Khi mang thai sức khỏe của bà mẹ vô cùng quan trọng, mẹ có khỏe thì thai nhi mới phát triển tốt được. Sau đây Procare xin được bật mí với các mẹ 5 bí quyết tăng sức đề kháng cho bà bầu, giúp mẹ và bé yêu luôn khỏe mạnh và tránh xa bệnh tật.
Hệ miễn dịch suy yếu khiến mẹ bầu dễ mắc bệnh
1. Chế độ dinh dưỡng khoa học
Nhu cầu về dinh dưỡng của phụ nữ mang thai cao hơn nhiều so với người bình thường. Do vậy, các mẹ cần chú ý đến chế độ ăn cung cấp đủ năng lượng và các chất cần thiết. Tình trạng ốm nghén khi mang bầu có thể khiến nhiều mẹ không ăn uống được dẫn đến suy giảm sức đề kháng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Hãy thử áp dụng một số biện pháp Đối phó với tình trạng nghén khi mang bầu để đảm bảo cơ thể mẹ vẫn nhận được đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, để tăng sức đề kháng cho cơ thể, trong các bữa ăn hàng ngày, mẹ bầu nên bổ sung một số loại thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm giàu vitamin C: bổ sung vitamin C thường xuyên giúp mẹ giảm nguy cơ mắc các bệnh thông thường đến 50%. Không chỉ nâng cao miễn dịch cho mẹ bầu, vitamin C còn giúp phát triển chức năng phổi của bé cưng trong bụng. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: họ hàng nhà cam, dâu, ổi, kiwi, dứa, nho…
- Thực phẩm giàu kẽm: kẽm có vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Bổ sung thêm kẽm qua các thực phẩm như thịt bò, ức gà, hàu, củ cải, trứng gà, khoai lang, … giúp tăng cường chức năng của các tế bào bạch cầu, tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, vius gây ra.
- Thực phẩm giàu Omega-3: các axit béo Omega-3, đặc biệt là DHA và EPA giúp chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch cho cả mẹ và bé. Nghiên cứu cho thấy những em bé được sinh ra bởi các mẹ có bổ sung đủ DHA có tỉ lệ mắc bệnh dị ứng, hen, eczema thấp hơn so với nhóm không bổ sung.
- Thực phẩm giàu sắt như thịt bò, lợn, gà, lòng đỏ trứng, cần tây, rau chân vịt, mộc nhĩ, nấm hương, mè, tía tô… giúp mẹ bầu không bị mệt mỏi vì thiếu máu.
Xem thêm: Ăn gì để tăng sức đề kháng cho bà bầu?
2. Vận động thường xuyên
Khi mang thai, cơ thể mẹ phải làm việc vất vả để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng bào thai, vì vậy không có gì lạ khi bạn cảm thấy mệt mỏi như bị rút hết sức lực. Vận động nhẹ nhàng và hợp lý sẽ đem lại một nguồn năng lượng tràn đầy cho mẹ bầu. Các bài tập yoga, đi bộ, bơi lội…giúp cơ thể các mẹ trở lên dẻo dai, tinh thần sảng khoái, tăng sức chịu đựng, tuần hoàn máu tốt và tăng cường hệ miễn dịch.
Duy trì chế độ tập luyện thường xuyên sẽ giúp các mẹ bầu tăng cường sức đề kháng rõ rệt. Bên cạnh đó, vận động còn giúp mẹ giảm các triệu chứng trong thai kỳ như chuột rút, phù chân, trĩ và giúp công cuộc chuyển dạ được thuận lợi hơn.
Các mẹ cần lưu ý không nên tập những động tác mạnh, khó hay vận động quá sức sẽ gây tác động không tốt cho thai nhi. 15-30 phút tập thể dục mỗi buổi sáng hoặc chiều là đủ các mẹ nhé.
3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh
Sinh hoạt lành mạnh giúp cơ thể luôn ở trong trạng thái tốt để chống lại bệnh tật. Dưới đây là những biện pháp duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý cho mẹ bầu:
- Ăn đúng bữa, chia đều thành các bữa nhỏ trong ngày để cơ thể dễ hấp thu.
- Lựa chọn thực đơn phong phú để cung cấp đủ chất.
- Loại bỏ những chất có thể gây hại cho cơ thể mẹ và thai như rượu, cafe, thuốc lá, đồ ăn chưa chín.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc
- Giữ tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, stress.
- Uống đủ nước: thiếu nước thì cơ thể càng khó đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, hệ miễn dịch không đủ điều kiện để phục hồi. Do đó, mẹ bầu nên uống khoảng 2,5 lít nước/ ngày để cơ thể được cung cấp đầy đủ nước.
4. Tiêm phòng các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi mang thai.
Phụ nữ mang thai là đối tượng có hệ miễn dịch bị suy yếu và nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao hơn so với người bình thường. Một số bệnh lây nhiễm trong thời gian mang thai có thể gây ra các dị tật cho thai nhi hoặc sẩy thai như: sởi, rubella, quai bị, thủy đậu… Tiêm phòng trước khi mang thai là cách tốt nhất để bảo vệ cả mẹ và con khỏi những yếu tố gây bệnh nguy hiểm. Vắc xin phòng bệnh sẵn có và có thể thực hiện ở các cơ sở y tế một cách dễ dàng, vì vậy các mẹ đừng bỏ qua biện pháp phòng bệnh hữu hiệu này nhé.
Tham khảo: Những lưu ý khi tiêm phòng trước khi mang thai.
5. Chủ động bảo vệ sức khỏe của mình
Chúng ta không thể kiểm soát được các tác nhân gây bệnh trong môi trường xung quanh nhưng hãy ngăn ngừa chúng xâm nhập vào cơ thể bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với những người đang nhiễm bệnh. Nếu bạn đang ngồi gần họ nơi công cộng, hãy cố gắng chuyển sang một chỗ khác để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh.
- Hạn chế đi lại giữa đám đông (xe bus, tàu…) hoặc những nơi chứa dịch bệnh (bênh viện, vùng dịch), mang theo khẩu trang, kính, găng tay… để phòng bệnh.
- Rửa tay thường xuyên trước và sau khi ăn, sau khi vệ sinh, hoặc ở nơi công cộng về. Tay sạch giúp tránh các bệnh do vi khuẩn, virus lây lan.
Tóm lại: Để đảm bảo sức khỏe và phòng tránh bệnh tật khi mang thai, các mẹ cần chú ý đến các biện pháp giúp tăng cường hệ miễn dịch: ăn uống khoa học, vận động thường xuyên, sinh hoạt lành mạnh, tiêm phòng trước khi mang thai và hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh.
DS. Quách An