Biệt dược: Rovamycin, Rovalid, Antirova, Movapycin, Spirastad, Rovagi, Rovas.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: Không có
Nhóm thuốc: kháng sinh nhóm macrolid.
Tên hoạt chất: spiramycin.
Chỉ định: Là thuốc lựa chọn thứ hai trong nhiễm khuẩn hô hấp, da và sinh dục do vi khuẩn nhạy cảm (trong trường hợp không dùng được β-lactam. Ngoài ra còn dự phòng viêm màng não do Meningococcus. Dự phòng nhiễm Toxoplasma bẩm sinh trong thời kỳ mang thai. Dự phòng tái phát thấp khớp cấp ở người bệnh dị ứng penicillin.
Chống chỉ định: Tiền sử quá mẫn spiramycin, kháng sinh nhóm macrolid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Liều và cách dùng:
Người lớn: thường uống 6,0 – 9,0 triệu đơn vị quốc tế/ngày (tương đương 2 g – 3g/ngày) chia 2 – 3 lần. Với nhiễm khuẩn nặng có thể tăng lên 15,0 triệu đơn vị/ngày.
Chuyển hóa:
Thuốc chuyển hóa ở gan thành chất chuyển hóa có hoạt tính; thải trừ phần lớn qua mật và khoảng 10% vào nước tiểu.
Thuốc qua được nhau thai, nồng độ thuốc trong thai nhi thấp hơn trong máu người mẹ.
Thuốc vào được sữa mẹ với nồng độ cao.
Độc tính
Ở PNCT: Kinh nghiệm sử dụng và các bằng chứng vẫn còn hạn chế với spiramycin. Mặc dù spiramycin đã được sử dụng nhiều trong 3 tháng đầu thai kỳ điều trị toxoplasma; và các báo cáo không cho thấy nguy cơ gây quái thai; nhưng vẫn thiếu các bằng chứng chặt chẽ và thỏa đáng về độ an toàn trên người.
Sử dụng các macrolid nói chung đường tại chỗ an toàn cho thai nhi.
Ở PNCCB: Bằng chứng vẫn hạn chế về sử dụng spiramycin trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên chưa có báo cáo nào cho thấy macrolid gây ra nhiều tác dụng phụ không dung nạp được trong thời kỳ này.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Không nên dùng cho phụ nữ có thai trừ khi không có liệu pháp thay thế. Spiramycin chủ yếu được dùng điều trị Toxoplasma trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Nói chung, bên cạnh các penicillin và cephalosporin, macrolid là kháng sinh lựa chọn ưu tiên trong thời kỳ này. Tuy nhiên một số tài liệu lớn khuyến cáo không nên dùng và nếu dùng có thể cân nhắc ngưng cho con bú tạm thời và cho trẻ bú trở lại sau khi điều trị ít nhất là 2 ngày để thuốc thải hết khỏi cơ thể mẹ.
Một số tác dụng phụ: Thuốc hiếm khi gây tác dụng phụ nặng. Các tác dụng phụ thường gặp: buồn nôn, nôn, ỉa chảy, khó tiểu, chóng mặt, đau đầu; ít gặp ban da, mày đay.
Chú ý (nếu có): thức ăn trong dạ dày làm giảm hấp thu của spiramycin nên cần uống thuốc trước bữa ăn ít nhất 2 giờ hoặc sau bữa ăn ít nhất 3 giờ.