Khi biết mình mang thai, hầu hết các mẹ bầu đều có tâm lý chung là mong được nhìn thấy sự phát triển của thai nhi mỗi ngày, mỗi tuần,… Việc siêu âm thai có thể giúp mẹ bầu có thể gặp em bé qua hình ảnh dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra mối lo ngại “Liệu mang thai 3 tháng đầu siêu âm nhiều có tốt không?”
Mục lục
Tìm hiểu chung về siêu âm thai
Siêu âm là một phát minh vĩ đại và giúp y học có thêm bước tiến lớn, giúp cho việc chẩn đoán thêm chính xác, hỗ trợ tích cực cho công tác thăm khám sức khỏe và điều trị bệnh lý.
Siêu âm được hiểu là phương pháp chẩn đoán hình ảnh, mục đích dựng lại hình ảnh các cơ quan, bộ phận trong cơ thể nhờ vào sóng siêu âm.
Siêu âm thai là dựng lại hình ảnh của thai nhi trong bụng mẹ, nhờ vào sóng siêu âm với tần số mà tai bình thường không nghe được.
Sóng siêu âm phát ra từ đầu dò siêu âm, được bác sĩ quét trên bụng mẹ, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò theo nhiều hướng để phát ra nhiều chùm sóng siêu âm, khi sóng đi qua thành bụng của mẹ tới em bé, sóng siêu âm sẽ phản chiếu lại về phía đầu dò. Khi đó, hệ thống cảm biến sẽ tiếp nhận chùm sóng phản xạ rồi gửi về máy siêu âm, máy sẽ xử lý tín hiệu, mã hóa thành hình ảnh và hiển thị trên màn hình.
Từ các hình ảnh thu về, bác sĩ sẽ nói cho mẹ bầu biết về sự phát triển của thai nhi, đánh giá sức khỏe và những bất ổn, bất thường nếu có.
Tầm quan trọng của siêu âm 3 tháng đầu
Siêu âm là một trong những kiểm tra quan trọng trong suốt cả quá trình mang thai không chỉ riêng trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, việc thăm khám và siêu âm trong 3 tháng mang thai đầu tiên sẽ giúp mẹ bầu biết được những thông tin dưới đây:
- Xác định được đã mang thai hay không? Thai làm tổ đúng vị trí/ thai ngoài tử cung? Số lượng thai là đơn thai hay đa thai?
- Xác định được kích thước túi thai
- Xác định tuổi thai, dự kiến ngày sinh
- Giúp mẹ có thể nhìn thấy sự phát triển của em bé
- Chẩn đoán được các nguy cơ dị tật bẩm sinh sớm như: hội chứng Down, Patau, Trisomy 18,…
Tuy nhiên, ở kỳ tam cá nguyệt đầu tiên, kết quả siêu âm chưa thể dự đoán được một số dị tật bẩm sinh nghiêm trọng khác liên quan tới cấu trúc xương mà phải chờ ới kết quả siêu âm ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3.
Siêu âm 3 tháng đầu có ý nghĩa quan trọng đối với những trường hợp:
- Những mẹ bầu có kinh nguyệt hàng tháng không đều sẽ khó tính ngày dự sinh. Do vậy, nhờ vào việc siêu âm, đặc biệt khi thai ở tuần 12, căn cứ vào sự phát triển thai, bác sĩ có thể dự tính ngày sinh tương đối chính xác.
- Mẹ bầu đã từng có tiền sử sảy thai, thai đang có nguy cơ, dọa sảy.
- Mẹ bầu nghi ngờ mang thai ngoài tử cung.
- Mang đa thai
Có thể bạn muốn biết: Hình ảnh thai nhi 3 tháng đầu
Mẹ bầu siêu âm nhiều lần trong 3 tháng đầu có tốt hay không?
Lịch sử từ khi xuất hiện máy siêu âm đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu, tài liệu được công bố, chứng minh siêu âm thai không gây hại cho mẹ và bé. Bản chất sóng siêu âm chỉ là âm thanh ở tần số cao mà tai người bình thường không nghe thấy được, do đó không gây ra bức xạ, không ảnh hưởng đến thính giác. Những trường hợp thai chậm phát triển, suy thai, cấp cứu sản khoa, việc siêu âm cần thiết phải thực hiện nhiều hơn.
Do vậy, mọi người có thể hoàn toàn yên tâm rằng việc siêu âm thai là kỹ thuật an toàn, không gây hại mà ngược lại còn mang đến nhiều lợi ích trong quá trình khám thai, chẩn đoán hình ảnh cũng như tiên lượng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Mặc dù vậy, các mẹ cũng không nên chủ quan và coi thường mà thực hiện quá nhiều.
Các chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đi siêu âm nhiều lần trong 3 tháng đầu liệu có tốt cho thai nhi hay không?
Một số chị em phụ nữ vì tâm lý lo lắng, cảm xúc mong ngóng được nhìn thấy con mà lạm dụng việc siêu âm, đi kiểm tra với tần số dày đặc.
Có nhiều thai phụ trở nên trầm cảm, lo lắng và suy nghĩ quá nhiều sau khi đi siêu âm liên tục trong giai đoạn đầu mang thai. Các chỉ số của thai nhi hoặc thai phụ chưa tốt, khiến cho mẹ cảm thấy áp lực, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả mẹ và bé. Bà bầu phải đi lại nhiều lần, có thể gặp rủi ro nhất là khi thai đã phát triển lớn, không chỉ lãng phí thời gian mà còn tốn kém rất nhiều về tài chính nên mọi người cần cân nhắc và điều chỉnh lại.
Chính vì vậy, mẹ bầu cần thực hiện việc siêu âm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong trường hợp cần phải siêu âm thai nhiều lần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, nhằm theo dõi khi thai nhi hoặc người mẹ có vấn đề nào đó bất thường thì bạn có thể yên tâm tuân thủ thực hiện bởi đây là điều cần thiết.
Siêu âm 3 tháng đầu được thực hiện như thế nào?
Theo các chuyên gia, việc thực hiện siêu âm lần đầu tiên nên diễn ra ở tuần thứ 5-7 của thai kỳ, có nghĩa là lúc mẹ đã trễ kinh khoảng 10-15 ngày. Thông thường, siêu âm lần đầu sẽ được thực hiện bằng phương pháp siêu âm đầu dò. Trước khi siêu âm, mẹ bầu cần đi tiểu sạch để bàng quang không chèn vào tử cung, giúp việc quan sát dễ dàng và chính xác hơn.
Ở lần siêu âm đầu tiên, bác sĩ sẽ giúp bạn xác nhận việc mẹ có mang thai không, vị trí thai có đúng không? Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu lấy máu, làm xét nghiệm để xem tình trạng sức khỏe của mẹ ra sao, hỏi thăm về tiền sử bệnh tật của mẹ, gia đình bên nội/ngoại,… Đồng thời, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, các điều nên làm, nên kiêng, các vitamin thường được ưu tiên bổ sung đó là sắt, axit folic, canxi, DHA.
Lần siêu âm thứ 2: thường được diễn ra khi thai nhi đã được khoảng 8-9 tuần tuổi. Bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai, các vấn đề trong phôi thai.
Lần siêu âm thứ 3: thường được diễn ra khi thai nhi đã được khoảng 11-13 tuần tuổi. Đây là mốc thai kỳ quan trọng, mẹ bầu cần chú ý. Bác sĩ có thể đo độ mờ da gáy, có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để xác định nguy cơ xấu.
Siêu âm thai 3 tháng đầu sẽ được thực hiện thường xuyên hơn nếu như mẹ:
- Có hiện tượng chảy máu khi mang thai.
- Mang đa thai.
- Mẹ trên 35 tuổi và mang thai lần đầu.
- Mẹ bị u nang, u xơ hoặc các bệnh lý nguy hiểm khác, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Lên lịch siêu âm khoa học cho mẹ bầu
3 tháng đầu mang thai là giai đoạn rất nhạy cảm với bà bầu. Tỉ lệ sảy thai ở tam cá nguyệt thứ nhất này là cao nhất trong các giai đoạn mang thai. Chính vì vậy mẹ bầu có thể lo lắng và muốn kiểm trai thai nhi của mình nhiều hơn bằng cách đi siêu âm. Tuy nhiên, hãy lên kế hoạch kiểm tra định kỳ thật hợp lý, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ của bạn.
Hầu hết với các bà bầu có thai kỳ ổn định, trong thời gian mang bầu có 5 mốc quan trọng nhất cần đi khám thai và siêu âm đầy đủ, cụ thể:
- Sau khi biết mình thụ thai
- Tuần thai 11-13
- Tuần 15-20
- Tuần 21-25
- Tuần 32-36
Ở những tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu có thể sẽ được chỉ định khám thai và siêu âm tăng cường để theo dõi sát sao tình trạng phát triển của em bé. Có thể là tần suất 2-3 lần/tuần.
Ngoài ra, với những trường hợp có những dấu hiệu bất thường, thai có nguy cơ bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện siêu âm nhiều hơn để kiểm tra tình hình sức khỏe thai và có những chẩn đoán, chỉ định kịp thời.
Mẹ bầu cần lưu ý điều gì khi đi siêu âm thai?
Trước khi đi siêu âm thai mẹ bầu nên tham khảo, tìm hiểu trước phòng khám hoặc bệnh viện, bác sĩ siêu âm và có địa thuận tiện với nơi ở hiện tại. Trước lúc tiến hành siêu âm mẹ bầu không nhất thiết phải nhịn ăn nhưng nên uống nhiều nước để bàng quang căng hơn trong trường hợp thai nhi dưới 10 tuần tuổi, từ đó giúp hình ảnh thu về được rõ nét và dễ quan sát.
Bên cạnh siêu âm, trong một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm cần thiết để bao quát được tình trạng sức khoẻ của mẹ. Đối với những thai phụ mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, bệnh về huyết áp, tim mạch,… số lần thăm khám cũng như siêu âm có thể nhiều hơn bình thường vì phòng những biến chứng phức tạp có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.
Ngoài ra ,để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần lưu ý tới chế độ ăn và chăm sóc bản thân thật kỹ. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, giữ tinh thần thoải mái, tích cực, tránh xa căng thẳng, áp lực và nếu được hãy chăm chỉ vận động nhẹ nhàng để hai mẹ con đều được khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần mẹ nhé!