“Mình đang bầu 26w. Lúc sáng đi khám, thì thấy trong phiếu ghi em bé nặng hơn so với gram chuẩn. Hiện bé đang 1,045g còn mình tăng được 7kg. Mình đang chờ kết quả khám xét nghiệm đái tháo đường mà tới giờ chưa thấy bệnh viện gọi điện báo. Lo lắng quá không biết có gì bất thường không. Nếu mà cân nặng thai thi vượt chuẩn như vậy thì mình phải làm gì?”
Hoài Thu – Hà Nội
Trên là câu hỏi của bạn Hoài Thu gửi về cho procarevn.vn khi đang chờ kết quả khám thai. Một số mẹ bầu cũng có những câu hỏi gửi về như bạn xoay quanh vấn đề thai nhi quá cân phải làm thế nào? Cùng đọc giải đáp cho vấn đề này nhé.
Mục lục
Cân nặng thai nhi vượt chuẩn là như thế nào?
Khác với trường hợp thai nhi nhẹ cân so với tuổi thai, cân nặng của thai nhi vượt chuẩn là khi thai nhi tăng quá nhanh dẫn đến vượt quá cân nặng tiêu chuẩn. Đây cũng là một trong những mối lo lắng của mẹ bầu. Khi mà gần đây đời sống nâng cao hơn xưa nhiều, việc ăn uống tẩm bổ, rồi cả những mẹ bầu nghén thèm ăn quá nhiều món ngọt cũng khiến tình trạng này ngày trở lên phổ biến hơn. Cân nặng em bé chào đời khi mới sinh cũng tăng nhiều hơn xưa có những trường hợp bé sơ sinh với cân nặng hơn 4kg cũng đã có nhiều.
Tuy nhiên quá cân là không hề tốt. Bên cạnh việc tăng nguy cơ phải sinh mổ thì cân nặng thai nhi vượt quá ngưỡng cho phép còn gây nhiều những tiềm ẩn biến chứng tiểu đường thai kỳ cho cả bé và mẹ trong quá trình sinh và sau sinh. Mẹ bầu cần theo dõi và lưu ý khi gặp trường hợp này. Cùng đọc thông tin bên dưới về những vấn đề về yếu tố nguy cơ hay khi nào thì được cho là vượt chuẩn nhé.
Nguyên nhân khiến cân nặng thai nhi vượt chuẩn
Tìm ra nguyên nhân khiến cân nặng thai nhi vượt chuẩn sẽ giúp bạn sớm có điều chỉnh phù hợp và kịp thời. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến sự quá cân này?
Cân nặng của thai nhi trong bụng mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn do di truyền, tức là bố mẹ cao to, khỏe mạnh sẽ dễ sinh ra những đứa trẻ nặng cân hơn bình thường hoặc người mẹ đã sinh nhiều lần, con sau có thể sẽ to hơn con trước.
Nguyên nhân tiếp theo là chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu chứa nhiều chất dinh dưỡng, thai nhi hấp thu tốt cũng khiến cân nặng của thai nhi phát triển quá mức.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến cân nặng thai nhi vượt chuẩn là: ăn nhiều tinh bột, đường, ngủ nhiều, ít vận động dẫn đến mắc đái tháo đường thai kỳ.
Khi nào được cho là cân nặng thai nhi vượt chuẩn?
Cân nặng thai nhi được cho là vượt chuẩn khi chỉ số này cao hơn chỉ số trên của khoảng cân nặng cho phép. Các chỉ số này được ghi rõ trong bảng cân nặng tiêu chuẩn của thai nhi ứng với từng tuần tuổi. Trong một số trường hợp cân nặng vượt xa mốc chuẩn cho phép, bác sĩ sẽ cung cấp thêm thông số về bách phân vị để xác định rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng quá cân này. (Bách phân vị là các mốc chia để xác định trường hợp bình thường và bất thường của 1 thuộc tính nào đó.)
Sự phát triển của thai nằm trong BPV từ 10-90 là bình thường. Nếu <10 là thai kém phát triển trong tử cung, nếu >90 là thai phát triển hơn mức bình thường.
Ví dụ với trường hợp của bạn Hoài thu, mẹ đang mang thai được 26 tuần, hôm nay đi siêu âm với kết quả: cân nặng ước tính 1,045gr (BPV: 65%)… Bác sĩ chẩn đoán: một thai sống trong lòng tử cung ở bách phân vị 65 so với tuổi thai 26 tuần.
Kết quả này được hiểu như sau: thai nhi có cân nặng lớn hơn khoảng 65% các thai nhi cùng tuần tuổi (26 tuần). Trường hợp này cân nặng của thai nhi được cho là vượt chuẩn so với mức trung bình.
Không quá lo lắng nhưng cần làm xét nghiệm xem bạn đang có bị tiểu đường thai kỳ hay không. Như bạn cũng đã nói bạn đang chờ kết quả tiểu đường. Vậy hãy chờ thêm kết quả và nghe lời khuyên trực tiếp từ bác sỹ của bạn nhé. Thông thường bác sỹ sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về điều chỉnh ăn uống, tập thể dục như nào cho phù hợp, bạn đừng quá lo lắng.
Bạn có thể tham khảo bảng cân nặng thai nhi theo tuần để xem con mình vượt xa chuẩn cân nặng như nào nhé.
Nguy cơ gặp phải nếu cân nặng thai nhi vượt chuẩn
Thai nhi nặng cân hơn bình thường gây ra nhiều nguy cơ cho cả mẹ và em bé. Cụ thể các nguy cơ này như sau:
- Gây mệt mỏi cho mẹ bầu trong việc ngủ nghỉ, vận động đi lại nặng nề do thai quá to.
- Tử cung to gây chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân.
- Quá trình chuyển dạ, sinh nở của mẹ sau này cũng gặp nhiều bất lợi, chủ yếu là phải chỉ định mổ đẻ. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai, có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài. Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sau khi chào đời: trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng “vượt ngưỡng” phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn.
Khi phát hiện cân nặng thai nhi bị quá cân, mẹ bầu không chỉ điều chỉnh cân đối theo chỉ định của bác sĩ mà cần theo sát quá trình phát triển của trẻ trong những tháng đầu chào đời
Phải làm gì khi cân nặng thai nhi vượt chuẩn?
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học đảm bảo dinh dưỡng vừa đủ, không quá dư thừa kiểu bồi bổ, nhồi nhét. Đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ bạn cần phải tuân theo chế độ ăn uống mà bác sĩ chỉ định riêng như hạn chế đường ngọt, tinh bột.
Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày như một ngày gồm 3 bữa chính và 6 bữa phụ để các bữa chính không quá nhiều dinh dưỡng, cũng như giúp hệ tiêu hóa được làm việc hiệu quả. Việc này giúp ngăn ngừa được tình trạng hấp thu các chất dư thừa trong bữa ăn lớn. Do vậy mà thai nhi cũng không bị tăng cân quá nhiều.
Tập thể dục thường xuyên
Vận động trong thai kỳ là việc mà bác sĩ luôn khuyên bạn khi không có bất kỳ dấu hiệu bất thường liên quan đến ra máu, sảy thai. Duy trì tập thể dục khi mang bầu không những giúp cải thiện tâm trạng mà còn giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, calo và tiêu hao lượng mỡ. Việc này không chỉ tốt cho cả sự tăng cân không cần thiết ở mẹ và thai nhi.
Kiểm soát cân nặng
Cần kiểm soát cân nặng trong suốt thai kỳ, không nên tăng cân quá nhiều dẫn đến tình trạng thai nhi cũng phát triển quá nhanh.
Thăm khám thai định kỳ
Thăm khám định kỳ theo các mốc khám thai mà bác sĩ lên lịch cho bạn. Nhất là tình trạng thai nhi thừa cân cần có những theo sát trong cả thai kỳ để kịp thời điều chỉnh. Cần bổ sung trong hồ sơ sinh(hồ sơ đăng ký dự sinh tại bệnh viện) để bác sĩ biết tình trạng và có những theo dõi kịp thời trong quá trình chuyển dạ. Hãy nghe theo lời khuyên của bác sĩ nhé.
Theo dõi quá trình phát triển của trẻ sau khi chào đời
Cần theo dõi sát quá trình phát triển của trẻ về: Bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp, nguy cơ béo phì, rối loạn chuyển hóa sau sinh.
Bài viết là giải đáp thắc mắc của bạn Hoài Thu về cân nặng thai nhi vượt chuẩn. Hi vọng bạn đã nắm đủ thông tin để bớt lo lắng. Chúc bạn Thu một thai kỳ thật khoẻ mạnh!
Tham khảo:
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/thai-nhi-qua-can-phai-lam-nao/
- https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/nhung-nguy-hiem-rinh-rap-khi-thai-nhi-co-can-nang-qua-lon?inheritRedirect=false