Thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên, nếu không được chăm sóc tốt thì sức khoẻ mẹ bầu rất dễ bị ảnh hưởng không tốt.
Mục lục
Tránh ở lâu dưới ánh nắng gay gắt
Một số mẹ bầu do điều kiện lao động ngoài trời phải ở dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, thì cần hết sức chú ý để tránh cảm nắng, say nắng. Nếu được nên tránh những công việc dưới trời nắng nóng như vậy.
Khi có việc ra ngoài, mẹ bầu cần đội nón mũ hoặc che ô, mặc áo chống nắng… không để nắng gắt chiếu trực tiếp vào người trong thời gian dài.
Mẹ bầu cũng nên hạn chế đi biển, tắm nắng. Tắm nắng khiến mẹ bầu dễ bị mất nước, chóng mặt, choáng váng (thậm chí là ngất xỉu).
Hằng ngày cần thường xuyên uống một số đồ uống thanh nhiệt, giải khát như nước đỗ đen, nước nhân trần, chè thanh nhiệt.
Tránh ham hóng mát mà nằm ngồi ở nơi không an toàn
Khi thời tiết nóng bức, nhiều mẹ bầu thường tránh nóng bằng cách tìm nơi lộng gió để hóng mát, hoặc dùng quạt mạnh, máy lạnh hướng thẳng vào người trong thời gian dài. Y học cho rằng, phụ nữ sau khi mang thai, phần lớn khí huyết suy nhược, dễ bị nhiễm gió độc, từ đó sinh ra bệnh tật.
Vì thế, mẹ bầu khi hóng mát cần chú ý: không nên ham mát quá, không nên bật quạt hay máy lạnh hướng thẳng vào người, không nằm ngồi ngoài trời lâu quá. Đêm hè khi ngủ vẫn nên để sẵn một chăn mỏng để đắp nếu thấy lạnh.
Tránh ăn uống thất thường, giữ vệ sinh trong ăn uống
Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi, mẹ bầu thường mất cảm giác thèm ăn, ăn uống không ngon miệng… Ngoài ra, do ảnh hưởng của việc ốm nghén, nhiều mẹ bầu càng thêm chán ăn, bỏ bữa, hoặc ăn uống không đầy đủ và về lượng và chất.
Trong khi đó, việc ăn uống và dinh dưỡng trong thai kì là vấn đề hết sức quan trọng. Mẹ bầu cần chú ý ăn uống hợp lý, đủ 4 nhóm thức ăn, không nên ăn uống quá đơn giản vì có thể làm cho em bé bị thiếu dinh dưỡng. Mẹ bầu nên ăn những món ăn thanh mát có khả năng giải nhiệt, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước và uống oresol bù điện giải khi cần.
Mẹ bầu cũng nên cẩn thận an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, nên tránh xa những món gỏi, thức ăn chưa chế biến hoặc những quầy thức ăn đường phố, nên mang theo nước lọc đóng chai hợp vệ sinh thay vì bạn phải uống nước trong quán ăn hay nhà hàng.
Chọn lúc ra đường
Mẹ bầu càng ở trong chỗ mát càng nhiều càng tốt. Ánh nắng gay gắt vào buổi trưa và buổi chiều rất không tốt cho cơ thể, dễ khiến mẹ bầu bị choáng và mất nước.
Đề phòng cảm nắng: cảm nắng cũng sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng. Thai phụ sẽ có cảm giác đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nặng sẽ đột quỵ, ngất xỉu… gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Vì vậy thai phụ không nên đi, đứng dưới trời nắng quá lâu nhất là vào những buổi trưa nắng, nhiệt độ tăng cao. Tránh ra đường vào thời điểm từ 10h đến 16h lúc này tia UV đạt đỉnh gây nguy hại cho sức khỏe mẹ bầu.
Khi ra đường các bà bầu nên mặc quần áo dài, dễ thấm hút mồ hôi, đội mũ rộng vành. Khi đi đường xa, nên mang theo nước uống đầy đủ. Khi có dấu hiệu bất thường cần tìm bóng mát để nghỉ ngay. Lưu ý không vào phòng máy lạnh ngay sau khi vừa từ ngoài trời nắng nóng về để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị cảm nắng hoặc nặng hơn là đột quỵ.
Khi mẹ bầu nhận thấy những dấu hiệu bất thường như: cơ thể mệt mỏi quá sức, xuất hiện cơn gò tử cung hoặc đau bụng, buồn nôn, ra máu… cần nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám kịp thời.
Chú ý uống nước
Nước lọc rất quan trọng đối với các thai phụ, đặc biệt là khi trời nắng nóng, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, càng cần bổ sung thêm nước. Đặc biệt trong thời gian mang thai thân nhiệt của mẹ bầu sẽ cao hơn mức bình thường, vì vậy lượng nước cung cấp cho cơ thể cũng cần nhiều hơn.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến mẹ bầu vô cùng mệt mỏi, kiệt sức, tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt… Khi cơ thể không kịp bổ sung đủ nước, những cơn co Braxton Hick (chuyển dạ giả) sẽ xuất hiện nhiều hơn. Thiếu nước cũng khiến dễ khiến mẹ bầu bị phù chân và mắt cá chân. Không ít mẹ bầu hiểu lầm rằng uống nhiều nước sẽ bị phù nhiều hơn. Tuy nhiên, đó là một sự nhầm lẫn lớn. Càng uống đủ nước, cơ thể càng được vận hành trơn tru. Mẹ bầu có thể bổ sung thêm nước qua các loại nước hoa quả tươi, có tác dụng cung cấp nước, vitamin và nhiều khoáng chất khác.
Mức nước nên uống là khoảng 8 – 10 cốc mỗi ngày (trong những mùa khác là 6 – 8 cốc). Khi uống nước phải uống từng ngụm nhỏ liên tục thì mới hấp thu được nước, nếu các bà bầu uống thẳng 1 cốc nước 100 – 200ml cơ thể không hấp thu được, khi đó cơ thể sẽ đào thải rất nhiều qua đường tiểu tiện, khi tiểu tiện nhiều khiến cho cơ thể mất đi nhiều khoáng chất càng làm cho cơ thể mệt hơn.
Tránh ăn ngủ không điều độ
Tương tự như trong việc ăn uống, đối với thời gian nghỉ ngơi, trời nắng nóng có thể làm mẹ bầu khó chịu, mất ngủ, gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Trong thời kỳ này mẹ bầu cần thực hiện “đêm ngủ, sáng dậy sớm, ban ngày hoạt động”. Buổi trưa cần có thời gian nghỉ ngơi thích hợp, nhưng không nên ngủ quá dài để tránh tinh thần uể oải, mệt mỏi.
Để thích ứng với khí hậu nóng bức, mẹ bầu nên tham gia một số hoạt động rèn luyện thân thể, tăng cường thể lực như đi bộ vào lúc trời mát, tập thể dục trong nhà…
Tránh căng thẳng, buồn phiền, nôn nóng hay nổi cáu
Nóng bức cộng thêm một số thay đổi về sinh lý sau khi mang thai làm cho cảm xúc tiêu cực xuất hiện nhiều ở mẹ bầu. Biểu hiện này không có lợi cho sức khỏe. Y học từ xa xưa đến nay rất coi trọng ảnh hưởng của tinh thần đối với sức khỏe và bệnh tật của người mẹ và cả em bé.
Giữ vệ sinh cá nhân tốt
Do thời tiết oi bức, các mẹ bầu sẽ thích ngâm mình trong nước, thích bơi lội ở những bể bơi, đặc biệt là những mẹ bầu sống ở vùng sông nước, vùng nông thôn thường có thói quen tắm ao hồ… Nếu nguồn nước không sạch rất dễ lây truyền bệnh, đặc biệt là các bệnh lây qua âm đạo, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Do đó, mẹ bầu không nên tắm ngâm mình, mà nên dùng gáo nước để dội, hoặc tắm bằng vòi sen.
Theo Sức khoẻ và đời sống