“Dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời” là bài báo cáo của PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng I; Phó chủ nhiệm bộ môn nhi, trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị sản phụ khoa Việt – Pháp – Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 17 do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức.
Trong bài báo cáo này, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn có chỉ ra rằng: 1000 ngày đầu đời được tính bằng thời gian mang thai cộng với 2 năm đầu tiên của trẻ. Đây là khoảng thời gian vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ, những gì diễn ra trong 1000 ngày đầu đời có ảnh hưởng mật thiết tới cuộc sống sau này.
Hiện nay, tình trạng thừa cân béo phì ngày một gia tăng, đây là vấn đề mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Bởi thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm. Tiêu biểu như các bệnh tim mạch, bao gồm: tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận… Nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao khi chỉ số BMI càng lớn.
PGS. TS.BS Nguyễn Anh Tuấn có đưa nghiên cứu chỉ ra rằng: thời gian bú mẹ của trẻ càng lâu thì tỷ lệ thừa cân béo phì khi trưởng thành càng thấp. Tỷ lệ thừa cân béo phì liên quan tới nồng độ đạm trong thức ăn, nồng độ đạm càng cao thì cơ thể càng tăng cân nhanh, nguy cơ thừa cân béo phì sau này càng cao. Nồng độ đạm trong sữa mẹ thấp nhất so với các loại sữa từ động vật khác như: sữa bò, sữa ngựa, sữa dê… Chính vì vậy, để tránh tình trạng thừa cân béo phì sau này, xu hướng ngày nay là giảm bớt hàm lượng đạm trong sữa công thức cho gần bằng sữa mẹ nhất có thể.
Ngoài ra, hệ vi khuẩn chí trong đường ruột cũng ảnh hưởng tới tình trạng thừa cân, béo phì. Nếu mẹ có sức khỏe tốt, hệ vikhuẩn chí ổn định; em bé sinh thường và được bú mẹ, không phải uống kháng sinh thì hệ vi khuẩn chí của trẻ sẽ tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh như thừa cân, béo phì, đái tháo đường sau này. Vì vậy khi mang thai mẹ nên ăn uống đa dạng, không kiêng cữ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể luôn khỏe mạnh. Ưu tiên việc sinh thường qua ngả âm đạo và cho trẻ bú mẹ hoàn toàn tới 4-6 tháng; cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm trong khoảng 4-6 tháng để hệ vi khuẩn chí của trẻ tốt nhất.
Về phát triển trí não, khi trẻ 2 tuổi thì kích thước não đã bằng 80% kích thước não người trưởng thành. Điều đó cho thấy rằng thời gian 1000 ngày đầu đời là khoảng thời gian não bộ phát triển nhanh nhất. Các nguyên liệu cần cho phát triển não bộ như: DHA, I-ốt, choline,… Trong đó DHA là chất quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất trong não bộ. Một số thực phẩm cung cấp nhiều DHA như: cá hồi, cá ngừ,… Nhưng chỉ 15% chất acid alpha linolenic có trong thực phẩm tạo thành DHA cung cấp cho não phát triển mà thôi. Hơn nữa chỉ nên ăn cá để bổ sung DHA khoảng 2 lần/tuần là đủ. Bởi trong cá biển thường có một hàm lượng kim loại nặng (như Thủy ngân) nhất định; ăn nhiều có thể nhiễm độc kim loại nặng và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Do đó cung cấp trực tiếp DHA từ sản phẩm bổ sung là cần thiết và nên cung cấp đủ ngay từ khi mang thai.
Bác sĩ cũng chỉ ra rằng nồng độ DHA trong máu tăng dần từ tuẩn 10-38 thai kỳ. Nghĩa là khoảng thời gian đó mẹ cần cung cấp nhiều DHA hơn để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của thai nhi. Hơn nữa khi cung cấp DHA trong thai kỳ thì nồng độ DHA trong sữa mẹ cao hơn so với những bà mẹ không bổ sung DHA. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung DHA có cải thiện về nhận thức rõ ràng ở trẻ em.
Cuối cùng bác sĩ kết luận: 1000 ngày đầu đời là cửa sổ cơ hội cho chúng ta. Chính vì vậy, hãy tận dụng tối đa cơ hội đó để chăm sóc và tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai bằng việc thực hiện chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho mẹ và con ngay từ khi mang thai và trong 2 năm đầu đời của trẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn
Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng I
Phó chủ nhiệm bộ môn nhi, trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.