Trong thời kỳ mang thai, các nhu cầu về năng lượng, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất đều tăng lên để đáp ứng sự phát triển của cả mẹ và con. Trong đó canxi là một trong những khoáng chất rất quan trọng cho sự phát triển của xương và răng em bé, giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe đồng thời làm giảm các nguy cơ cho thai phụ…
1, Tác dụng của canxi với bà bầu
Canxi là chất khoáng thiết yếu rất cần cho cơ thể người với số lượng đòi hỏi cao so với các loại chất khoáng khác như sắt, đồng, kẽm… Canxi là thành phần chủ yếu cấu tạo nên bộ xương và răng, nhưng cũng là một yếu tố không thể thiếu tạo nên quá trình đông máu và còn tham gia vào các hoạt động co giãn tế bào cơ.
Đối với phụ nữ mang thai, khi có dấu hiệu của đau lưng trong 3 tháng đầu thì đó chính là biểu hiện của sự thiếu hụt canxi. Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, làm chắc thêm hệ thống xương cho mẹ, giúp mẹ có thể bảo vệ tốt hơn cho thai nhi, bên cạnh đó, phần lớn canxi được bổ sung vào cơ thể mẹ được hòa tan vào máu, thông qua nhau thai, cùng với photpho có nhiệm vụ quan trọng cấu thành nên bộ xương cho trẻ… Thiếu canxi, cơ thể người mẹ cảm thấy mệt mỏi, đau cơ, chuột rút… nặng hơn nữa là biểu xuất hiện các cơn co giật, biểu hiện của sự tụt canxi huyết. Thai nhi thiếu canxi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ, gây ra các dị tật về xương, còi xương bẩm sinh, thấp, lùn…
2, Hàm lượng canxi cần thiết cho bà bầu
Trong quá trình phát triển, thai nhi thường sử dụng canxi từ người mẹ để tạo xương cho sự lớn lên. Nhu cầu canxi ở thai phụ tăng lên theo thời gian quý I khoảng 800mg, quý II khoảng 1.000mg, quý III là 1.200mg, do hệ xương của bé ngày càng phát triển nên nhu cầu canxi của mẹ cũng tăng dần. Tuy nhiên bà bầu thiếu và thừa canxi đều có hại:
- Thiếu canxi: thai nhi có thể bị còi xương, kém phát triển, biến dạng cấu tạo xương. Người mẹ có thể bị đau mỏi xương khớp, chuột rút, trường hợp nặng có thể co giật do hạ canxi máu.
- Thừa canxi: thai nhi có thể bị tăng canxi trong máu, khi ra đời, thóp bị kín quá sớm, xương hàm có thể bị biến dạng, rộng và nhô ra trước, không có lợi cho sức khỏe và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khi mẹ bị thừa canxi, bánh nhau thai sẽ bị tăng độ canxi hóa, làm giảm trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi, làm thai kém phát triển. Người mẹ sẽ bị táo bón, khô miệng, đau đầu, tăng dấu hiệu khát, chán ăn, mệt mỏi, tăng nguy cơ bị sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận.
Hiện nay, các nhà sản xuất thường cho canxi vào các chế phẩm cho bà bầu như sữa, bánh quy, thực phẩm chức năng… Vì vậy, nhiều bà bầu ngoài bổ sung canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ còn dùng thêm rất nhiều loại sữa, bánh kẹo, thực phẩm chức năng giàu canxi… mà không lường hết được hậu quả do thừa canxi gây ra. Vì vậy, bổ sung canxi cần thận trọng và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3, Những lưu ý khi bổ sung canxi cho bà bầu
Trong thời gian mang thai, nhu cầu canxi của người mẹ tăng cao, vì vậy, các bà bầu cầu chú ý bổ sung canxi cho thai nhi phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên việc bổ sung canxi cần theo chỉ định của bác sĩ và được các bác sĩ theo dõi trong suốt thai kỳ, các mẹ không tự ý bổ sung bằng thuốc có chứa canxi lợi bất cập hại, cụ thể như sau:
- Không bổ sung canxi và sắt song song: Mặc dù cả 2 khoáng chất này đều cần thiết với phụ nữ mang thai, thế nhưng canxi lại làm cản trở khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Vì thế, nếu mẹ uống viên canxi vào buổi sáng thì hãy để đến chiều uống sắt (hoặc uống theo thời gian mà bác sĩ/chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng). Mẹ cũng nhớ không ăn các thực phẩm giàu sắt và giàu canxi cùng nhau, chẳng hạn như uống sữa và viên sắt cùng lúc.
- Vitamin D đóng vai trò thiết yếu trong sự hấp thu và chuyển hóa canxi của cơ thể, vì thế ngoài việc ăn uống thực phẩm chứa canxi, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ vitamin D mỗi ngày.
- Nên uống viên canxi vào buổi sáng (1 giờ sau khi ăn sáng) hoặc buổi trưa (1 giờ sau bữa trưa); không nên uống vào buổi tối vì dễ khiến mẹ bầu mất ngủ, sỏi thận.
- Nên chia nhỏ liều lượng nếu phải bổ sung nhiều canxi, vì cơ thể chỉ hấp thu khoảng 500mg một lúc mà thôi.
- Với các mẹ bầu bị tiền sản giật, huyết áp cao: không chọn viên canxi có chứa muối natri vì cơ thể lúc này cần hạn chế tối đa muối natri; mặt khác, thai phụ bị tiểu đường thai kì không nên chọn sản phẩm canxi có chứa đường để đảm bảo sức khỏe. Một số loại canxi chứa hàm lượng chì nhỏ nhưng có thể gây hại cho em bé trong bụng, nên trong bất cứ trường hợp nào mẹ bầu đều cần kiểm tra thật kĩ thành phần trước khi mua và sử dụng.
- Nhóm thực phẩm chứa oxalate làm giảm sự hấp thu canxi của cơ thể, vì thế không uống/ăn thực phẩm chứa nhiều canxi chung với nhóm thực phẩm chứa oxalate như trà, dâu tây, sô-cô-la, nước ép trái cây…
4, Bổ sung canxi cho bà bầu từ thực phẩm
Hấp thụ các dưỡng chất tự nhiên bao giờ cũng dễ dàng và có lợi nhất, nên mẹ có thể bổ sung những thực phẩm giàu canxi mỗi ngày trong bữa ăn của mình. Thực phẩm giàu canxi cho bà bầu bao gồm:
- Sữa chua: 1 cốc sữa chua thường cung cấp khoảng 450mg canxi, trong khi đó sữa chua ít béo chứa khoảng 410mg và sữa chua hoa quả mang đến 345mg canxi/cốc; đó là lý do tại sao bà bầu nên ăn sữa chua mỗi ngày (nhớ chọn loại không đường nếu mẹ đang có nguy cơ thừa cân hay tiểu đường thai kì nhé!).
- Sữa: Sữa động vật hay thực vật đều chứa rất nhiều canxi, trung bình 300mg/cốc 230ml. Mẹ có thể lựa chọn tùy khẩu vị giữa sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành, hạnh nhân, sữa dừa hay lúa mạch…
- Pho-mát (phô mai): 1 miếng pho-mat nhỏ (40g) chứa tới 300 – 330mg canxi – tương đương 1 cốc sữa. Tuy nhiên pho-mat chứa quá nhiều năng lượng và thường không được khuyên dùng với bà bầu nên mẹ cần sử dụng với lượng hạn chế thôi nhé!
- Đậu phụ: 1 bìa đậu chứa khoảng 800mg canxi, cung cấp gần đủ nhu cầu canxi hàng ngày nên thường xuyên ăn đậu phụ là cách bổ sung canxi hiệu quả cho cơ thể. Tuy nhiên đậu phụ bán ngoài chợ dễ chứa thạch cao nên mẹ có thể học cách tự làm/mua ở những nơi uy tín, đảm bảo.
- Rau lá xanh: Cải xoăn, cải xanh, rau bina,… và các loại rau lá xanh khác chứa rất nhiều canxi, vì vậy mẹ thường xuyên bổ sung thêm vào thực đơn nhé.
- Đậu đen: 1 ly chè đậu đen có thể mang đến 105mg canxi cho bà bầu. Ngoài ra mẹ có thể bổ sung thêm các loại đậu khác vì chúng đều ngon và giàu dưỡng chất, đặc biệt là canxi.
- Hải sản: Luôn “nổi tiếng” là giàu canxi, các loại hải sản như tôm, cua, cá,… giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh, phát triển tốt; hãy ăn 1 – 2 bữa hải sản mỗi tuần mẹ bầu nhé!
Ngoài bổ sung canxi cho cơ thể, mẹ bầu cũng nên kết hợp ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin D như sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, bơ… để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Tranh thủ tiếp xúc với ánh nắng buổi sớm cũng là cách bổ sung vitamin D cho cơ thể.
5, Bổ sung canxi cho bà bầu từ viên uống canxi
Phụ nữ mang thai, ngoài việc phải lựa chọn các loại thực phẩm có hàm lượng canxi cao để ăn, tốt nhất hàng ngày nên uống bổ sung canxi để bù đắp vào chỗ thiếu hụt để đề phòng xảy ra chứng tăng huyết áp. Có thể cung cấp canxi cho cơ thể bằng các loại thuốc bổ có canxi. Tuy nhiên bà bầu mang thai bao nhiêu tuần nên uống canxi, uống như thế nào đúng cách đều phải có sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Một số loại Canxi như Canxi carbonate có thể bổ sung lượng lớn canxi cho cơ thể tuy nhiên lại ảnh hưởng tới acid dạ dày nên nếu mẹ bầu có vấn đề với dạ dày không nên bổ sung dạng này.
Với phụ nữ mang thai nên lựa chọn sản phẩm bổ sung canxi ở dạng canxi hữu cơ như canxi citrat, canx gluconat,.. để cơ thể dễ hấp thu đồng thời không gây ra các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Sản phẩm bổ sung canxi cũng nên có sự kết hợp của các thành phần Canxi – Mg – Vitamin D để canxi hấp thu và phát huy tác dụng tại đích tối ưu.
Ngoài ra, để tăng khả năng hấp thu canxi, mẹ bầu không sử dụng đồng thời viên bổ sung canxi và viên sắt mà nên sử dụng bổ sung canxi cùng với Vitamin C vì tính acid của Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu Canxi. Canxi bổ sung mỗi lần không nên quá 500mg vì cơ thể không thể hấp thu được nhiều hơn lượng Canxi này mỗi lần.
Các nghiên cứu tới nay cho thấy, Canxi là một chất tương đối dễ bổ sung trong thực phẩm, vừa dễ hấp thu, vừa an toàn, không gây các vấn đề như sỏi tiết niệu nên các bà bầu cần ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi như trong các loại súp lơ, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, caramen, sữa chua, phomai, pho mát, bơ, tôm cua cá, hải sản… Khi chế độ ăn không cung cấp đủ thì mới tính toán đến việc bổ sung canxi từ thuốc.
Tóm lại: Bổ sung canxi cho bà bầu đầy đủ, hợp lý sẽ giúp mẹ có một bộ xương vững chắc, bảo vệ thật tốt cho bé yêu ngay từ trong bụng, tạo tiền đề phát triển cho thai nhi một cách vững vàng cả về thể chất và tinh thần. Vì vậy, các mẹ nên tìm hiểu các kiến thức bổ sung canxi một cách chính xác để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!
Chuyên gia PM Procare
Đào Lan Anh bình luận
bác sĩ cho e hỏi là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có cần bổ sung canxi ko, nếu có thì bổ sung hàm lượng bao nhiêu là đủ?
procarevn bình luận