Dinh dưỡng thai kỳ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ cũng như sức khỏe của người mẹ. Nếu không được chăm sóc dinh dưỡng hợp lý ngay từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ sẽ bị bỏ lỡ cơ hội vàng cho sự tăng trưởng và phát triển không chỉ về thể chất mà cả trí tuệ trong suốt cuộc đời.
Vai trò của dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và cho con bú
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và trong 2 năm đầu sau sinh đã “lập trình” cho mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, thị giác sau này. Suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được đối với sự phát triển của não bộ, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực.
Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy giai đoạn mang thai và 2 năm đầu sau sinh chính là cửa sổ cơ hội để phòng ngừa các bệnh mạn tính có liên quan đến dinh dưỡng như: thừa cân béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, mỡ, các bệnh tim mạch, huyết áp, loãng xương… Các bệnh này được coi là sát thủ hàng đầu trên thế giới với 35 triệu người tử vong hàng năm, chiếm 60% số ca tử vong toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới dự kiến nhóm bệnh này sẽ tăng 17% trong thập kỷ tới, và tập trung đến 80% ở các nước đang phát triển.
Mẹ bị thiếu dinh dưỡng khi mang thai, cụ thể là ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Mẹ bị thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân và khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành…
Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời còn yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20% mà thôi.
Bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ thế nào?
Dinh dưỡng trong thai kỳ có vai trò quan trọng như vậy nên thực hiện chế độ ăn uống, bổ sung dưỡng chất đầy đủ khi mang thai là việc làm quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý thực hiện. Theo đó, chế độ ăn của người mẹ cần đảm bảo tối đa nhu cầu về năng lượng và các chất sinh năng lượng trong thai kỳ như là protein (chất đạm), lipid (chất béo), những acid béo chưa no nhóm omega 3 (DHA, EPA), cùng các vitamin và khoáng chất khác.
Acid béo chưa no omega 3 (DHA, EPA) đặc biệt được nhấn mạnh bởi đây là thành phần quan trọng đối với sự phát triển của hệ thần kinh trung ương, chức năng nhìn của mắt từ khi trẻ còn trong bụng mẹ cũng như những năm tháng đầu đời. Thực phẩm chứa nhiều Omega3 (DHA, EPA) là các loại cá, hải sản, trứng. Liều lượng bổ sung DHA đối với Phụ nữ có thai hiện được khuyến cáo là 200mg/ngày. Xem thêm cách bổ sung Omega – 3 đúng cách cho mẹ bầu ở bài viết dưới đây
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bà mẹ cần bổ sung thêm viên sắt acid folic hàng ngày kể từ khi mang thai đến hết tháng thứ nhất sau sinh. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có hàm lượng ferritin cuống rốn ở ngưỡng thấp (do mẹ bị thiếu sắt khi mang thai) thường có biểu hiện về nhận thức kém hơn ở tuổi đi học. Tình trạng thiếu folate có thể gây ra dị tật ống thần kinh ở trẻ bao gồm nứt đốt sống, thiếu một phần hoặc thoát vị não. Khoảng 50% các kiếm khuyết này có thể phòng tránh được bằng cách uống bổ sung acid folic để có đủ folate trước và trong khi mang thai.
Do đó bà mẹ khi mang thai cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng tốt bằng chế độ ăn hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm, bên cạnh đó cần bổ sung thêm viên sắt/folic, các loại vitamin khoáng chất để đảm bảo trẻ được sinh ra khỏe mạnh, phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh Dưỡng Quốc Gia
Với 33 năm công tác và nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng, Phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm không chỉ là chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành, mà còn là người thầy tâm huyết, tận tụy hướng dẫn hơn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa và cao học.