Em bé của bạn trong tuần thứ 19 của thai kì
- Ở tuần này, phần não bộ chịu trách nhiệm về thị giác, xúc giác, vị giác và thính giác đang phát triển.
- Chân tóc bắt đầu mọc lên trên da đầu của bé ở thời điểm này.
- Em bé của bạn vẫn còn khá nhỏ, nhưng trong tuần này, cân nặng của em bé sẽ đạt kích thước gần bằng một quả bưởi.
- Nếu đó là bé gái, một con số khổng lồ – 6 triệu quả trứng đã có trong buồng trứng của em bé.
Cơ thể em bé dần cân đối
Tuần này em bé của bạn đã lớn hơn một chút, với chiều dài khoảng 15 cm và nặng khoảng 230 gam. Tay và chân cuối cùng đã cân đối, tế bào thần kinh đang kết nối giữa não và cơ bắp; sụn trong cơ thể được chuyển đến xương. Điều này giúp em bé điều khiển chân tay một cách thuần thục hơn và đó là lý do tại sao bạn có thể đã bắt đầu cảm nhận được em bé đang đá, co duỗi chân tay.
Lớp sáp bảo vệ thai nhi phát triển
Một điều thú vị khác đang diễn ra ở tuần này: một chất bảo vệ được gọi là vernix caseosa đang bao phủ lên da của bé. Đó là chất nhờn màu trắng, được tạo thành từ lông tơ, dầu tiết ra từ các tuyến của bé và cả các tế bào da chết. Nó xuất hiện với mục đích bảo vệ làn da nhạy cảm của bé khỏi dịch ối bao quanh. Nếu không có lớp sáp này, làn da của em bé sẽ rất nhăn nheo khi sinh đấy. Lớp sáp vernix bong ra khi em bé chào đời và bạn có thể có cơ hội được nhìn thấy lớp kem chống nhăn đầu tiên của em bé.
Cơ thể bạn tuần thứ 19
Chuột rút chân
Sau một ngày dài mệt mỏi, bạn đang mong đợi một giấc ngủ ngon. Nhưng cũng như bao nhiêu người mẹ khác, chuột rút chân có thể khiến bạn tỉnh giấc, khó ngủ trong đêm. Những cơn co thắt đau đớn tỏa lên xuống bắp chân rất hay gặp trong suốt tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Chuột rút chân cũng có thể xảy ra vào ban ngày cũng chúng xuất hiện vào buổi tối nhiều hơn.
Không ai biết chắc nguyên nhân của hiện tượng này – mặc dù có rất nhiều những giả thuyết có lý. Nó có thể là do bắp chân của bạn mệt mỏi bởi việc phải nâng đỡ trọng lượng không hề nhỏ của toàn bộ cơ thể. Hoặc là các mạch máu ở chân bị chèn ép bởi tử cung ngày càng phát triển tại tuần 19. Ngoài ra một số chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân của chuột rút có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống, tuy nhiên giả thiết này chưa được chứng minh bởi các nghiên cứu. Dù do bất cứ nguyên nhân gì thì bạn cũng cần giải quyết nhanh chóng tình trạng này để có giấc ngủ ngon vào ban đêm. Một mẹo giúp giải quyết nhanh vấn đề này là: duỗi chân ra và nhẹ nhàng uốn cong bàn chân và các ngón chân về phía cẳng chân của bạn.
Cảm nhận em bé đang đá
Những cú đá nhỏ đầu tiên có thể được cảm nhận bằng nhiều cách khác nhau trong khoảng từ tuần 18 đến tuần 22. Đó có thể chỉ là những đợt rung động hoặc cũng có thể là những cú đá mạnh, hoặc như bong bóng khí trong bụng. Cảm nhận về các cử động của em bé phụ thuộc vào kích thước cơ thể bạn (bạn càng gầy thì càng cảm nhận được sớm), do tử cung (cơ tử cung càng nới lỏng thì càng dễ nhận thấy các cử động), liên quan đến vị trí của em bé (khi em bé quay mặt vào thì khó có thể nhận thấy cú đá). Ngoài ra, sự tính ngày thiếu chính xác khiến bạn nghi ngờ liệu đó có phải cú đá đầu tiên của em bé hay không. Đừng quá để tâm về điều này, khi em bé của bạn đủ lớn để đá một cú ra trò thì chắc chắn sẽ không thể nhầm lẫn được.
Chỉ dẫn khác
- Bạn dễ bị nhiễm nấm trong tam cá nguyệt thứ hai hơn so với các giai đoạn khác. Việc điều trị là cần thiết để giảm các nguy cơ lây bệnh cho em bé, vì vậy bạn nên đến khám bác sĩ khi có các triệu chứng nhiễm nấm.
- Các lớp tiền sản cung cấp rất nhiều kiến thức hữu ích về chế độ dinh dưỡng, những bài tập có ích cho thai kỳ, cách rặn đẻ…Vì vậy hãy sắp xếp thời gian để tham gia, bạn sẽ không lãng phí thời gian của mình đâu.
- Hãy suy nghĩ kỹ trước khi thực hiện siêu âm 3D. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào chỉ ra tác hại của việc siêu âm đối với thai nhi nhưng siêu âm năng lượng cao và kéo dài không nên thực hiện quá thường xuyên.
Triệu chứng phổ biến
Tăng thèm ăn
Tạm biệt những ngày ốm nghén đáng ghét, giờ là lúc bạn tận dụng cơ hội để cung cấp cho em bé những dưỡng chất tốt nhất qua một chế độ ăn lành mạnh.
Táo bón
Bổ sung sắt với hàm lượng cao có thể khiến tình trạng táo bón nặng hơn, thậm chí có thể khiến bạn mắc bệnh trĩ nữa. Vì vậy nếu gặp tình trạng táo bón hãy xem xét đến việc thay thế các viên sắt hàm lượng cao bằng thuốc bổ tổng hợp có hàm lượng sắt vừa phải, đồng thời bổ sung thêm sắt qua các thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau có lá màu xanh đậm…
Hoa mắt chóng mặt:
Tử cung ngày càng phát triển của bạn có thể gây áp lực lên các mạch máu giữa các bộ phận khác trên cơ thể, làm giảm lưu lượng máu đến não, gây ra hiện tượng chóng mặt. Mặc dù chóng mặt là hiện tượng phổ biến khi mang thai nhưng đừng xem nhẹ nó. Hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt để tránh bị ngã và làm tổn thương chính mình hoặc em bé.
Nghẹt mũi:
Sự tăng dịch bài tiết trong mũi làm bạn khó thở? Để tránh gây tổn thương niêm mạc và chảy máu mũi, hãy thử áp dụng một mẹo nhỏ: dùng ngón tay cái che một lỗ mũi rồi thở ra nhẹ nhàng bằng lỗ mũi kia.
Đau dây chằng tử cung:
Các dây chằng hỗ trợ tử cung của bạn đang bị kéo ra vì tử cung càng phát triển, nó có thể ây ra đau nhức bụng dưới. Hãy cố gắng làm cho mình thoải mái nhất có thể, tránh thay đổi tư thế đột ngột gây đau.
Đau lưng:
Khi tử cung của bạn phát triển, bạn có thể thấy trọng tâm dịch chuyển về phía trước làm tăng thêm áp lực lên thắt lưng của bạn. Tránh quá tải cho lưng bằng cách nhờ người khác nâng vật nặng giúp. Nếu bạn phải nâng một cái gì đó hãy chùng gối xuống và từ từ nâng bằng tay và chân của bạn thay vì sử dụng lưng.
Vết rạn da
Khoảng 90% phụ nữ bị rạn da khi mang thai chứ không riêng gì bạn. Hiện nay không có phương pháp nào chữa được chứng rạn da, bạn chỉ có thể giảm bớt khô và ngứa do sự căng da gây ra bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm, dầu dừa hoặc sáp cacao thoa lên bụng..