Sắt là vi chất dinh dưỡng không thể thiếu cho một thai kỳ khỏe mạnh. Thiếu sắt gây ra các hậu quả nghiêm trọng nhưng thừa sắt cũng có thể gây ra các hệ lụy nguy hiểm không kém. Hầu hết các mẹ bầu đều có ý thức bổ sung thêm sắt trong thai kỳ, tuy nhiên bổ sung như thế nào cho đúng và đủ thì không ít mẹ bầu còn mơ hồ chưa rõ.
Mục lục
Vai trò của sắt với bà bầu
Sắt tham gia vào các chức năng sinh học chủ yếu với hemoglobin, myoglobin, cytocrom. Hemoglobin để vận chuyển oxy, myoglobin để cơ lưu giữ oxy, cytocrom giữ vai trò trung tâm trong chuỗi hô hấp tế bào. Sắt còn tham gia quá trình tạo Hemoglobin. Khi mang thai, số lượng Hemoglobin gia tăng nhanh chóng cùng với sự gia tăng của thể tích máu, chính vì vậy nhu cầu về sắt trong thai kỳ cũng tăng lên.
Sắt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thiếu máu trong thai kỳ sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng sức khỏe của người mẹ như: tăng cân không đủ trong thai kỳ, tăng cảm giác mệt mỏi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng, sẩy thai, tăng biến chứng hậu sản như băng huyết sau sinh. Mẹ thiếu máu thì thai nhi cũng chịu ảnh hưởng không tốt như: chậm phát triển, trẻ sinh ra có nguy cơ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, bổ sung dư thừa sắt cũng gây ra các ảnh hưởng không nhỏ tới thai kỳ như: gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài phân đen, dư thừa nhiều sắt sẽ tích lũy ở gan, lách gây xơ gan, xơ lách…; làm cản trở quá trình vận chuyển máu bình thường từ mẹ sang con…
Xem thêm: Bí quyết chọn thuốc sắt cho bà bầu
Bổ sung sắt đúng và đủ
Bổ sung sắt qua khẩu phần ăn hàng ngày
Sắt có hai loại: sắt Hem và sắt không Hem.
Sắt Hem có nhiều trong các thức ăn nguồn gốc động vật, đặc biệt là các loại thịt đỏ. Sắt Hem dễ hấp thu, có giá trị sinh học cao. Nên tiêu thụ tối thiểu lượng thịt, cá trên 90g/ngày và trên 75mg vitamin C/ngày để đảm bảo quá trình hấp thu sắt tốt trong cơ thể.
Sắt không Hem có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật như các loại rau củ màu vàng, màu đỏ, các loại hạt họ đậu hoặc ngũ cốc. Hấp thu sắt không Hem phụ thuộc vào các chất có vai trò ức chế/tăng khả năng hấp thu sắt:
- Acid ascorbic (vitamin C), protid động vật và các acid hữu cơ trong hoa quả và rau có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu chất sắt không heme.
- Các chất ức chế hấp thu sắt thường có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, như Phytate ở trong gạo và các loại ngũ cốc. Chất ức chế khác là Tanin trong một số loại rau, trà và cà phê, oxalic acid trong rau bina, củ cải, dâu tây, phosphate, polyphosphate trong ngô, hạt ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ; các ion kim loại hóa trị II như canxi, kẽm, mangan.
Xem thêm: 3 giải pháp bổ sung sắt hiệu quả cho bà bầu
Uống bổ sung viên sắt/acid folic trong thai kỳ
Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, phụ nữ mang thai cần bổ sung từ 27-40mg sắt nguyên tố/ngày. Nếu có chế độ ăn uống yếu kém, lượng thịt cá <90gam/ngày thì mới cần bổ sung ở liều ~40mg sắt/ngày. Ngược lại, nếu có chế độ ăn tốt hơn thì mẹ bầu chỉ cần cung cấp khoảng 27-30mg sắt nguyên tố/ngày là đủ. Để đạt được nhu cầu này thì dựa vào khẩu phần ăn hàng ngày thường sẽ không đủ, do đó bà mẹ mang thai cần uống bổ sung thêm viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng cho bà bầu (trong đó có bổ sung sắt).
WHO đã đưa phác đồ bổ sung sắt/acid folic cho phụ nữ có thai, theo đó phụ nữ có thai bị thiếu máu cần bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên (30-60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic) trong suốt thời gian mang thai cho đến 1 tháng sau sinh. Đối với các bà mẹ không bị thiếu máu thì viên uống bổ sung nên có hàm lượng thấp hơn, theo một số tài liệu, hàm lượng sắt nguyên tố cần bổ sung là từ 15mg – 27mg/ngày là đủ. Nên chủ động bổ sung sắt hàng ngày để dự phòng vì tình trạng thiếu máu thường gia tăng theo tuổi thai.
Sắt có vai trò quan trọng không thể thiếu cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên không phải cứ bổ sung nhiều là tốt. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn tính toán liều lượng bố sung phù hợp. Chỉ nên bổ sung ở mức liều vừa đủ theo nhu cầu của cơ thể mà thôi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Với 33 năm công tác và nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng, Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm không chỉ là chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành, mà còn là người thầy tâm huyết, tận tụy hướng dẫn hơn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa và cao học.