Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Trong sữa mẹ có chứa nhiều dưỡng chất mà những thực phẩm khác không thể có được. Nhưng nếu mẹ đang bị cách ly vì có khả năng mắc Covid-19, con có thể bú sữa mẹ không?
Mục lục
- Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19, con có thể bú sữa mẹ không?
- Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19, có cần cách ly mẹ với con không?
- Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19 thì cần lưu ý gì để ngăn ngừa sự lây nhiễm qua con?
- Nếu mẹ đã mắc COVID 19 thì có cho con bú được không?
- Phòng tránh lây nhiễm COVID 19 cho trẻ sơ sinh
Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19, con có thể bú sữa mẹ không?
Sữa mẹ không những cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, mà còn có những chất đặc biệt chống lại được các loại virus như kháng thể và các thành phần miễn dịch khác. Sữa mẹ có hiệu quả phòng ngừa nhiễm nhiều loại siêu vi, trong đó có siêu vi gây bệnh cúm mùa (influenza virus), tiêu chảy (rotavirus), viêm đường hô hấp (RSV) và bại liệt (polio virus)…
Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có những axít béo đặc biệt và một số loại monoglycerides giúp sữa mẹ có tác dụng chống lại virus. Các thành phần chất béo kháng virus này không bị huỷ khi đun nóng sữa mẹ lên.
Đặc biệt hơn, bản thân bà mẹ có sẵn rất nhiều kháng thể chống lại bệnh tật khác nhau. Nếu mẹ bị nhiễm virus, thì trong sữa mẹ sẽ có kháng thể chống lại virus đó, kháng thể mẹ được truyền qua con khi bé bú mẹ, giống như bé được tiêm ngừa vaccine vậy.
Chẳng may mẹ đang bị cách ly vì nghi nhiễm COVID-19 thì có thể cho con bú không? Câu trả lời của các bác sĩ là không cần phải ngưng cho bú. Nhiều nghiên cứu xác nhận virus không lây qua sữa mẹ mà lây qua giọt bắn khi ho, hắt hơi hoặc qua bàn tay dính nước mũi hoặc dịch họng do chạm vào mũi và miệng.
Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19, có cần cách ly mẹ với con không?
Không cần cách ly mẹ – con và tiếp tục cho bú mẹ. Nếu bé nhẹ ký, sinh non thì vẫn chăm sóc bé bằng phương pháp da kề da, tức đặt bé nằm trên người mẹ, da bé kề da ngực của mẹ; cho bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sanh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên.
Nếu mẹ đang bị cách ly vì COVID 19 thì cần lưu ý gì để ngăn ngừa sự lây nhiễm qua con?
Các bác sĩ khuyên người mẹ phải mang khẩu trang thường xuyên, không chạm tay vào khẩu trang khi đã mang vào, rửa tay đủ 6 bước theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới, bằng nước và xà phòng trước khi chạm vào con hay chạm các bề mặt mà trẻ tiếp xúc như áo quần, khăn, ly tách…, Khi hắt hơi hoặc ho phải che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng khuỷu tay và rửa ngay sau đó.
Nếu mẹ đã mắc COVID 19 thì có cho con bú được không?
Nếu mẹ xác định mắc COVID 19 và có triệu chứng hô hấp phải mang khẩu trang y tế khi cho trẻ bú mẹ và chăm sóc theo phương pháp Kangaroo, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc trẻ, thường xuyên rửa và sát khuẩn các bề mặt đã chạm vào.
Nếu mẹ mắc COVID 19 nặng hoặc có biến chứng thì tạm thời cách ly mẹ – con, nhưng phải vắt sữa gửi ra cho bé bú. Trong quá trình chuyển sữa cho con phải đảm bảo an toàn, không để bình sữa, cốc, ly… dính phải virus COVID 19. Khi bệnh tình của mẹ ổn thì tiếp tục cho bé tiếp xúc trực tiếp với mẹ và tiếp tục cho bú mẹ.
Nếu trẻ bị cúm, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ cho rằng trẻ vẫn nên được bú mẹ. Bởi lẽ, khi trẻ bệnh thì sữa mẹ ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn bổ sung kháng thể, các thành phần miễn dịch khác giúp bé mau khỏi bệnh. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có nhiều nước và vitamin là những thứ trẻ đang bệnh cần được bổ sung.
Phòng tránh lây nhiễm COVID 19 cho trẻ sơ sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ
Như đã đề cập ở trên, sữa mẹ chính là nguồn kháng thể dồi dào. Do đó, cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất giúp tăng sức đề kháng trẻ sơ sinh lúc này là tiếp tục cho con bú mẹ thường xuyên. Nếu trẻ đã ở độ tuổi ăn dặm, mẹ cần cân đối các loại thực phẩm, rau củ sao cho vừa phong phú vừa đủ chất. Và đừng quên thường xuyên cho con uống thêm nước ấm.
Giữ gìn cho mẹ là phòng tránh cho con
Nguồn lây trực tiếp với trẻ là người mẹ. Để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho trẻ, mẹ nên hạn chế đến nơi đông người, tránh đi vào vùng công bố dịch hoặc đã có người nhiễm COVID-19, luôn đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài, hạn chế chạm tay vào đồ vật nơi công cộng. Thực hiện vệ sinh tay chân, toàn thân, thậm chí thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ.
Bổ sung không đủ các vitamin và nguyên tố vi lượng có thể dẫn đến ức chế miễn dịch, dễ nhiễm trùng và làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng. Mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường cả ba mức độ miễn dịch, hỗ trợ hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Dưỡng chất nào được lựa chọn để tăng cường miễn dịch?
– Axít béo Omega-3 (DHA,EPA) đóng vai trò quan trọng trong màng tế bào và các vị trí gắn thụ thể liên kết các hormone, chất dẫn truyền thần kinh. Việc bổ sung DHA và EPA giúp phát triển toàn diện hệ thần kinh và miễn dịch. Tăng cường chức năng chống viêm, tăng chức năng của các tế bào B miễn dịch. Phản ứng này giúp hệ miễn dịch duy trì hoạt động cân bằng, đồng bộ và chính xác, cần thiết cho sức khỏe lâu dài.
– Vitamin A, C, E và kẽm, Omega 3: hỗ trợ tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ (da/ niêm mạc, dịch tiết)
– Omega 3, các vitamin A, B6, B12, C, D, E, axit folic và các nguyên tố vi lượng (sắt, kẽm, đồng, selen) hoạt động phối hợp để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ của tế bào miễn dịch.
– Omega 3 và tất cả các vi chất dinh dưỡng trên đều cần thiết cho việc sản xuất kháng thể.
Đồng thời, mẹ cũng cần giữ ấm cơ thể, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, khô thoáng bởi virus hoạt động yếu hơn khi nhiệt độ nóng. Cẩn thận hơn mẹ có thể lau sàn nhà, rửa đồ chơi của con bằng các loại nước sát khuẩn. Hạn chế thăm nom, ôm ấp và hôn trẻ vì bệnh rất dễ lây qua đường giọt bắn.
Tiêm phòng cho bé đầy đủ và đúng lịch
Mặc dù hiện nay chưa có vắc xin ngừa COVID-19 nhưng việc tiêm phòng các vắc xin khác theo đúng lịch vẫn là điều vô cùng cần thiết. Tiêm vacxin đầy đủ sẽ giúp bé tránh được các bệnh nguy hiểm và sẽ có được sức khỏe tốt nếu chẳng may bị nhiễm COVID 19.
Procarevn.vn tổng hợp