Gần đây thông tin về virus Zika “ăn não” xuất hiện trên nhiều quốc gia đã khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ bùng phát một dịch bệnh toàn cầu. Bài viết dưới đây xin cập nhật những thông tin khoa học chính xác về loại virus này, những hậu quả khi mắc bệnh và cách phòng tránh.
Zika là gì và tại sao nó là mối quan tâm lớn khi mang thai?
Zika là một loại virus lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes mang virus. Virus Zika được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947, nhưng trong thời gian gần đây dịch bệnh do loại virus này gây ra mới nổi lên, xuất phát từ đảo Yap lan ra nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Đặc biệt đã đạt đến cấp đại dịch ở Brazil với hơn 1.500.000 ca nhiễm bệnh.
Virus Zika có thể lây truyền từ người mẹ sang thai nhi. Phụ nữ khi mang thai nhiễm loại virus này thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc phải các khuyết tật bẩm sinh. Virus Zika cũng có liên quan đến hội chứng Guillain-Barre – hội chứng tổn thương thần kinh ngoại biên có thể gây tê liệt.
Virus Zika có thực sự gây ra hội chứng đầu nhỏ và các khuyết tật bẩm sinh khác?
Theo các báo cáo của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ, có một tỉ lệ các bà mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sinh con với dị tật đầu nhỏ hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Đầu nhỏ là một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, với não không phát triển đúng cách. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, đầu nhỏ có thể dẫn đến một số vấn đề, chẳng hạn như động kinh và phát triển chậm.
Ngoài ra cũng có các báo cáo về việc trẻ sinh ra bởi bà mẹ nhiễm Zika khi mang thai mắc dị tật bẩm sinh khác như kết cấu thiếu não, thị giác và các khuyết tật thính giác, hoặc phát triển kém.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nếu mẹ nhiễm virus thì nguy cơ thai nhi mắc dị tật là bao nhiêu và khả năng con bị dị tật cao hơn ở thai kỳ nào. Biện pháp siêu âm cũng không xác định chính xác được thai nhi có mắc dị tật về não hay không. Vì vậy cách tốt nhất là phòng tránh nhiễm Zika trong thai kỳ.
Xem thêm: Quá trình phát triển não bộ của thai nhi
Virus Zika là thủ phạm gây ra bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh
Virus Zika lây truyền như thế nào?
Qua đường muỗi đốt: Virus Zika lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu là qua đường muỗi đốt. Loài muỗi mang virus truyền bệnh là muỗi Aedes (muỗi vằn). Loài muỗi này sinh sống ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới. Chúng cũng chịu trách nhiệm cho việc lây lan bệnh sốt xuất huyết và Chikunguya . Khi muỗi đốt người nhiễm virus Zika, chúng sẽ nhiễm virus và mang virus đi lây truyền cho những người khác qua vết đốt.
Thông qua quan hệ tình dục: các báo cáo cho thấy việc quan hệ tình dục với người nhiễm virus có thể bị lây truyền.
Truyền từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika có thể truyền sang con. Cho đến nay, chưa có báo cáo về em bé bị nhiễm Zika qua sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ trong vùng dịch hoàn toàn có thể cho con bú bình thường
Thông qua truyền máu: Việc truyền máu không đảm bảo có thể gây truyền nhiễm virus Zika. Tại Mỹ, trung tâm thu máu được yêu cầu sàng lọc tất cả các mẫu máu chứa virus Zika.
Cách bảo vệ bản thân khi mang thai
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa virus Zika, vì vậy cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm virus khi mang thai là:
– Không đi tới vùng dịch. Sử dụng bao cao su để quan hệ tình dục an toàn.
– Bảo vệ khỏi bị muỗi cắn:
- Sử dụng thuốc chống muỗi khi cần thiết. Lưu ý chỉ sử dụng các loại thuốc xịt muỗi được khuyến cáo an toàn trong thai kỳ.
- Sử dụng màn chống muỗi.
- Mặc áo dài tay và quần dài.
- Xử lý màn, quần áo với permethrin để xua muỗi.
- Không ở nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng.
– Không du lịch đến vùng có dịch nếu bạn đang có dự định thụ thai.
– Nếu người phụ nữ hoặc chồng đã tiếp xúc với người bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh thì không nên có thai trong thời điểm này
– Người đã nhiễm Zika và khỏi bệnh thì sẽ có kháng thể chống lại virus, tuy nhiên các nhà khoa học chưa khẳng định được miễn dịch này sẽ kéo dài bao lâu.
Phụ nữ có thai là đối tượng đặc biệt cần quan tâm đến phòng tránh nhiễm virus Zika
Xem thêm: Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika – Bộ Y Tế.
Triệu chứng, chuẩn đoán và điều trị
Những triệu chứng nhiễm virus Zika
Sốt Zika là một bệnh tương đối nhẹ và chỉ 1 trong 5 người có các triệu chứng điển hình.
Các dấu hiệu của bệnh bắt đầu bao gồm khởi phát sốt nhẹ (37,8-38,5°C), phát ban, đau khớp, đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Ít gặp hơn là đau cơ, nhức đầu, đau sau mắt, và ói mửa.
Các triệu chứng này thường nhẹ và có xu hướng kéo dài đến một tuần.
Hai virus do muỗi truyền khác là sốt xuất huyết và chikungunya, có thể gây ra các triệu chứng tương tự, vì vậy cần chẩn đoán phân biệt.
Chẩn đoán
Thăm khám bác sĩ nếu có các triệu chứng của bệnh và ở khu vực có virus Zika lưu hành.
Xét nghiệm máu để xác định nhiễm virus được khuyến cáo khi:
- Đối tượng đang mang thai và đã tiếp xúc với Zika (đi du lịch đến vùng dịch hoặc do có quan hệ tình dục với người đã tiếp xúc với Zika).
- Người tiếp xúc với Zika và có ít nhất một triệu chứng (phát ban, sốt, đau khớp, hay đau mắt đỏ) trong vòng hai tuần lễ sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Điều trị
Không có thuốc đặc trị và virus sẽ tự biến mất khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Việc điều trị bao gồm các biện pháp làm giảm triệu chứng:
- Nghỉ ngơi
- Bù nước
- Uống thuốc hạ sốt
- Không sử dụng Aspirin và các thuốc giảm đau hạ sốt không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen, Diclofenac do làm tăng nguy cơ xuất huyết trong trường hợp bị sốt xuất huyết. Cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc nào.
DS. Lê Minh tổng hợp
Nguồn: CDC. 2016. Zika Virus. U.S. Centers for Disease Control and Prevention. http://www.cdc.gov/zika/
[Accessed September 2016]