Hiểu rõ tác động của tình trạng ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ của cả mẹ lẫn bé sẽ giúp bạn thực hiện các biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa phù hợp.
Mục lục
Nguy hại từ ô nhiễm không khí đến sức khỏe bà bầu
Ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ
Khi mang thai, khả năng miễn dịch của người mẹ suy giảm, vì vậy tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm trong không khí có thể gây khó chịu, mệt mỏi.
Các chất gây ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi, gây kích ứng khí quản và dẫn đến đau tức ngực, khó thở… Nếu tiếp xúc với ô nhiễm không khí thường xuyên trong thời gian dài, bà bầu sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, khí phế thũng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư phổi.
Các triệu chứng đau tức ngực, khó thở có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu phụ nữ mang thai bị hen suyễn. Cụ thể, bà bầu bị hen suyễn sẽ có nguy cơ cao mắc chứng tiền sản giật – tình trạng huyết áp tăng cao trong thai kỳ, dẫn tới suy giảm chức năng gan, thận.
Ảnh hưởng tới thai nhi
Các nhà nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với các hạt ô nhiễm không khí nhỏ ngay từ khi còn trong bụng mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não, thậm chí còn làm suy giảm chỉ số IQ của trẻ. Theo các nhà khoa học: các hạt bụi độc hại có thể đi qua nhau thai, gây tổn thương não trực tiếp.
Việc tiếp xúc với những chất ô nhiễm có thể làm co mạch máu, gây hạn chế lưu lượng máu đến tử cung và làm mất khả năng cung cấp ôxy cũng như các chất dinh dưỡng, khiến thai nhi chậm phát triển. Điều này cũng có thể gây ra một số biến chứng thai kỳ phổ biến như thai chậm tăng trưởng trong tử cung.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong thời đầu của thai kỳ có ảnh hưởng đáng kể đối với hệ tuần hoàn của thai nhi, đặc biệt là động mạch chính và tĩnh mạch rốn. Việc tiếp xúc về sau cũng gây ảnh hưởng chủ yếu tới kích thước của thai nhi do lưu lượng máu hạn chế từ người mẹ sẽ làm mất khả năng dinh dưỡng bào thai vào giai đoạn cuối.
Tiếp xúc với ô nhiễm không khí trước khi mang thai dẫn tới có khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh cao hơn gần 20%, phụ nữ dễ sinh con bị dị tật hở hàm ếch hoặc môi.
Nguy hiểm nhất là từ những hạt bụi nano. Dù chỉ là một lần tiếp xúc với những hạt bụi nano cũng sẽ làm suy giảm chức năng của các động mạch trong tử cung. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc tiếp xúc vào cuối thai kỳ cũng có thể hạn chế lưu lượng máu của cả mẹ và bé, và tiếp tục ảnh hưởng trẻ cho đến khi trưởng thành.
Đến năm 2025, lượng hạt titan dioxit cỡ nano được sản xuất hằng năm trên toàn thế giới được dự đoán sẽ đạt 2,5 triệu tấn. Ngoài việc là một thành phần trong không khí ô nhiễm, titan dioxit còn thường được ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem chống nắng và phấn phủ.
Đầu tháng thứ nhất và cuối tháng thứ ba của thai kỳ chính là những thời điểm mà các chất ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới hệ tim mạch của mẹ và thai nhi.
5 tip giúp mẹ bầu tránh xa ô nhiễm không khí
Cẩn thận các nguồn hơi độc có trong nhà
Cần kiểm tra các nguồn hơi độc có thể có trong nhà bạn như: bếp than, khí thải xe ô tô. Không nên khởi động xe trong gara, đun bếp than, dùng bếp than để sưởi khi đang đóng kín cửa.
Tránh xa khói thuốc lá
Khói thuốc là một chất gây ô nhiễm có thể làm hại trầm trọng sức khỏe thai nhi và gây dị tật bẩm sinh. Vì vậy mẹ bầu nên tránh xa những nơi chứa khói thuốc lá, hãy yêu cầu gia đình, khách trong nhà hoặc đồng nghiệp không hút thuốc khi gần bạn
Tránh xa không khí ô nhiễm
Nếu nhận được cảnh báo ô nhiễm trong khu vực sinh sống, mẹ bầu nên hạn chế ra ngoài, nên ở trong nhà đóng cửa sổ và bật điều hòa.
Không chạy, đi bộ trên đường có nhiều xe lưu thông
Không nên chạy, đi bộ trên đường cao tốc có lưu lượng giao thông cao, bởi dù thời tiết có như thế nào nhưng khi hoạt động mẹ bầu sẽ hít thở nhiều hơn trong không khí bị ô nhiễm.Nên đi bộ trong công viên hoặc khu vực dân cư có lưu lượng giao thông đi lại ít hoặc có nhiều cây xanh giúp không khí trong lành hơn.
Đóng van bếp ga sau khi sử dụng
Và một điều nhỏ nữa nhưng rất có ích đó là hãy chắc chắn rằng bếp ga trong nhà luôn được đóng van an toàn và đúng cách sau khi sử dụng
Những phát hiện về ô nhiễm không khí cho thấy những phụ nữ mang thai, những người đang trong độ tuổi sinh đẻ, và có thể có con, cũng như những người đang điều trị sinh sản, nên tránh những nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao, hoặc nên ở trong nhà vào những ngày khói bụi dày đặc, để giảm mức phơi nhiễm. Áp dụng 5 tip giúp tránh xa bầu không khí ô nhiễm sẽ giúp mẹ bầu bảo vệ sức khỏe của mình và thai nhi được tốt hơn.
Theo Procarevn.vn