Sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất đối với trẻ em, nhất là trong 6 tháng đầu đời. Mặc dù ở Việt Nam tỷ lệ phụ nữ cho con bú mẹ cao (khoảng 90%) nhưng sự hiểu biết vế sữa mẹ còn rất hạn hẹp. Hầu hết chưa phát huy được hiệu quả tối ưu của việc nuôi con bằng sữa mẹ và vấn đề bảo vệ nguồn sữa mẹ còn gặp nhiều khó khăn.
Mục lục
Lợi ích ưu việt của nuôi con bằng sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với trẻ em, nhất là trong 6 tháng đầu đời. Thời gian này, trẻ chỉ tiêu hóa tốt sữa mẹ. Sữa mẹ nên là thức ăn đầu tiên của trẻ để giúp hệ tiêu hóa trưởng thành tốt. Nếu nuôi trẻ bằng các loại thức ăn khác (sữa bò, nước cháo, bột khuấy…) trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy. Protein trong sữa bò là một chất lạ đối với cơ thể trẻ, do đó có thể tạo ra phản ứng dị ứng đối với một số ít các trẻ.
Ngoài tính chất chống nhiễm trùng, sữa mẹ còn tránh cho trẻ nhiều bệnh dị ứng sau này như chàm, suyễn… Gần đây, người ta còn nói đến chất lượng tuyệt đối của sữa mẹ đối với trí thông minh của trẻ: khi ra đời, trẻ sơ sinh đã có đủ số tế bào não (~14 tỷ). Trong năm đầu, các dây thần kinh cần được Myelin hóa để giúp não trưởng thành 85%. Muốn Myelin tốt, trẻ cần các chất quan trọng mà chỉ có trong sữa mẹ là: galactose, các acid béo không no chuỗi dài (ALA, DHA, EPA).
Cho con bú làm tăng tình cảm gắn kết giữa mẹ và con. Tình cảm này rất cần để giúp trẻ thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Không những thế, cho con bú còn giúp giảm tỷ lệ ung thư vú, cao huyết áp, sơ vữa động mạch … sau này.
Để giúp trẻ thích nghi dần, các thành phần của sữa mẹ cũng thay đổi cả về số lượng và chất lượng trong 2 tuần đầu sau sinh theo thứ tự: sữa non, sữa chuyển tiếp, sữa vĩnh viễn
- Sữa non: có từ tháng thứ 4 của thai kỳ và tiếp tục đến 6 ngày sau sinh
- Sữa chuyển tiếp: từ ngày thứ 7 đến ngày 14 sau sinh
- Sữa vĩnh viễn: từ tuần thứ 3 tới khi thôi cho con bú
Xem thêm:
Tìm hiểu về sữa non
Sữa non có màu vàng nhạt, đặc. Sữa non là thức ăn đầu tiên của trẻ sơ sinh, bởi vì các thành phần của sữa non phù hợp nhất đối với nhu cầu ban đầu của trẻ.
Sữa non vì đặc nên rất giàu năng lượng, giúp trẻ chống được đói, rét. Sữa non cũng giàu chất diệt khuẩn, giúp trẻ tránh được các bệnh nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não…) Không những phòng chống trước mắt mà lâu dài sau này cũng ít tiêu chảy hay nhiễm bệnh.
Các chất diệt khuẩn trong sữa non gồm có:
- Lactoferrine có tác dụng hạn chế sử dụng sắt của vi khuẩn, vì vậy hạn chế chúng phát triển
- IgA kháng khuẩn tại chỗ
- Lysozyme
- Tế bào bạch cầu trên 4000/mm3
- Yếu tố bifidus giúp phát triển Lacto – bifidus và hạn chế phát triển E.Coli của ruột
Các chất diệt khuẩn này giảm đi rất nhanh, từ giờ thứ 2 sau sinh. Do đó, bạn nên nuôi con bằng sữa non của mẹ bằng cách tranh thủ cho con bú càng sớm càng tốt để tận hưởng các chất quý đó.
Ngoài ra sữa non rất giàu Vitamin A, gấp 10 lần so với sữa vĩnh viễn. Bú sữa non sớm, trẻ sẽ có đủ Vitamin A để dự trữ ở gan. Giúp trẻ tăng trưởng tốt, lên cân nhanh.
Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không bú mẹ trực tiếp được thì nên vắt sữa cho con bú. Bú mẹ sớm không những có lợi cho con mà cho cả mẹ nữa:
Con sẽ tận hưởng được nguồn sữa non giàu năng lượng, giàu các chất diệt khuẩn
Khi con bú sớm sẽ kích thích tuyên yên của mẹ tiết Prolactin sớm, khiến sữa mẹ mau về.
Con bú sớm, kích thích tuyến vú tiết ra Oxytocin sớm, tác động lên tử cung, giúp tử cung co hồi sớm, mẹ ít hậu sản
Chất Oxytocin tác động lên tế bào cơ trơn, giúp các nang tuyến vú thông sớm, không bị tắc, không gây áp xe vú.
Tìm hiểu về sữa vĩnh viễn
Từ tuần thứ 3, chất lượng và số lượng sữa mẹ dần ổn định. Nếu mẹ sức khỏe bình thường, ăn tốt, không kiêng cữ, tâm lý thoải mái thì lượng sữa trong 24 giờ đạt mức trung bình 750-850ml, có thể đạt tới 2000-3000ml/24h nếu tăng số lần bú lên 12-15 lần/ngày. Bạn có thể yên tâm với việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn mà không sợ thiếu sữa cho bé bú.
Số lượng sữa mẹ không phụ thuộc vào kích thước vú mà phụ thuộc chủ yếu vào sự hoạt động của các tuyến vú và động tác bú của trẻ.
Nếu mẹ đủ sữa, con chỉ bú một bên vú, no trong vòng 10-15 phút và ngủ liền khoảng 3h mới dậy đòi bú tiếp. Trong tháng đầu, mỗi ngày trẻ tăng ít nhất 25g, trung bình là 50g, có thể tăng tới 100gam/ngày. Số lần đi tiểu trung bình trên 6 lần.
Nếu không đủ sữa, sau bú trẻ chỉ ngủ được 1-2 giờ. Để đảm bảo cho việc nuôi con bằng sữa mẹ không bị gián đoạn, các bà mẹ nên chịu khó tăng cường số lần cho con bú để đáp ứng đủ nhu cầu cho con. Cho con bú nhiều lần còn giúp kích thích mẹ tăng tiết sữa nhiều hơn. Ngoài tăng số lần cho con bú, mẹ cần thực hiện chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ, uống nhiều nước; giành nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn, có tâm lý thoải mái… để tăng tạo sữa.
Cố gắng cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đảm bảo sự phát triển bình thường về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Xem thêm:
- Những dưỡng chất quan trọng mẹ cần cung cấp khi cho con bú
- Ăn gì để nhiều sữa
- Làm thế nào để có nhiều sữa
Các yếu tố làm giảm tiết sữa, mất sữa
trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ
Một số yếu tố thường gặp khiến mất sữa, sữa mẹ giảm tiết như:
Cho con bú chậm sau sinh 2-3 ngày, cho con bú càng chậm càng hạn chế sự hoạt động của tuyến vú.
Mẹ có bệnh: suy tim, lao, thiếu máu, suy dinh dưỡng
Mẹ quá trẻ, dưới 18 tuổi, tuyến vú chưa trưởng thành, kém tiết sữa
Mẹ không tăng cân đầy đủ khi mang thai. Chế độ dinh dưỡng sau sinh yếu kém.
Mẹ dùng các loại thuốc ức chế tiết sữa: aspirin, kháng sinh, thuốc chống dị ứng…
Mẹ lao động nặng, tiêu hao nhiều năng lượng không còn đủ cho sự tiết sữa
Mẹ buồn phiền lo âu, suy nghĩ nhiều, stress sẽ hạn chế tiết sữa
Khoảng cách cho bú quá dài, trên 3 giờ làm cho hai vú tức sữa và ngứng hoạt động. Nếu mẹ làm xa nhà, không thể cho con bú, nên vắt sữa bỏ đi hay cho trẻ khác bú 3 giờ/lần. Sau khi cho con bú, nếu còn thừa sữa cũng nên vắt bỏ đi để có sữa mới tốt hơn.
Khi con trên 12 tháng, lượng sữa giảm dần theo thời gian. Nếu trong năm đầu mẹ tiết ra mỗi ngày 1200ml sữa thì sang năm thứ 2 chỉ còn khoảng 500ml, năm thứ 3 còn 200ml.
Cách cho con bú
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, cho con bú đúng cách là một trong những yếu tố rất quan trọng. Sau sinh, nên cho con bú càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút đầu sau sinh để tận hưởng nguồn sữa non chứa nhiều chất diệt khuẩn.
Trước khi cho con bú cần lau qua đầu vú bằng nước sạch, vắt bỏ vài giọt đầu. Nên cho con bú theo nhu cầu, khi nào đói thì bú. Trẻ tự điều chỉnh giờ ăn tùy theo lượng sữa mẹ nhận được.
Mỗi lần chỉ nên cho bú một bên vú, nếu mẹ nhiều sữa, trẻ không bú hết thì vắt bỏ đi để tuyến vú có thể tạo sữa mới. Tránh tình trạng sữa ứ đọng thành u cục nổi lổn nhổn bên trong vú, dễ gây apxe và làm giảm sự tạo sữa.
Trong 15 ngày đầu, khi tuyến vú chưa hoạt động ổn định, nên cho trẻ bú cả trong đêm. Không nên thay thế bằng sữa bò vì nếu không có động tác bú trong đêm, mẹ sẽ giảm tiết sữa.
Tiêu chí ngậm bắt vú đúng:
- Cằm chạm vú mẹ
- Miệng há rộng
- Môi dưới đưa ra ngoài
- Quầng vú thấy bên trên nhiều hơn bên dưới
Tư thế mẹ khi cho con bú:
- Mẹ ở tư thế thoải mái nhất
- Giữ đầu bé ở vị trí thẳng hàng với thân bé
- Nâng đỡ được toàn bộ thân trẻ
- Bụng bé áp sát vào bụng mẹ
- Miệng bé hướng về vú mẹ
Đánh giá bú hiệu quả:
- Bú chậm, sâu, thình thoảng nghỉ. Tự động bỏ bú khi no
- Thời gian bú khoảng 15-20 phút
- Sau bú ngủ 2-4 giờ
- Tăng cân đủ 20-30gam/ngày
Nếu trẻ bú có tiếng thở rít, chứng tỏ có hơi vào cùng với sữa. Dạ dày trẻ nhanh chóng đầy, gây ọc sữa sau bú. Có thể tránh ọc sữa bằng cách vác đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng trẻ, để trẻ ợ hơi trước khi nằm.
Sau mỗi lần bú nên đặt trẻ nằm nghiêng, để nếu có ọc sữa thì không vào mũi và gây sặc.
Trẻ bú mẹ có phân sền sệt lỏng, ít cái, nhiều nước, vàng sậm có mùi hơi chua, ngày đi 6-8 lần. Một số trẻ bú nhiều, hoặc trong tình trạng tăng kích thích có thể són phân nhiều lần trong ngày (10-12 lần).
Ngoài bú mẹ, nên cho trẻ uống Vitamin D với liều 400IU/ngày liên tục cho tới khi trẻ biết đi.
Không nuôi con bằng sữa mẹ trong các trường hợp
Mẹ mắc bệnh truyền nhiễm, lao tiến triển, HIV, nhiễm trùng cấp nặng, viêm gan B mà đầu vú đang bị nứt rỉ dịch…
Mẹ mắc bệnh mãn tính: ung thư, suy tim, suy thận nặng…
Mẹ đang dùng thuốc có thể bài tiết qua sữa mà gây độc đối với trẻ.
Xem thêm:
Nuôi con bằng sữa mẹ đến bao giờ?
Sữa mẹ giàu năng lượng với các dưỡng chất phù hợp nhất đối với trẻ. Vì vậy, nên nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ bú tới khi mẹ cạn sữa. Không nên cai sữa sớm bởi các thức ăn chuyển tiếp như cháo, bột, thịt, rau… không đủ để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho trẻ. Sữa mẹ có thể ít khi trẻ được trên 12 tháng nhưng cũng góp phần tích cực bổ sung năng lượng cho con.
Đối vơi trẻ đã biết đi, không nhất thiết phải cho trẻ bú nhiều lần. Có thể cho trẻ bú đêm, trước khi đi ngủ hoặc sáng trước khi dậy, còn trong ngày nên để trẻ ăn các thức ăn đặc như người lớn. Tùy theo sức khỏe và tính chất công việc của mẹ mà thời gian cai sữa có thể từ 18-24 tháng.
Sữa mẹ tuy giàu năng lượng nhưng từ tháng thứ 5, 6 trở đi không đủ cung cấp các chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ. Vì vây, ngoài những bữa bú mẹ, nên cho trẻ ăn thêm các thực phẩm bổ sung như: bột, thịt, trứng, cá, đậu, rau củ, trái cây…
Một số lưu ý khi nuôi con bằng sữa mẹ
Đối với mẹ đang cho con bú:
Tránh các lo lắng, buồn phiền vì đó là yếu tố làm giảm sữa mẹ
Tránh lao động nặng
Ăn uống đủ chất, không nên quá kiêng khem. Thực phẩm luôn là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất. Ngoài tăng cường chất lượng bữa ăn, mẹ có thể uống thêm sữa, thuốc bổ tổng hợp mỗi ngày.
Uống đủ nước
Một số gia vị: hành, tỏi, cà chua, chocolate có thể làm trẻ khó tiêu và táo bón
Bia, trà… không phải là thức uống lợi sữa
Tránh xa rượu, thuốc lá; tránh dùng thuốc xổ, khánh sinh và các loại thuốc có thể qua sữa mẹ
Để có cữ bú thành công cần có sự hợp tác của mẹ và con: mẹ nên cho bú sớm, thời gian các cữ bú cần hài hòa và thỏa mãn cả mẹ và con để tạo cảm giác dễ chịu.
Thời gian trẻ có thể tiêu hóa hết lượng sữa theo nghiên cứu là từ 1-4 giờ. Do đó nhu cầu cữ bú của trẻ thay đổi trong ngày và 90% trẻ tự điều chỉnh cho thích hợp trong 01 tháng đầu đời. Thời gian trẻ bú mẹ phụ thuộc vào sự tự điều chỉnh của trẻ.
Trẻ sinh mổ có thể ngủ nhiều không bú trong 1-4 ngày đầu, sau đó bắt đầu bú nhưng thường chậm hơn so với trẻ sinh thường.
Những ngày đầu tiên nên cho trẻ bú cả hai vú để kích thích xuống sữa, những ngày sau có thể cho bú luân phiên từng bên để kích thích tạo sữa.
Tất cả phụ nữ đểu có đủ sữa để nuôi con, sở dĩ có trường hợp thiếu sữa là do chưa biết cách cho con bú và bảo vệ sữa mẹ. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp tích cực nhất để phòng bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 1 tuổi và giảm thiếu nguy cơ bị bệnh của mẹ và con sau này.
Theo TS. Hoàng Trọng Kim – Giáo trình Nhi Khoa – Nhà xuất bản Y học
Oanh bình luận
Cẩm nang cho bà mẹ cho con bú