Thời tiết nắng nóng khiến cho mọi người phải sử dụng đến máy điều hòa nhiệt độ để làm mát. Cũng chính trong tiết trời này bà bầu sẽ dễ mắc bệnh cảm cúm và đôi khi phải dùng đến thuốc. Vậy dùng thuốc trị cảm cúm cho bà bầu như thế nào là an toàn và hiệu quả?
Mục lục
Những ngày trời nóng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 45-48 độ. Các gia đình thường phải cho máy lạnh hoạt động liên tục. Việc di chuyển ra ngoài trời được hạn chế hết mức. Tuy nhiên, trong sinh hoạt không thể tránh khỏi việc ra vào giữa nơi có điều hòa nhiệt độ với nơi không có.
Vì thế, khi bị thay đổi nhiệt độ đột ngột lại làm nhiều bà bầ bị cảm vớicác triệu chứng giống cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt… nhưng thực chất đây không phải loại cảm cúm do virut gây ra mà do thay đổi nhiệt độ ngay trong nhà của mình, do nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường.
Các loại thuốc trị cảm cúm cho bà bầu
Thuốc điều trị cảm cho bà bầu có nhiều loại, trong đó có thể phân ra loại có hoạt chất hóa học (tân dược) và loại có thành phần là các dược liệu (đông dược).
Thuốc đông dược trị cảm cúm
Các loại thuốc chứa tinh dầu như: cao Sao vàng, dầu Khuynh diệp, dầu Cửu long, dầu gió… thường dùng để “đánh gió” hoặc bôi vào thái dương, cổ họng, ngực, bụng hoặc cho vào cốc nước sôi để xông mũi..
Đông dược trị cảm, hay còn gọi là các thuốc giải biểu như cảm xuyên hương, khung chỉ, cảm tế xuyên… tuyệt đối không dùng các loại thuốc này cho phụ nữ có thai vì đã có trường hợp gây thai chết lưu, người đang nuôi con bú do thuốc làm giảm tiết sữa.
Các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như xông hơi giải cảm bằng các loại lá. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo: Mẹ bầu không nên xông hơi giải cảm khi bị cảm cúm vì có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi như:
– Khi bà bầu ngồi trong chăn kín với nồi nước xông rất nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao. Điều này dẫn đến nóng nước ối, gây ảnh hưởng tới bào thai. Các tế bào có thể bị phá hủy và ngăn cản quá trình đưa khí oxy đến với em bé. Nếu nhiệt độ cơ thể mẹ lên đến trên 38 độ C, thai nhi sẽ có nguy cơ khuyết tật ống thần kinh và mất nước về sau trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.
– Một lý do nữa cho việc bà bầu không nên xông hơi khi bị cảm cúm, đó là do áp lực của hơi nóng và sự kín khí khi xông hơi. Bạn có thể bị chóng mặt, ngạt thở, thậm chí hạ huyết áp. Bà bầu nên luôn giữ huyết áp ổn định, vì huyết áp thấp làm giảm số lượng máu dẫn đến cho thai nhi. Bên cạnh đó, nếu bất cẩn với nồi nước xông nhiệt độ cao bạn có thể bị bỏng, gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của chính mình và của em bé.
Thuốc tân dược trị cảm cúm
Acetaminophen: Là loại thuốc thường được dùng với những mẹ bầu bị cảm cúm trong thai kỳ
Chlorpheniramin: Thuốc kháng histamin dành cho phụ nữ mang thai được cho vào danh sách thuốc khi bà bầu bị cảm cúm
Pseudoepherin: Loại thuốc trị nghẹt mũi nhưng chỉ dùng khi mẹ đã qua 3 tháng đầu. Nếu dùng sớm hơn, hệ tiêu hóa của thai nhi có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Thuốc tân dược trị cảm cúm không dùng được cho phụ nữ mang thai
Thuốc diệt virus Flumadine, Tamiflu, Symmetrel, Relenza: đều có nguy cơ cao gây dị tật thai nhi cao.
Aspirin: Thuốc có khả năng gây xuất huyết ở mẹ bầu.
Ibuprofen: Loại thuốc này chưa được nghiên cứu thực nghiệm với phụ nữ có thai nên chưa xác định được ảnh hưởng của nó với thai nhi.
Guaifenesin: Một thành phần có tác dụng long đờm có nhiều trong thuốc trị cảm cúm. Thuốc này cũng chưa xác định được tính an toàn với phụ nữ mang thai.
Dextromethophan: Thành phần giảm ho trong các loại siro trị ho. Thuốc này được chứng minh là có liên quan tới các biến chứng thai kỳ ở súc vật.
Những cách trị cảm cúm cho bà bầu hiệu quả
Dùng nước muối loãng hoặc thuốc xịt mũi để làm đường thở thông thoáng
Súc miệng với nước muối ấm, đặc biệt là nếu bạn bị ho hoặc đau rát cổ họng.
Hít thở với không khí ẩm và nóng, hoặc đơn giản là tắm nước nóng
Ăn các loại súp, cháo dinh dưỡng như súp, cháo gà
Uống một tách trà chanh mật ong mỗi ngày
Để tăng cường hệ miễn dịch, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như dứa, cam quýt, bưởi, mâm xôi, cà chua, ổi, ớt ngọt,… và các thực phẩm giàu kẽm như thịt đỏ nạc, trứng, đậu, rau xanh lá, bông cải xanh, tỏi, hạt bí đỏ,…
Giữ cơ thể mát mẻ, quần áo rộng rãi và thấm mồ hôi tốt
Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều chất lỏng như nước hoặc nước ép trái cây.
Lưu ý khi bà bầu bị cảm cúm
Đa phần các triệu chứng cảm cúm đều kết thúc sau khoảng vài ngày đến một tuần. Vì vậy, tốt nhất các mẹ bầu không nên uống thuốc mà chỉ sử dụng các cách khắc phục như chườm mát, dùng tỏi hay tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C.
Để phòng ngừa các bệnh cảm cúm trong mùa nắng nóng mẹ bầu cần chú ý không thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, cần để cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi nhiệt độ môi trường từ nóng sang lạnh và ngược lại.
Chú ý nâng cao sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể trước các thay đổi của thời tiết và biến đổi khí hậu bằng chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ, tập luyện thể chất đều đặn, sinh hoạt và làm việc điều độ, tránh căng thẳng…
Nếu chẳng may mắc bệnh cần cân nhắc kỹ và lựa chọn loại thuốc cảm cúm phù hợp, tránh lạm dụng.
Theo Procarevn.vn