Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ bị chàm ở trẻ em, theo nghiên cứu mới về tác động của các chương trình được thiết kế để hỗ trợ các phụ nữ làm mẹ lần đầu cho con bú.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh nên được cho bú sữa mẹ trong sáu tháng để giúp bảo vệ chúng tránh nhiễm trùng, ngăn ngừa dị ứng và cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng. Nhưng nhiều phụ nữ từ bỏ việc thực hành cho con bú ngay sau khi sinh – một tình huống thường xảy ra do thiếu hỗ trợ cho các bà mẹ mới. Ví dụ, Vương quốc Anh có tỷ lệ cho con bú sữa mẹ thấp nhất trên thế giới, với chỉ 1% trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.
Các chuyên gia nói rằng nghiên cứu mới nhất nhấn mạnh lợi ích của sữa mẹ và các chương trình khuyến khích thực hành, phát hiện ra rằng trẻ em được sinh tại một bệnh viện có thực hiện chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ đã giảm được 54% nguy cơ bệnh chàm.
Carsten Flohr, đồng tác giả của nghiên cứu từ trường King’s College London chia sẻ: “Có vẻ như từ thử nghiệm, chúng ta có thể nói rõ ràng rằng thúc đẩy việc cho con bú mẹ hoàn toàn là có lợi, nhưng dường như không có lợi ích gì thêm khi cho bú hoàn toàn hơn ba tháng đầu đời nếu xét về tác dụng bảo vệ khỏi bệnh chàm ở tuổi vị thành niên”.
Viết trên tạp chí JAMA Pediatrics, Flohr và cộng sự mô tả cách họ bắt đầu nghiên cứu vào những năm 1990 tại Belarus, nơi 31 bệnh viện phụ sản – và một phòng khám ngoại trú phụ thuộc mỗi bệnh viện – được phân ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm: thường qui hoặc tham gia vào chương trình cho con bú sữa mẹ.
Các chương trình này đào tạo điều dưỡng, nữ hộ sinh và bác sĩ để khuyến khích và hỗ trợ bà mẹ cho con bú. Các em bé trong nghiên cứu sau đó được theo dõi nhiều đặc điểm khác nhau khi chúng lớn lên để khám phá tác động của chương trình cho con bú – bao gồm chức năng phổi, hen suyễn và bệnh chàm.
Trong khi các bản câu hỏi tự báo cáo đã được các trẻ em hoàn thành cho cả ba vấn đề sức khỏe, một cuộc kiểm tra da cũng được thực hiện cho bệnh chàm, và kiểm tra hơi thở cho sức khỏe của phổi. Kết quả thu được từ 13.557 người 16 tuổi cho thấy chỉ có 0,3% trẻ sinh tại các bệnh viện và phòng khám tham gia vào sáng kiến giáo dục có dấu hiệu bị chàm, so với 0,7% trẻ sinh tại bệnh viện chăm sóc thường qui.
Những phát hiện từ các bản câu hỏi tự báo cáo không cho thấy những lợi ích rõ ràng như vậy. Phân tích sâu hơn, xem xét hiệu quả của thời gian cho con bú, thấy rằng không có lợi ích bổ sung cho bệnh chàm khi bú mẹ hoàn toàn trong hơn 3 tháng.
Nghiên cứu cũng cho thấy 39% bà mẹ tại các địa điểm mà chương trình giáo dục được thực hiện thì cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong khoảng từ 3 đến 6 tháng, so với chỉ hơn 6% bà mẹ ở nơi không tiếp xúc với chương trình.
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng bệnh chàm ít phổ biến ở Belarus hơn là ở Tây Âu hoặc Bắc Mỹ, có nghĩa là tác dụng bảo vệ của việc cho con bú có thể không rõ ràng ở những nước đó. Giáo sư Neena Modi, chủ tịch của Viện Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia, cho biết nghiên cứu mới nhấn mạnh rằng việc cho con bú mang lại lợi ích, nhưng không nên phóng đại và xem các bà mẹ như là “quỷ dữ” nếu họ không thực hành.
Nhưng Hans Bisgaard, giáo sư nhi khoa tại Đại học Copenhagen, cho biết cho con bú dường như chỉ đóng một vai trò nhỏ, nếu có, trong việc bảo vệ chống lại bệnh chàm, chỉ ra rằng những đứa trẻ được bú sữa mẹ và không có điều kiện bú mẹ tiếp thì có thể được chuyển sang đánh giá tiếp theo.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Amy Brown, một chuyên gia về dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh tại Đại học Swansea, nói rằng chính phủ nên lưu ý và cung cấp cho các bà mẹ mới nhiều sự hỗ trợ hơn. “Đây là một nghiên cứu hấp dẫn cho chúng ta biết thêm rằng cách thức trẻ sơ sinh được cho ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng,” cô nói. “Điều đặc biệt thú vị là nghiên cứu này xem xét sức khỏe ở tuổi vị thành niên, có nghĩa là cho con bú bảo vệ trẻ em lâu dài, chứ không chỉ đơn giản là khi chúng được bú sữa mẹ.”
Nguồn: Flohr C, Henderson AJ, Kramer MS, Patel R, Thompson J, Rifas-Shiman SL, Yang S, Vilchuck K, Bogdanovich N, Hameza M, Martin RM, Oken E. Effect of an Intervention to Promote Breastfeeding on Asthma, Lung Function, and Atopic Eczema at Age 16 YearsFollow-up of the PROBIT Randomized Trial. JAMA Pediatr.Published online November 13, 2017