Một thai phụ hai ngày sau ăn pate đột ngột buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi. Vài ngày sau người phụ nữ mang thai 19 tuần này xuất hiện thêm chứng sụp mi, nói khó… phải chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy gấp. Nhiều mẹ bầu lo lắng liệu pate có an toàn với phụ nữ mang thai không?
Mục lục
Thai phụ 19 tuần ngộ độc nặng do ăn pate chay
Hai vợ chồng bị ngộ độc là anh H.M.C (36 tuổi, trú Nha Trang, Khánh Hoà, có tiền sử tăng huyết áp) và vợ là chị H.O cùng tuổi. Chị O đang mang thai con đầu lòng ở tuần thai 19.
Khoảng 12h00 ngày 19/7, vợ chồng anh C cùng ăn pate Minh Chay, đến khoảng 9h00 ngày 20/7, anh C đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt và nhập Bệnh viện Khánh Hòa. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nặng hơn, nên anh C được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vợ anh C khởi phát buồn nôn, nôn ói và mệt mỏi vào ngày 21/7, đến ngày 24/7 xuất hiện thêm các triệu chứng mờ mắt, sụp mi mắt, nuốt khó, nói khó. Chị cùng nhập Bệnh viện Chợ Rẫy trong khoảng thời gian như chồng mình.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay cả hai bệnh nhân này tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, sức cơ từ 2-4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy vào ngày 27/7 (3 ngày sau khi vào viện). Đến nay, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân theo dõi ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn.
Hiện cả hai vợ chồng bệnh nhân đang được điều trị hỗ trợ với thở máy; thay huyết tương (5 lần, cách nhật); bổ sung Vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu… Kết quả điều trị tới ngày 25/8 cho thấy tình trạng đang cải thiện khá.
Các mối nguy hại từ pate đối với bà bầu
Vi khuẩn Listeria
Tất cả các hình thức của pate (làm từ thịt, rau hoặc cá) đều chứa nhiều vi khuẩn listeria hơn so với các loại thực phẩm khác
Listeria là một loại vi khuẩn gây ra bệnh listeriosis. Sự nhiễm vi khuẩn này có thể gây ra sảy thai. Những thai phụ nhập viện do nhiễm Listeria chiếm 88% và tần suất tử vong là 30%. Thai phụ dễ bị nhiễm Listeria hơn là những người không mang thai. Listeria có thể xuyên qua nhau thai cho nên bào thai cũng sẽ bị đe dọa và sẽ bị mắc phải những trường hợp ngộ độc máu.
Ngoài pate, những loại thực phẩm cần tránh để không bị nhiễm Listeria bao gồm: thịt nấu sẵn mua ở hàng quán (nếu cần thiết do công việc bận rộn mà phải dùng các loại thịt này thì cần phải hâm nóng kỹ lưỡng), hải sản xông khói chẳng hạn như thịt cá hồi muối, cá hồi xông khói…, phô mai mềm chưa được tiệt trùng (unpasteurized), sữa tươi chưa tiệt trùng…
Vi khuẩn Clostridium botulinum typ B
vi khuẩn Clostridium botulinum có độc tố là botulinum. Với liều 0,004μg/kg cân nặng, botulinum sẽ giết chết một người trưởng thành. Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, rồi ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Ngộ độc botulinum không phải là cá biệt, do vi khuẩn tồn tại tương đối phổ biến, ngộ độc chủ yếu vẫn xảy ra ở thịt bảo quản trong điều kiện thiếu không khí. Vì vậy, ngộ độc có thể vô tình xảy ra ở bất cứ thực phẩm nào, không chỉ ở pate.
Nguy hiểm như vậy nhưng botulinum không chịu được nhiệt, nếu đun ở 100⁰C, sau 2 phút chất độc bắt đầu biến tính và giảm độc lực, đun đến 10 phút có thể bị phá hủy. Đây là điều may mắn, bởi thực phẩm đun sôi nhiệt độ xấp xỉ 100⁰C, nên đồ ăn tươi nấu chín về cơ bản là yên tâm.
Nhưng với thực phẩm chế biến sẵn, dù đã đun nóng ở nơi sản xuất, thì vẫn còn công đoạn vận chuyển và lưu thông, nó được bảo quản trong vài ngày đến vài tháng, người sử dụng sẽ ăn ngay chứ không đun sôi lại, vì thế mà khó đảm bảo an toàn. Để tránh bị độc tố botulinum gây hại, từ lâu các nhà sản xuất đã tìm ra phương pháp bổ sung Nitrit, đây là chất đặc biệt hiệu quả trong việc ức chế độc tố botulinum.
Mặc dù Nitrit cũng độc, nhưng với liều lượng nhỏ vẫn chấp nhận được, nó sẽ tổng hợp thành nitrosamine trong thịt. Tất cả các nước trên thế giới đều cho phép bổ sung Nitrit vào các sản phẩm thịt đã qua chế biến.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm từ pate
– Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
– Không dùng pate có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường.
– Không nên tự đóng gói kín pate theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp…) trong thời gian kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
– Dùng pate khi mới vừa chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
– Không nên ăn pate quá nhiều, chỉ nên ăn khoảng 1 lần/tháng, đặc biệt không ăn vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Procarevn.vn tổng hợp