Mang thai là giai đoạn cực kì khó khăn. Đây là giai đoạn không chỉ mẹ bầu mà cả gia đình đều tập trung cao độ, như dặn mẹ bầu phải đi đứng nhẹ nhàng, ăn uống đầy đủ, mặc đồ ấm tránh nắng tránh gió, ăn uống cẩn thận, tiêm ngừa đầy đủ… Vì sức đề kháng của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ gặp khó khăn hơn người không mang thai.
Mục lục
Vì sao khi mang thai thì sức đề kháng giảm?
Để bảo vệ cho cơ thể sẽ có 2 hệ thống bảo vệ gồm: hàng rào vật lý (da, niêm mạc và các màng nhầy) và hệ thống miễn dịch chủ động được tạo ra bởi các bạch cầu và các kháng thể.
Khi mang thai thì diện tích da sẽ lớn hơn nhiều. Do hàng rào bảo vệ của cơ thể rộng hơn rất nhiều, vì vậy nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh cao hơn.
Khi mang thai dung tích thở cũng tăng làm tim đập nhanh hơn, thở nhanh và nhiều hơn. Bà bầu cũng cần rất nhiều nguyên liệu để tạo ra các mô của cơ thể, trong đó có kháng thể. Nguyên liệu để tạo cho sức đề kháng của cơ thể, hoạt động của bạch cầu, hoạt động của tế bào miễn dịch tạo ra các kháng thể cũng thay đổi và bị yếu đi.
Nếu bà bầu có sức đề kháng không tốt thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn, mức độ gặp nguy hiểm của bà bầu cũng nhiều hơn so với người thường.
Những nguy hiểm khi sức đề kháng giảm khi mang thai
Quá trình mang thai là giai đoạn tượng hình ra em bé, trong trường hợp không may người mẹ bị mắc bất cứ bệnh gì thì cũng có thể dẫn đến các nguy cơ:
– Thai kì không bình thường, mẹ có thể mắc bệnh. Và tất cả những bệnh mắc trong lúc mang thai đều có nguy cơ bị nặng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai, gây khó khăn nhiều hơn cho các bác sĩ khi chữa trị.
– Thai nhi có thể bị dị tật, sinh non, nhẹ cân, mang sẵn các bệnh mà mẹ đã truyền cho mình trong quá trình mang thai, nguy cơ rất cao.
Trong giai đoạn không có dịch bệnh đã cần chú tâm, trong giai đoạn đang có dịch bệnh như COVID 19 thì mẹ bầu càng cần chú tâm nhiều hơn.
Phòng dịch COVID 19 như thế nào là đúng và khoa học
Mẹ bầu không nên hoang mang và quá lo lắng. Nếu chúng ta tìm hiểu thông tin và thực hành theo các thông tin này thì chúng ta hoàn toàn không cần phải lo lắng. Bạn nên xem ở những kênh thông tin chính thống, đặt biệt là các tin nhắn của bộ y tế, chúng ta đọc và thực hành theo. Trên các trang mạng xã hội, chúng ta cũng cần phân biệt rõ trang mạng xã hội nào là nên tin và trang mạng nào là đăng những thông tin chưa được kiểm chứng.
Nhìn chung, để bảo vệ bà bầu trong dịch COVDID 19, chúng ta cần lưu ý đến việc bảo hộ cá nhân.
Video hướng dẫn các cách bảo vệ cơ thể trong mùa dịch COVID
Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng khi tay nhìn thấy vết bẩn hoặc nghi ngờ có vết bẩn. Hoặc chúng ta có thể dùng nước rửa tay sát trùng, thường được gọi là nước rửa tay khô. Thực hành rửa tay đúng như hướng dẫn, rửa tay không được dưới 20 giây. Ngay cả việc sát khuẩn tay thì cũng tuân thủ các bước giống quá trình rửa tay. Chứ không phải chỉ cầm lọ xịt lên lòng bàn tay vì những tác nhân gây bệnh có thể nằm ở những phần khác của tay.
Video hướng dẫn cách rửa tay đúng cách phòng ngừa virus corona
Đeo khẩu trang, có thể dùng khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải thông thường. Các bà bầu hoàn toàn có thể sử dụng khẩu trang vải thông thường, nếu được sát khuẩn bằng nano bạc thì càng tốt, nhưng không nên chủ quan là dùng sát khuẩn đó thì không cần giặt khẩu trang. Khi đeo khẩu trang thì tuyệt đối không sờ vào phần trước của khẩu trang. Khẩu trang phải kín miệng mũi.
Ở trong nhà không có ai bị bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, xung quanh nhà đã đảm bảo sạch sẽ vệ sinh thường xuyên, thì không cần phải đeo khẩu trang trong nhà. Trong nhà không có mối nguy tiếp xúc với những người nghi ngờ mắc bệnh, cũng không có những người có những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, những bệnh lây qua đường hô hấp thì không cần thiết phải đeo khẩu trang để cho các mẹ bầu được thoải mái.
Vì nếu đeo khẩu trang mà không đúng thì nguy cơ với sức khỏe cao hơn nhiều so với việc không đeo khẩu trang. Ngoài ra còn cần để ý đến dinh dưỡng, giấc ngủ, nước uống…
Mẹ bầu cũng cần Hạn chế đến những nơi có nhiều mối nguy liên quan đến COVID, nơi đông người. Nếu không cần thiết thì không nên đi. Nếu bắt buộc phải đi thì cần đeo khẩu trang và sử dụng các loại nước để rửa tay, sát khuẩn nhanh… Để hỗ trợ cho việc bảo vệ sức khỏe của mình.
Tăng cường sức đề kháng như thế nào trong mùa COVID – 19
Nếu thực hành chế độ dinh dưỡng đúng thì chắc chắn sức đề kháng của chúng ta sẽ cao hơn và giảm thiểu nguy cơ bị mắc bệnh.
Thiếu vi chất dinh dưỡng → rối loạn điều hòa phản ứng kháng thể → ức chế miễn dịch → cơ thể dễ nhiễm trùng, dễ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong tăng.
Khi bị nhiễm trùng → thay đổi con đường trao đổi chất → giảm lượng chất dinh dưỡng hấp thu, tăng tổn thất và can thiệp vào việc sử dụng dưỡng chất → làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.
Nếu khi đi khám thai bác sĩ vẫn bảo là thai đang tăng trưởng tốt, mẹ không có vấn đề về sức khỏe như huyết áp không lên, đường huyết không lên, không bị thiếu các vi khoáng, không thiếu canxi, cũng không có những cơn bị vọp bẻ khi mang thai… thì chúng ta tiếp tục thực hành chế độ dinh dưỡng mà chúng ta vẫn đang thực hành.
Ngoài ra chúng ta cần nâng cao sức đề kháng hơn trong mùa dịch, chế độ ăn được các bác sĩ khuyến cáo là:
– Cung cấp đủ năng lượng.
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu vẫn ăn như bình thường. Trường hợp nghén thì chọn thực phẩm phù hợp hơn, chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Từ tháng thứ hai, thứ ba, có nghĩa là lúc mình biết mình đã có bầu rồi, thì sẽ cần ăn thêm 50 kilo-calories trong một ngày thôi, so với bình thường, tương đương với một ly sữa, hoặc ăn thêm cơm với một chút đồ ăn.
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng giữa cần ăn tăng thêm 250 kilo-calories so với khi không mang thai.
+ Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối cần ăn nhiều hơn, tăng khoảng 450 kilo-calories so với người bình thường.
Nếu không đủ năng lượng thì tất cả các tế bào, trong đó có tế bào bạch cầu – tạo ra các kháng thể cho cơ thể – sẽ hoạt động không hiệu quả. Tế bào hồng cầu cũng không tăng trưởng được tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
– Tăng thêm lượng chất đạm. Chọn lượng chất đạm từ động vật để hấp thu, tiêu hóa tốt. Vì thành phần của các kháng thể chính là polypeptide, được tạo ra từ chất đạm. Tuyệt đối không được ăn hoàn toàn chất đạm có nguồn gốc từ thực vật, vì sẽ bị thiếu chất.
– Tăng thêm chất béo thiết yếu. Thành phần chính của màng tế bào bạch cầu – tế bào tuyến đầu để tiêu diệt virus, vi khuẩn – cũng được cấu tạo từ axitamin, axit béo thiết yếu. Phụ nữ mang thai cần ăn đủ chất béo, ưu tiên thực phẩm có chứa chất béo omega 3, vì omega 3 sẽ giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn.
– Không được ăn giảm chất bột đường, vì hồng cầu bạch cầu sẽ hoạt động không hiệu quả, sức đề kháng của chúng ta sẽ bị tác động xấu.
– Ăn đủ vitamin để nâng cao sức đề kháng, bên cạnh việc giúp thai nhi phát triển tốt, đó là vitamin A, vitamin B, trong đó quan trọng là B1 và B9, vitamin C, Vitamin D, vitamin E. Ăn đủ các chất khoáng, quan trọng nhất là sắt, kẽm, selen, iot và canxi. Đây là những loại vitamin và khoáng chất giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động hoàn hảo.
Do nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai tăng cao, thực phẩm hàng ngày khó lòng cung cấp đủ, nên các bác sĩ sẽ kê thêm cho các bà bầu thuốc bổ, vitamin bổ sung… để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và con. Các mẹ bầu nên uống bổ sung những vitamin và khoáng chất này, không nên chỉ bổ sung mỗi sắt, canxi và axit folic.