng sinh mới. Vì vậy sử dụng kháng sinh cho trẻ cần hết sức thận trọng, không nên tự ý cho bé uống kháng sinh nếu bạn không muốn một tương lai mà chúng ta không còn kháng sinh để dùng!
DS. Băng Tâm
Tài liệu tham khảo:
- Jernberg C1, Löfmark S, Edlund C, Jansson JK. Long-term ecological impacts of antibiotic administration on the human intestinal microbiota. ISME J. 2007 May;1(1):56-66.
- Walker WA. (2013). Initial intestinal colonization in the human infant and immune homeostasis. Annals of Nutrition and Metabolism, 63 (Suppl. 2), 8-15.
- Hanson LÅ. (2004). Immunobiology of human milk: how breastfeeding protects babies.