Bệnh Rubella hay bệnh Rubeon (còn gọi là bệnh sởi Đức hoặc sởi 3 ngày) là một bệnh truyền nhiễm lành tính do virut Rubella gây nên, có thể xảy ra thành dịch. Tuy tỷ lệ tử vong và biến chứng rất thấp nhưng bệnh Rubella lại đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, nhất là trong 12 tuần đầu thai kỳ vì có thể gây sảy thai, dị tật thai nhi và nguy cơ đẻ ra những trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với các biến chứng nặng nề.
Hội chứng Rubella bẩm sinh
Bé có triệu chứng lâm sàng là nhẹ cân, chậm phát triển trong tử cung, đục thủy tinh thể, điếc, tật đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ, ban trên da khi đẻ.
Biến chứng:
- Mắt: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, viêm võng mạc.
- Tim: còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi.
- Thần kinh: chậm phát triển tinh thần, tật đầu nhỏ, viêm não-màng não.
- Biến chứng khác: gan to, điếc, bệnh mềm xương.
Tùy thuộc vào thời gian thai nhiễm vi rút, không phải bất cứ trường hợp phụ nữ mang thai nào nhiễm Rubella cũng cần phải đình chỉ thai nghén.
Cách thức lây truyền bệnh Rubella
Ổ chứa virut gây bệnh Rubella duy nhất là người và người đang mắc bệnh là nguồn truyền nhiễm duy nhất. Khi người bệnh ho, hắt hơi và khạc nhổ có thể làm bắn các giọt chứa virut ra ngoài môi trường, những người khác có thể bị lây bệnh khi trực tiếp hít phải những giọt nhỏ đó, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với những vật trung gian mang những giọt nhỏ đó như bắt tay, dùng chung khăn tay hay trẻ dùng chung đồ chơi. Trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh sẽ đào thải nhiều virut trong dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu và đó là nguồn truyền nhiễm cho người tiếp xúc. Sau khi xâm nhập đường hô hấp virus sẽ nhân lên ở họng mũi các hạch bạch huyết quanh đó. 5 đến 7 ngày sau virus vào máu và lan tràn khắp cơ thể. Tất cả mọi người chưa có miễn dịch với virut Rubella đều có thể bị mắc bệnh.
Lây truyền từ mẹ sang con: Thời gian 12 tuần đầu thai kỳ là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm Rubella ở người mẹ, virut Rubella từ máu của mẹ chuyển qua rau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh, tỷ lệ con bị hội chứng Rubella bẩm sinh rất thay đổi: 80% khi thai dưới 12 tuần, 54% khi thai được 13 – 14 tuần, 35% ở tuổi thai 13 – 16 tuần, 10% khi thai 16 tuần và sau 20 tuần thì tỷ lệ này không đáng kể.
Hướng dẫn chích ngừa Rubella cho từng trường hợp
Đối với trẻ em
Tiêm phòng vaccin một mũi sau 15 tháng tuổi, tiêm mũi 2 cách mũi 1 khoảng 6 – 10 tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.
Đối với người lớn
Nên làm xét nghiệm huyết thanh, nếu đã có miễn dịch thì không cần tiêm vaccin. Nếu chưa có miễn dịch thì nên tiêm vaccin, nhất là phụ nữ trong lứa tuổi mang thai.
Khi chưa có thai: sau những mũi tiêm đầu lúc còn trẻ, trước khi có ý định mang thai, tốt nhất nên tiêm nhắc lại một mũi. Thời điểm tiêm phòng ít nhất là 1 tháng, tốt nhất trước khi dự kiến có thai khoảng 3 – 4 tháng, đây là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh. Những người từng bị nhiễm vi rút Rubella và khỏi bệnh trước khi mang thai ít nhất 3 tháng thì không có ảnh hưởng gì. Thường khi khỏi bệnh cũng hết vi rút. Tuy nhiên trước khi quyết định mang thai nên đến cơ sở y tế để khám tổng quát và làm các xét nghiệm đảm bảo không có bệnh lý gì ảnh hưởng tới quá trình mang thai.
Khi đã mang thai: chống chỉ định tiêm vaccin ngừa Rubella, vì đây là loại vaccin sống giảm độc lực có khả năng truyền bệnh cho thai nhi.
Khi mang thai mà chưa tiêm phòng Rubella, nên cách ly với người mắc Rubella, nhất là trong 16 tuần đầu của thai kỳ. Đảm bảo các thành viên trong gia đình đã có miễn dịch với Rubella. Nên tránh tiếp xúc với đồng nghiệp có dấu hiệu nghi nhiễm Rubella. Nếu phải đi công tác hoặc du lịch, nên hoãn chuyến đi tới những địa điểm đang có dịch Rubella.
Khi mang thai mà chẳng may tiếp xúc với người mắc Rubella, nên đi khám ngay lập tức tại chuyên khoa truyền nhiễm và chuyên khoa phụ sản. Ngoài ra nên tăng cường giữ sức khỏe chung bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, mặc ấm và sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Trường hợp mang thai và được chẩn đoán xác định nhiễm Rubella thì thai phụ cần được khám theo dõi thường xuyên tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Theo Bác sĩ Thu Vân