Khi mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ bị suy giảm dẫn tới dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Sau đây là 7 bệnh nhiễm trùng thường gặp ở phụ nữ mang thai, nếu biết cách, bà bầu hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Hệ miễn dịch suy yếu của bà bầu tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh
1. Viêm âm đạo do vi khuẩn
Đây là loại nhiễm trùng âm đạo rất phổ biến ở chị em mang thai. Nguyên nhân của tình trạng nhiễm trùng này là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trú ngụ trong âm đạo. Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể khiến người mẹ sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân khi được sinh ra.
Triệu chứng
– Dịch âm đạo có màu vàng đục hoặc trắng, có mùi hôi hoặc tanh.
– Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
– Một số phụ nữ có thể không gặp triệu chứng nào.
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Nếu thấy có các triệu chứng trên khi đang có thai, bạn nên ngừng việc quan hệ tình dục và đi khám sớm. Dựa vào tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.
2. Nhiễm trùng Cytomegalovirus (CMV)
Cytomegalovirus là một loại virus cự bào ( tên gọi tắt là CMV ) ít được nhắc đến như Rubella, cúm, nên không ít bà mẹ hoàn toàn không biết đến, nhưng nó là một nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi. CMV thuộc họ virus Herpes. Với trưởng thành có sức khỏe bình thường thì việc nhiễm CMV hầu như không gây nên bất kỳ ảnh hưởng nào lớn đến sức khỏe, nhưng với người đang có hệ miễn dịch suy giảm và với phụ nữ có thai ( đặc biệt trong 3 tháng đầu ) thì việc nhiễm CMV lại là rất nghiêm trọng.
Người mẹ bị nhiễm CMV có thể lây truyền sang thai nhi dẫn đến hậu quả là thai nhi bị mất thính giác, giảm thị lực và các khuyết tật khác.
Triệu chứng
– Nếu bệnh nhẹ thì triệu chứng có thể bao gồm sốt, đau họng, mệt mỏi, sưng các tuyến….
– Một số phụ nữ không có triệu chứng cụ thể nào khi nhiễm virus này
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Giữ vệ sinh sạch sẽ là cách tốt nhất để tránh bị nhiễm CMV. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho trường hợp nhiễm virus này. Nếu không may người mẹ bị nhiễm virus CMV này thì các bác sĩ sẽ cân nhắc việc nên bỏ hay giữ em bé lại.
3. Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (Group B strep – GBS)
Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo và trực tràng của phụ nữ khỏe mạnh. Cứ 4 người phụ nữ thì 1 người có vi khuẩn này. GBS thường không gây hại cho bạn, nhưng khi bạn có thai và nhiễm liên cầu khuẩn này, nó có thể lây truyền sang bé trong quá trình chuyển dạ, sinh nở và thậm chí gây tử vong cho em bé.
Triệu chứng
Cho dù bị nhiễm vi khuẩn nhóm này thì người phụ nữ cũng không có biểu hiện gì cụ thể hay đặc biệt, kể cả lúc mang thai, vì vậy việc phát hiện bệnh qua dấu hiệu bên ngoài không dễ dàng gì. Bệnh chỉ có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm cần thiết.
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Khi mang thai tơi tuần 35 – 37, bạn nên làm các xét nghiệm để biết mình có nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B không. Nếu không may bị nhiễm vi khuẩn này, bạn có thể phòng ngừa cho con bằng cách đề nghị bác sĩ giúp làm sạch âm đạo và trực tràng. Hãy nói với bác sĩ về tình trạng của mình để được chú ý hơn trong quá trình sinh nở.
4. Nhiễm virus viêm gan B (HBV)
Người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B hoàn toàn có thể truyền bệnh sang con trong khi sinh. Trẻ bị nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến tổn thương gan và ung thư gan. Vì vậy, sau khi sinh, tùy theo điều kiện sức khỏe, trẻ sẽ được tiêm phòng HBV để ngừa bệnh.
Triệu chứng
Người nhiễm virus viêm gan B có thể có triệu chứng hoặc không. Các triệu chứng có thể bao gồm:
– Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
– Nước tiểu sậm màu và đi tiêu nhạt màu.
– Củng mạc mắt và da có màu vàng.
Phòng ngừa và điều trị
Xét nghiệm là cách tốt nhất để biết bạn có bị nhiễm HBV không và có hướng phòng bệnh cho con. Em bé sau khi sinh cũng cần được tiêm phòng HBV sớm.
5. Nhiễm cúm
Cúm là một bệnh do nhiễm virus gây ra. Người phụ nữ bị nhiễm cúm khi mang thai cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho thai nhi, ví dụ như sinh sớm, sinh non hoặc gây dị tật thai nhi.
Triệu chứng
– Sốt (đôi khi) hoặc cảm thấy sốt/ ớn lạnh
– Ho, đau họng
– Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
– Nhức mỏi cơ thể.
– Đau đầu
– Cảm thấy mệt mỏi
– Nôn mửa và tiêu chẩy (đôi khi)
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Việc tiêm phòng cúm là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc bảo vệ bạn chống lại bệnh cúm. Nếu bạn bị bệnh giống với triệu chứng của cúm, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc kháng virus để điều trị cúm.
6. Nhiễm trùng Toxoplasmosis
Bệnh nhiễm trùng này là do một loại ký sinh trùng toxoplasma. Loại kí sinh trùng này được tìm thấy trong phân mèo, đất và thịt sống, hoặc thịt nấu chưa chín. Người mẹ bị nhiễm toxoplasma có thể lây sang cho con, gây ra mất thính giác, khiếm thị, hoặc thiểu năng trí tuệ ở thai nhi.
Triệu chứng
Bệnh có thể có các triệu chứng như nhiễm cúm hoặc không có triệu chứng cụ thể nào rõ ràng.
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm toxoplasmosis bằng cách:
– Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm đất hoặc thịt sống
– Rửa tay trước khi ăn
– Nấu chín thịt hoàn toàn
– Rửa dụng cụ nấu ăn với nước xà phòng nóng
– Tránh tiếp xúc với phân mèo, lông mèo
7. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) là bệnh mà rất nhiều chị em mắc phải khi mang thai. Thời gian này bàng quang bị chèn ép nên không kiểm soát tốt việc tiểu tiện, dễ dẫn đến rò tiểu và nhiễm trùng đường tiểu. Nếu không điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng đến thận và khiến bạn sinh non.
Triệu chứng
– Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
– Đi tiểu thường xuyên
– Đau xương chậu, lưng, bụng.
– Run rẩy, ớn lạnh, sốt đổ mồ hôi
Phòng ngừa và điều trị bệnh
Phụ nữ khi mang thai cần kiểm tra nước tiểu định kỳ 3 tháng một lần. Không nên cố nhịn khi muốn đi tiểu, nên đi tiểu ngay sau khi giao hợp, vệ sinh vùng âm hộ – hậu môn hàng ngày và sau khi đi đại tiện, nên vệ sinh từ trước ra sau dưới vòi nước. Ngoài ra cần uống đầy đủ nước để giúp nước tiểu không cô đặc phòng sỏi hệ tiết niệu.
Cẩm nang mang thai và sinh con
(Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương)
Thanh bình luận
Khi mới mang thai đuoc 10tuan thù e bị thuỷ đậu e có uống thuôc không biết có ảnh huong nhiều tới thai nhu k ạ
Procarevn.vn bình luận