Giai đoạn mang thai, đặc biệt là khoảng thời gian 3 tháng đầu, mẹ bầu cần phải hết sức lưu ý về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, di chuyển. Một trong số các câu hỏi mà nhiều mẹ bầu quan tâm đó là “Nên uống gì khi mang thai 3 tháng đầu?” Cùng đi tìm câu trả lời trong nội dung bài viết dưới đây.
Các loại nước nên uống khi mang thai 3 tháng đầu?
1. Nước lọc
Đứng đầu danh sách các loại nước uống cần thiết cho bà bầu 3 tháng đầu chính là nước lọc. Bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày sẽ giúp mẹ hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết, đảm bảo sức khỏe tốt cho cả mẹ và bé.
Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng giúp mẹ bầu có thể phòng ngừa các tình trạng không mong muốn như chuột rút thai kỳ, mệt mỏi, giảm ốm nghén,…
2. Sữa
Sữa là một trong số các loại thức uống lành mạnh lại nhiều dinh dưỡng, vô cùng cần thiết cho cả quá trình mang thai không riêng gì 3 tháng đầu. Trong sữa có chứa nhiều canxi và protein có lợi cho sức khỏe mẹ và bé.
Mẹ bầu nên chọn các loại sữa tiệt trùng để đảm bảo an toàn, tránh được các nguồn vi khuẩn có lại như ecoli, listeria có bên trong sữa.
Nếu sữa bầu khó uống, mẹ bầu hoàn toàn có thể lựa chọn các loại sữa tiệt trùng khác có bán trên thị trường của nhiều thương hiệu lớn uy tín.
3. Trà thảo mộc
Có rất nhiều loại trà thảo mộc, mẹ bầu cần lựa chọn đúng loại để mang lại hiệu quả tốt mà không gây nguy hiểm cho thai nhi.
Mẹ bầu nên uống trà atiso, trà hoa cúc, trà táo đỏ kỷ tử,… bởi chúng có chứa sắt cùng các hợp chất tốt giúp bổ sung dinh dưỡng, ngủ ngon giấc cho mẹ bầu.
Ngoài ra, còn có trà gừng, trà bạc hà, húng chanh,… có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng cơn ốm nghén trong 3 tháng đầu mang thai.
Trà quả mâm xôi giúp tăng cường chất chống oxy hóa cho cơ thể của mẹ.
Các loại trà không nên uống khi mang thai: trà xanh, trà đen, trà ô long,… bởi thành phần có chứa caffeine, không tốt cho mẹ và bé.
4. Nước ép rau củ
Nước ép rau củ mang đến lượng dinh dưỡng tự nhiên, mẹ bầu có thể bổ sung cho cơ thể các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất thiết yếu, từ đó nuôi dưỡng thai nhi trong bụng.
Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tự chế biến hoặc mua ở địa chỉ tin cậy để có thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm, lượng đường và các chất hóa học được thêm vào.
5. Thức uống từ Kefir
Kefir được biết đến là một loại nấm sữa lên men rất giàu probiotics có lợi, có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa tiền sản giật và các biến chứng khác trong thai kỳ. Một ngày, mẹ bầu có thể bổ sung 200 – 400ml nấm kefir vào trong chế độ ăn uống của mình.
6. Thức uống bù điện giải
Các loại thức uống bù điện giải cung cấp cho mẹ một vài dưỡng chất cần thiết, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng ốm nghén, chuột rút ở 3 tháng đầu thai kỳ.
Tuy nhiên, trong các loại thức uống bù điện giải thường có chứa nhiều đường, do vậy chỉ nên bổ sung khi thiếu và ở mức độ cho phép của bác sĩ.
7. Nước dùng
Các loại nước dùng dễ chế biến như nước xương hầm, nước luộc gà, nước luộc rau, củ,… đều là những loại nước tốt cho bà bầu mang thai 3 tháng đầu. Với những mẹ bầu bị ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên, có thể dùng các loại nước này để bổ sung dinh dưỡng cần thiết mà dễ uống.
8. Sinh tố
Các loại sinh tố mang đến nguồn dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời, chúng bổ sung các loại vitamin, khoáng chất giúp cơ thể có đủ nước và năng lượng để hoạt động. Đặc biệt, các mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu uống sinh tố rau và trái cây, thêm các loại hạt rất tốt cho thai nhi.
Chú ý, dứa có thể làm co thắt tử cung, do vậy, 3 tháng đầu mẹ bầu nên hạn chế sử dụng trái cây này.
9. Nước mía
Nước mía không chỉ là loại nước giải khát thanh mát mà còn bổ sung nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể như kali, canxi, sắt, vitamin A, B, C tốt cho bà bầu. Uống nước mía cũng hỗ trợ giảm các triệu chứng buồn nôn, ốm nghén trong 3 tháng đầu mang thai, kích thích mẹ bầu ăn ngon miệng hơn bằng nước mía pha với nước cốt gừng.
Tuy nhiên, hàm lượng đường có trong nước mía cũng khá cao, do vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì không được uống, mẹ bầu có chỉ số bình thường thì có thể uống khoảng 100 – 150ml/ngày, không uống vào sàng sớm hoặc tối muộn tránh lạnh bụng, khó chịu.
10. Nước củ gai
Nước củ gai có tác dụng an thai rất tốt, giúp thai bám chắc vào thành tử cung, đặc biệt tốt cho những bà bầu gặp tình trạng thai dọa sảy. Pha 150g củ gai đã sao khô với 1 lít nước và uống hàng ngày, có thể dùng thay nước lọc.
Mang thai 3 tháng đầu nên uống vitamin tổng hợp nào?
Trong 3 tháng đầu mang thai có rất nhiều mẹ bầu gặp tình trạng ốm nghén, khó ăn. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé có thể sẽ không đủ. Do vậy, uống thêm các loại vitamin có thể hỗ trợ mẹ bầu có đủ dưỡng chất cho bé phát triển khỏe mạnh hơn.
1. Axit folic
Axit folic là một trong số các loại vitamin được khuyến khích bổ sung từ trước và trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu mang thai. Vi chất này giúp hỗ trợ sự phát triển ống thần kinh thai nhi, từ đó phòng ngừa các nguy cơ dị tật ống thần kinh, tận nứt đốt sống ở trẻ.
Liều lượng bổ sung sẽ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ tư vấn, thông thường 3 tháng đầu mang thai mẹ bầu cần bổ sung axit folic khoảng 400 mcg/ngày.
➤ Tham khảo thêm: Hướng dẫn bổ sung acid folic cho bà bầu đúng chuẩn
2. Sắt
Bổ sung sắt giúp cho các tế bào hồng cầu phát triển khỏe mạnh, giúp mang oxy đi khắp cơ thể, nuôi dưỡng các cơ quan và mô của cả mẹ và bé.
Trường hợp thiếu máu do thiếu sắt ngay từ trong bụng mẹ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cả về thể chất lẫn trí não.
Theo chuyến cáo của chuyên gia, mẹ bầu cần bổ sung khoảng 30-60mg sắt mỗi ngày. Việc bổ sung loại sắt nào, cụ thể liều lượng bao nhiêu còn tùy thuộc vào chỉ số sức khỏe và tư vấn của bác sĩ chuyên môn khám cho mẹ bầu.
3. DHA
DHA giúp hỗ trợ phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi ngay trong những tuần đầu của thai kỳ. Cùng với đó, bổ sung DHA còn giúp phát triển võng mạc cho bé, giảm nguy cơ sinh non ở mẹ, giảm tỉ lệ thai nhẹ cân.
Bổ sung DHA qua đường ăn uống có thể khó hơn, do vậy, lựa chọn viên uống omeg-3 có thể hỗ trợ hấp thu tốt hơn. Liều DHA tối thiểu cho mẹ bầu 3 tháng đầu khoảng 300mg/ ngày.
➤ Tham khảo chi tiết: Hướng dẫn bổ sung DHA cho bà bầu trong suốt thai kỳ
4. Vitamin D
Vitamin D cần thiết cho quá trình hấp thu canxi, photpho. Tình trạng mẹ bầu thiếu vitamin D có thể khiến thai nhi bị còi xương ngay trong bụng mẹ.
Bà bầu nên bổ sung 10 microgram (hoặc 400 IU) vitamin D mỗi ngày. Tuy nhiên, mẹ không được dùng quá 100 microgam (4.000 IU) vitamin D mỗi ngày vì nó có thể gây hại. Nguồn thực phẩm không đủ để cung cấp vitamin D cho mẹ và bé, do đó mẹ bầu cần bổ sung loại vitamin này qua viên uống.
Mẹ bầu có thể tiếp tục duy trì việc uống vitamin trong suốt 40 tuần thai kỳ và duy trì đến tận khi cho con bú.
Các loại nước mẹ bầu 3 tháng đầu cần hạn chế sử dụng
Bên cạnh những loại đồ uống, vitamin tốt cần bổ sung, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu cũng nên hạn chế một số loại thức uống dưới đây:
1. Nước dừa
Nước dừa chứa hàm lượng chất béo cao, có thể gây đầy bụng khó tiêu, khiến tình trạng ốm nghén của mẹ bầu trong 3 tháng đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Không chỉ vậy, nước dừa có tính giải nhiệt, làm mát, uống nhiều có thể khiến mẹ bầu dễ bị hạ huyết áp.
Trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, mẹ nên hạn chế dùng nước dừa để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.
2. Nước ngọt có ga
Nước ngọt có ga có chứa nhiều đường hóa học sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ cho mẹ và trẻ sơ sinh có thể béo phì. Do đó, mẹ nên cân nhắc loại bỏ loại nước uống này ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày.
3. Rượu bia và đồ uống có cồn
Tất cả các loại đồ uống có cồn đều không tốt đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Không riêng gì trong 3 tháng đầu mà trong cả thai kỳ, mẹ nên tuyệt đối tránh xa các loại thức uống có cồn.
4. Đồ uống chứa nhiều caffeine
Caffeine có thể gây cản trở cho sự hấp thụ sắt cho thai nhi, tăng nguy cơ rối loạn hô hấp, rối loạn nhịp tim, tiểu đường thai kỳ ở mẹ.
➤ Tham khảo thêm: Mẹ mang thai 3 tháng đầu nên kiêng gì?
Những lưu ý khi bổ sung nước uống trong thai kỳ
Thức uống, vitamin bổ sung dù có tốt đến mấy nhưng nếu dùng không hợp lý, không đúng thời điểm thì có thể gây tác dụng ngược. Do vậy, mẹ bầu cần lưu ý:
- Lượng nước mà mẹ bầu bổ sung cho cơ thể mỗi ngày sẽ phụ thuộc vào cân nặng của mẹ. Nếu mẹ uống quá nhiều nước sẽ gây quá tải cho thận.
- Mẹ bầu không nên uống một loại nước ép hay sinh tố liên tục trong nhiều ngày, nhiều lần trong ngày, nên thay đổi xen kẽ các loại trái cây để bổ sung đa dạng dưỡng chất trong thai kỳ, tránh bị ngán.
- Nên uống nước trái cây vào buổi sáng, sau khi ăn để cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất.
- Không lạm dụng nhiều loại vitamin tổng hợp khi mang thai. Khi bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể hấp thụ hết vừa lãng phí mà cũng có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Khi bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu vào những tháng đầu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học sẽ giúp thai nhi phát triển tốt nhất, hỗ trợ mẹ trong quá trình mang thai và sinh con nhẹ nhàng hơn. Do vậy, mẹ bầu hãy ưu tiên bổ sung thức uống mà cơ thể cần.