Vàng da sơ sinh là một triệu chứng thường gặp ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây nên. Vàng da do lượng Bilirubin tăng > 120 µmol/l (>7mg/dl) trong máu trẻ sơ sinh. Hồng cầu của trẻ sơ sinh bị vỡ phóng thích một lượng lớn chất Bilirubin có sắc tố vàng. Chính sự gia tăng của chất này làm da có màu vàng.
Có 2 loại vàng da: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý
1. Vàng da sinh lý:
Xuất hiện từ ngày thứ 3 sau đẻ, xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh với vàng da nhẹ vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn. Vàng da không kết hợp với các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…). Nồng độ bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng, không quá 14mg% ở trẻ non tháng và tốc độ tăng bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Toàn trạng trẻ ổn định.
Nguyên nhân gây vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ của bilirubin, một chất có màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ giải phóng ra. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của bé lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết bilirubin khỏi máu vì vậy gây nên vàng da. Khi bé được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.
2. Vàng da bệnh lý:
Chiếm tỷ lệ khoảng 25-30%. Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng; mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có xuất hiện các triệu chứng bất thường khác (trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật…). Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng cao hơn mức sinh lý.
Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do Bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Dựa vào thời gian xuất hiện vàng da, vị trí vàng da và cân nặng của trẻ để phân loại mức độ vàng da.
Ngày tuổi | Vị trí vàng da | Mức độ | Thái độ xử trí |
Ngày 1 | Bất cứ vị trí nào | Vàng da nặng | Đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế |
Ngày 2 | Cánh tay và cẳng chân | Vàng da nặng | |
Ngày 3 | Bàn tay và chân | Vàng da nặng |
Dấu hiệu nhận biết vàng da ở trẻ sơ sinh
Chứng vàng da dễ dàng nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng tự nhiên. Vì vậy hàng ngày mẹ cần quan sát toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hoặc đen) có thể ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn sẽ có màu vàng rõ rệt.
Phòng bệnh
- Trẻ bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn sau đẻ vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa.
- Hàng này theo dõi da của trẻ để phát hiện kịp thời sự lan rộng của vùng vàng da.
- Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị.
> Xem thêm : Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh – Phần 1 : Ổn định thân nhiệt cho trẻ sơ sinh
Nhóm tác giả Trung tâm chăm sóc và điều trị Sơ sinh –
Bệnh viên Phụ sản Trung Ương
(BSCK II. Nguyễn Ngọc Lợi, TS. Lê Minh Trác,
ThS. Trần DIệu Linh, BS. Đinh Phương Anh)