Chào chuyên gia,
Tôi đang mang thai tháng thứ 3, hiện tại tôi đang nghén kiểu như chỉ thèm mùi mắm tôm và đặc biệt sợ mùi cơm sôi. (Trong khi trước đó tôi không hề thích mắm tôm. Kể cả việc ăn bún đậu với mọi người, mình tôi là chọn chấm nước mắm). Còn mùi cơm thì chỉ cần ngửi mùi cơm nóng đã rùng mình, chứ chưa nói gì khi cơm sôi, nên toàn phải để cơm thật nguội mới dám ăn.
Tôi muốn hỏi hỏi về các kiểu nghén khi mang thai với cả làm thế nào để giảm tình trạng nghén. Nghén như nào là bình thường như nào thì không và cần phải đi khám?
Xin chuyên gia giải đáp giúp ạ.
Phương Oanh
Câu trả lời
Chào Phương Oanh, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi.
Nghén khi mang thai là chủ đề mà rất rất nhiều mẹ bầu quan tâm. Mỗi mẹ bầu có thể trải qua các kiểu nghén khác nhau. Các triệu chứng nghén có thể thay đổi từ người này sang người khác và từ giai đoạn mang thai này sang giai đoạn khác. Vậy cụ thể các kiểu nghén khi mang thai như nào?
Mục lục
Các kiểu nghén khi mang thai
Có rất nhiều kiểu nghén khi mang thai, dưới đây là một số kiểu nghén phổ biến:
Buồn nôn, nôn
Đây là kiểu nghén phổ biến nhất và thường xảy ra vào buổi sáng, tuy nhiên cũng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày. Triệu chứng bao gồm buồn nôn, ói mửa và cảm giác buồn nôn mà nhiều mẹ bầu mô tả là cảm giác chuyển động hoặc say xe.
Nghén vị
Một số mẹ bầu có thể cảm thấy vị của các thực phẩm thay đổi hoặc trở nên khá kỳ lạ. Điều này có thể làm cho họ tránh những thức ăn mà họ thích trước đây hoặc ưa thích các thức ăn mới mẻ. Phổ biến nhất là những kiểu thèm chua, thèm ngọt, thèm cay. Tuy nhiên trong một số trường hợp lại bị nghén (thèm ăn) 1 số món cụ thể, nhiều khi còn khó kiếm.
Nghén mùi
Nhiều mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị xung quanh họ. Một số mùi có thể gây ra cảm giác buồn nôn hoặc khó chịu. Họ tự nhiên bị ác cảm mạnh mẽ đối với một số mùi và thực phẩm mạnh đến mức có thể khiến đau bụng.
Nghén ngủ
Nghén ngủ là tình trạng cơn buồn ngủ bất chợt ập đến mặc dù mẹ bầu đã ngủ rất nhiều giờ trong ngày. Giấc ngủ của mẹ có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ từ 10-12 tiếng. Nguyên nhân của hiện tượng nghén ngủ là do hormone progesterone sản sinh, tác động đến benzodiazepine kích thích GABA từ đó làm dịu nội bộ, làm mẹ buồn ngủ. Nghén ngủ cũng thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ. Những tháng giữa và cuối kỳ tình trạng nghén ngủ vẫn có thể xuất hiện nhưng nhẹ hơn và giấc ngủ ngắn hơn.
Nghén hộ vợ
Một trong các kiểu nghén khi mang thai cũng được nhắc tới nữa là việc chồng nghén hộ vợ. Đây là tình trạng khi mà các ông bố cũng có biểu hiện nôn mửa, ợ nóng, đau lưng, chuột rút… cùng với vợ mang thai, thậm chí ông chồng cũng bị buồn bực, khó chịu, lo lắng như người vợ. Thực tế là chưa có nguyên nhân chính xác để lý giải cho hiện tượng này. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra, xuất phát từ tâm lý đồng cảm của vợ chồng với nhau, Chứng chồng nghén hộ vợ này còn được gọi là hội chứng nghén đồng cảm hay hội chứng Couvade.
Ốm nghén là chuyện hết sức bình thường trong thai kỳ. Mỗi người mỗi kiểu, thậm chí với 1 người thôi, nhưng bầu lần 1 nghén cũng khác với bầu lần 2.
Các triệu chứng ốm nghén có thể từ nhẹ đến nặng và thường bắt đầu xuất hiện vào tuần thứ sáu của thai kỳ và thường giảm dần vào cuối tam cá nguyệt thứ nhất khoảng 14 tuần. Một số bệnh nhân sẽ có các triệu chứng kéo dài trong khoảng 20 tuần và một số ít bệnh nhân sẽ bị buồn nôn cho đến khi sinh.
Nguyên nhân gây buồn nôn khi mang thai vẫn chưa được hiểu rõ và có thể do nhiều yếu tố, bao gồm cả di truyền. Sự dao động nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai cũng có liên quan.
Trong trường hợp của bạn, cảm giác muốn ăn mắm tôm và cảm giác sợ mùi cơm sôi là một biểu hiện khá phổ biến của kiểu nghén khi mang thai. Đây rơi vào kiểu nghén mùi và nghén vị. Điều này không gì lạ khi thai kỳ có thể làm thay đổi cảm quan về thức ăn và mùi vị của bạn. Đôi khi, những thực phẩm mà bạn không ưa trước đây có thể trở nên hấp dẫn và ngược lại.
Làm thế nào để giảm ốm nghén?
Có nhiều biện pháp hay mẹo an toàn và hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng ốm nghén:
- Để bánh quy giòn hoặc bánh mì nướng khô cạnh giường để nhấm nháp trước khi thức dậy vào buổi sáng.
- Ăn nhiều bữa nhỏ để giữ cho dạ dày không bị trống rỗng. Cùng với đó, hãy uống thường xuyên một lượng nhỏ chất lỏng để tránh mất nước.
- Tránh ăn thực phẩm béo, nhiều dầu mỡ, cay hoặc có tính axit. Thay vào đó hãy thử chế độ ăn BRAT: chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng. Khi bạn cảm thấy tốt hơn, bạn có thể ăn nhiều bữa ăn đầy đủ hơn.
- Thêm gừng vào chế độ ăn uống của bạn, chẳng hạn như cho gừng tươi vào trà, uống rượu gừng hoặc thậm chí ăn vặt kẹo gừng.
- Uống vitamin tổng hợp dành cho bà bầu cùng với thức ăn, thay vì để bụng đói. Trong Vitamin tổng hợp này thường có Vitamin B6 rất tốt cho mẹ bầu trong trường hợp ốm nghén.
- Mẹ bầu cũng có thể dùng vòng đeo tay chống say tàu xe để giảm chứng nôn nghén của mình.
- Nếu các biện pháp khắc phục không kê đơn không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn kê đơn có sẵn để kiểm soát các triệu chứng của bạn.
Tìm hiểu thêm: Cách giảm nghén 3 tháng đầu
Khi nào ốm nghén là không bình thường?
Việc phụ nữ bị ốm nghén, thậm chí thỉnh thoảng nôn mửa là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng ốm nghén trở nên trầm trọng đến mức bạn nôn mửa nhiều lần trong ngày và không thể bổ sung nước, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Các dấu hiệu cho thấy bạn cần phải gặp bác sĩ bao gồm:
- Nôn nhiều hơn bốn lần một ngày
- Buồn nôn và nôn dai dẳng kéo dài hơn ba tháng đầu tiên của bạn
- Không có khả năng làm việc hoặc hoàn thành công việc hàng ngày
- Nước tiểu sẫm màu có mùi nồng hơn bình thường
- Cảm thấy yếu, chóng mặt hoặc choáng váng
- Giảm cân, đặc biệt nếu trọng lượng cơ thể ban đầu của bạn từ 5% trở lên
Với những trường hợp ốn nghén nặng có thể được điều trị bằng các loại thuốc tương tự dùng để điều trị buồn nôn và nôn nhẹ hơn, nhưng đôi khi cần phải nhập viện để bổ sung chất lỏng và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, một số bệnh nhân cần bơm thuốc chống buồn nôn qua đường tĩnh mạch và chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Tóm lại: Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều trải qua các kiểu nghén nói trên và mức độ nghén cũng có thể khác nhau. Nếu bạn đang mang thai và gặp phải những triệu chứng nghén quá nặng, hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thai kỳ để được tư vấn và hỗ trợ cụ thể.
Chúc Phương Oanh một thai kỳ khỏe mạnh!