Thông thường, bà bầu nào cũng ý thức được sự nguy hiểm của rượu, bia, thuốc lá và luôn có ý thức đề cao cảnh giác, phòng tránh cẩn thận để bảo vệ sức khỏe cho con. Tuy nhiên, các bà mẹ tương lai lại thường lơ là mất cảnh giác với nước ngọt có gas, và các mối nguy hại tiềm ẩn của nó đến sức khỏe của cả hai mẹ con là điều không phải ai cũng biết tới.
Hãy xem trong thành phần nước ngọt có gas có những gì:
Nước bão hòa CO2: khí CO2 hòa tan trong nước khi đi vào dạ dày, gặp môi trường nhiệt độ cao làm CO2 tách ra khỏi nước, bốc lên phía trên, dạ dày co bóp và đẩy khí CO2 thoát ra ngoài, gây ợ hơi, mang đi bớt một nhiệt lượng trong cơ thể làm cho người uống có cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Như vậy ợ hơi khi uống nước ngọt có gas không phải là dấu hiệu của sự “dễ tiêu hóa” như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là hiện tượng CO2 tách nước thoát ra ngoài. Quá nhiều khí CO2 vào cơ thể sẽ khiến bà bầu bị chướng hơi, đầy bụng. Khí CO2 tạo cảm giác cay nồng dễ chịu và làm cho bà bầu thấy “đã khát”, chỉ có tác dụng giải khát chứ không giúp hoạt động tiêu hóa tốt hơn.
Chất làm ngọt: Các loại đường trong nước ngọt có gas chỉ cung cấp năng lượng cho người sử dụng, nhưng không cung cấp kèm vitamin, chất khoảng, chất xơ… nên gọi là “năng lượng rỗng”. Vì vậy bà bầu uống nhiều nước ngọt có gas dễ bị tăng cân nhưng cơ thể cả mẹ và thai nhi đều bị thiếu dưỡng chất. Cân nặng tăng cao cũng dễ dẫn đến các biến chứng trong thai kì như tiểu đường, cao huyết áp…
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã cảnh báo bà bầu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến bé tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…
Phẩm màu, hương liệu, phụ gia, chất bảo quản: Có thể gây ngộ độc khi được thường xuyên đưa vào cơ thể quá nhiều.
Cafein: Trung bình một chai nước ngọt có gas nặng khoảng 340g có thể chứa tới 50-80mg cafein. Nếu cơ thể bà bầu hấp thu vào 1g chất này thì khu trung khu thần kinh trung ương có thể bị hưng phấn, làm tăng nhịp thở, tăng nhịp tim, gây mất ngủ, hoa mắt, ù tai, lo âu, mệt mỏi. Ngoài ra cafein còn có tác dụng kích thích niêm mạc dạ dày, gây buồn nôn, khó chịu.
Lượng cafein lớn còn kìm hãm sự hấp thu sắt và kẽm, gia tăng tình trạng thiếu máu ở bà bầu, phá vỡ các vitamin, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin B1. Thiếu vitamin B1 là nguyên nhân khiến bà bầu bị mệt mỏi, chán ăn và táo bón.
Acid photphoric: nhiều loại nước ngọt có gas có chứa phosphoric, quá nhiều chất này trong cơ thể sẽ tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu, làm tăng nhu cầu đi vệ sinh của bà bầu. Nếu diễn ra trong thời gian dài thì sẽ làm suy giảm chất vôi trong xương, lâu ngày sẽ gây loãng xương; xương sẽ xốp và dễ gãy.
Như vậy, uống nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga không “lành” như mẹ nghĩ. Mặc dù không đong đếm cụ thể ngay được mức độ ảnh hưởng của nước ngọt tới thai kỳ nhưng sử dụng nước ngọt khi mang thai là việc làm không được khuyến khích. Đặc biệt là trong những dịp lễ Tết, mùa của hội họp, gặp mặt và đoàn viên, nhu cầu uống nước ngọt càng tăng cao thì mẹ bầu cần thận trọng, không nên lạm dụng loại thức uống này.
Theo Procarevn.vn