Nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng khi mang thai 3 tháng nhưng bụng lại quá nhỏ hoặc to hơn so với những mẹ bầu khác cùng kỳ. Cùng tìm hiểu về thông tin về kích thước bụng bầu trong giai đoạn này để biết xem bụng của mình có đang phát triển bình thường hay không.
Mục lục
Mang thai 3 tháng đầu bụng có to không?
Giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên là thời gian hình thành phôi thai rồi tới bắt đầu hình thành các bộ phận của cơ thể thai nhi. Sự hình thành và phát triển này không ảnh hưởng nhiều đến kích thước vòng bụng của mẹ. Thông thường, bụng sẽ lớn hơn và cứng hơn một chút ở thời gian cuối của tháng thứ 3.
Quá trình phát triển kích thước bụng bầu của mẹ trong 3 tháng đầu mang thai như sau:
1. Tháng thứ nhất
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng cho tới thời gian thụ tinh, hình thành hợp tử, hợp tử phát triển thành phôi rồi di chuyển vào tử cung, sau đó làm tổ tại đây. Toàn bộ quá trình này không làm thay đổi kích thước vòng bụng của mẹ. Chính bởi vậy, rất ít mẹ bầu có thể phát hiện ra mình mang thai nếu như không kiểm tra que thử hay khám thai.
2. Tháng thứ 2
Sang tháng thứ 2 của tam cá nguyệt đầu tiên, cơ thể thai nhi dần có sự phát triển rõ ràng hơn. Ở thời điểm cuối tháng thứ 2 của thai kỳ, thai nhi có thể dài 1,6cm, cân nặng tương đương một trái việt quất khoảng 1g. Lúc này, bụng mẹ sẽ có thể lớn hơn một chút, nhô nhẹ và cứng hơn.
3. Tháng thứ 3
Đến cuối tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi có thể nặng khoảng 14g, chiều dài 5,4cm, đuôi đã mất, các bộ phận dần rõ ràng hơn, khuôn mặt bé cũng nhìn thấy được hai lỗ mũi, miệng, mắt vẫn nhắm. Bé có những cử động khớp. Do vậy, bụng mẹ lúc này sẽ lớn hơn, bụng dưới nhô cao hơn và tròn hơn.
Hầu hết các mẹ bầu có thể cảm nhận được sự phát triển vòng bụng của mình ở cuối tháng thứ 3 thai kỳ. Tuy nhiên cũng có những trường hợp phải sang tới tháng thứ 4 mới thấy bụng. Điều này hoàn toàn không đáng lo ngại, kích thước bụng khi mang thai còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mẹ bầu yên tâm nhé!
Các yếu tố ảnh hưởng đến kích thước bụng bầu khi mang thai 3 tháng đầu
Câu hỏi ‘Mang thai 3 tháng đầu bụng có to hay không” không có đáp án chung cho mọi trường hợp. Còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà mỗi một bà bầu khi mang thai lại có kích thước vòng bụng khác nhau. Có người mang thai ba tháng đầu không thấy bụng nhưng có người khác lại thấy bụng mình lớn hơn rõ rệt.
Dưới đây là một vài yếu tố góp phần ảnh hưởng đến kích thước vòng bụng khi mang thai 3 tháng đầu:
1. Vóc dáng
Với những mẹ bầu có vóc dáng cao gầy, người mảnh mai thường sẽ chưa thấy rõ bụng trong 3 tháng đầu, bụng mẹ sẽ thon gọn và nhô cao về phía trước.
Với mẹ có chiều cao hạn chế, bụng khi to lên sẽ tròn và nhô thấp, trọng lượng phân bổ đều sang hai bên.
Với mẹ bầu dáng người đầy đặn, bụng có nhiều mỡ thừa sẽ lộ rõ bụng sớm hơn, kích thước bụng cũng lớn hơn các bà bầu có cùng thai kỳ.
Nếu mẹ có vóc dáng cao, thon gọn, bụng sẽ nhô cao về phía trước
2. Số lần mang thai
Nếu mẹ mang thai lần đầu, hay còn gọi là mang thai con so, da và cơ bụng chưa thích nghi với sự co dãn, kích thước bụng còn nhỏ, sẽ không lộ rõ. Khi mang thai những lần sau, cơ bụng có thể quen với việc kéo dãn, giảm độ đàn hồi nên bụng bầu sẽ sớm rõ hơn lần đầu.
3. Di truyền
Yếu tố di truyền cũng được coi là yếu tố góp phần quyết định kích thước bụng bầu của bạn.
Nếu trong gia đình của bạn có mẹ, bà đều có bụng lớn khi mang thai thì khả năng bạn cũng sẽ có kích thước bụng bầu lớn ở 3 tháng đầu cao hơn và ngược lạ.
Những gia đình có gen chiều cao vượt trội, bụng sẽ thường nhỏ gọn khi mang thai. Thai nhi có xu hướng nằm dọc theo bụng ở mẹ cao và nằm ngang, bụng tròn sang hai bên ở mẹ thấp.
4. Lượng nước ối
Lượng nước ối cũng góp phần ảnh hưởng tới kích thước và hình dáng bụng mẹ bầu trong suốt thai kỳ. Mẹ bầu có nhiều nước ối, bụng thường lớn hơn và tròn về phía trước và ngược lại.
Trường hợp mẹ bị thừa cân, tiểu đường thai kỳ, đa thai sẽ nhiều dịch ối hơn, thai nhi ở vị trí cao hơn và bụng cũng rõ hơn.
3. Các vấn đề mẹ bầu gặp phải khi bụng to lên trong 3 tháng đầu
Việc vòng bụng ngày một lớn hơn cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý và ngoại hình của mẹ. Có một vài vấn đề thường gặp mẹ bầu có thể sớm chuẩn bị tâm lý và có những biện pháp giảm bớt tác động xấu từ sớm. Ví dụ như:
1. Cân nặng
Vẫn còn nhiều quan niệm cho rằng khi mang thai mẹ bầu được ăn thỏa thích, ăn càng nhiều đồ bổ càng tốt cho con. Việc ăn uống thoải mái thường khó kiểm soát được lượng calo tiêu thụ, sẽ dẫn tới nguy cơ thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tiểu đường thai kỳ, ngưng thở khi ngủ, thai quá lớn, tiền giản giật, sinh non, sinh khó, dọa sảy,… điều này không tốt cho cả mẹ và bé. Do đó, mẹ bầu hãy lựa chọn bổ sung dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp, tránh thiếu chất hay dư thừa.
2. Các vết rạn
Khi mang thai, việc tăng cân đột ngột cũng gây ảnh hưởng đến làn da. Da ở các vị trí bụng, ngực, đùi sẽ bị kéo căng. Với những mẹ bầu tăng cân nhanh đột ngột, cơ địa dễ rạn sẽ hình thành những vết rạn màu đỏ, tím. Để giảm thiểu tình trạng này, mẹ bầu có thể tham khảo và nhận tư vấn từ bác sĩ về việc bổ sung vitamin A, E, omega-3, omega-6,… Các dưỡng chất này cũng giúp tăng độ đàn hồi cho da, chống lão hóa da, giúp da mịn màng hơn. Sau khi sinh, với làn da có độ đàn hồi tốt sẽ sớm trở về trạng thái bình thường.
Chế độ ăn uống tăng cân vào con không vào mẹ cũng giúp hạn chế tốt tình trạng mẹ bị rạn da.
3. Vệt đậm màu trên bụng
Trong quá trình mang thai, kích thước bụng bầu lớn hơn, sắc tố melanin cũng sản sinh nhiều hơn, gây ra các vệt đậm màu lộ rõ trên bụng. Sau khi sinh, lượng hắc tố melatin giảm, các vệt màu cũng dần biến mất.
4. Lưu ý cho mẹ khi bụng bầu to lên trong 3 tháng đầu
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, việc giữ sức khỏe và tâm lý tốt để giữ thai là yếu tố quan trọng. Mẹ bầu 3 tháng đầu muốn chăm sóc tốt cho cả mẹ và bé cần lưu ý một vài điều dưới đây:
Ăn uống lành mạnh: 3 tháng đầu mẹ bầu thường phải đối mặt với cơn ốm nghén, nhạy cảm, cần chú ý lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, hạn chế đồ ăn vỉa hè, đồ ăn sẵn, các món tươi sống, thức ăn nên được nấu chín. Mẹ bầu có thể chia nhỏ các bữa ăn để có thể ăn được nhiều hơn mà không ngấy.
Tập thể dục: Với những mẹ bầu được bác sĩ chẩn đoán là có sức khỏe tốt, không có tiền sử sảy thai, nguy cơ sảy thai thì hoàn toàn có thể tập thể dục nhẹ nhàng. Các bài tập như đi bộ, yoga, bơi lội… giúp rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng, cơ thể dẻo dai hỗ trợ quá trình sinh nở. Còn với những mẹ bầu có sức khỏe chưa tốt, cần dành thời gian nghỉ ngơi và lựa chọn các bài tập đơn giản có thể thực hiện ngay trên giường ngủ như hít thở.
Kiểm soát cân nặng: Mẹ nên tìm hiểu và nhận tư vấn của bác sĩ về số cân nặng trong quá trình mang thai. Theo dõi các chỉ số sức khỏe để kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp, tránh thiếu hay thừa cân dẫn tới những vấn đề không may.
Trên đây là giải đáp thắc mắc cho câu hỏi “Mang thai ba tháng đầu bụng có to không?” Hy vọng có thể giúp chị em hiểu hơn về giai đoạn mang thai này của mình. Chúc chị em có một thai kỳ khỏe mạnh!