Biệt dược: Metrogyl-500, Metrozol, Tadagyl, Viamazin, Cadigagyn.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B2
* Phân loại mức độ an toàn B2: thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hay gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật không đầy đủ hoặc có thể vẫn còn thiếu, nhưng các nghiên cứu hiện có không chỉ ra sự gia tăng tổn thương với thai nhi.
Nhóm thuốc: thuốc kháng khuẩn, thuốc chống động vật nguyên sinh.
Tên hoạt chất: metronidazol.
Chỉ định:
Điều trị nhiễm amip cấp ở đường ruột và áp xe gan do amip Entamoeba histolytica gây ra. Điều trị nhiễm khuẩn kị khí và vi khuẩn hiếu khí – kỵ khí hỗn hợp.
Điều trị viêm cổ tử cung, âm đạo cho nhiễm khuẩn: dạng uống hoặc đặt âm đạo.
Phối hợp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori.
Ngoài ra còn điều trị: viêm tiết niệu không do lậu cầu, bệnh Crohn thể hoạt động, bệnh trùng roi do nhiễm Trichomonas vaginalis cho cả phụ nữ và nam giới, viêm lợi hoại tử loét cấp, viêm lợi quanh chân răng và nhiễm khuẩn khác ở răng do vi khuẩn kỵ khí.
Chống chỉ định: Tiền sử quá mẫn metronidazole hoặc các dẫn chất nitroimidazol khác
Liều và cách dùng:
Thường dùng đường uống, 250 mg/lần, 3 – 4 lần/ngày hoặc 500 mg/lần, 2 lần/ngày. Thời gian điều trị tùy tình trạng và từng bệnh, thường 5 – 10 ngày.
Chuyển hóa:
Metronidazol hấp thu nhanh sau khi uống chuyển hóa từ 30 – 60% ở gan, thải trừ hơn 90% qua nước tiểu ở dạng đã chuyển hóa.
Metronidazol qua hàng rào nhau thai khá nhanh, nồng độ thuốc ở cuống nhau thai và huyết tương tương tự nhau.
Metronidazol bài tiết vào sữa mẹ khá nhanh, nồng độ thuốc trong huyết tương trẻ bú mẹ có thể bằng 15% ở mẹ.
Độc tính
Ở PNCT: Vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ về sự an toàn của metronidazole trong thai kỳ nhưng thuốc đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm mà không có hậu quả xấu rõ ràng. Nghiên cứu trên hơn 3000 phụ nữ mang thai dùng metronidazole trong thai kỳ chưa ghi nhận khả năng gây quái thai cũng như gây ung thư của thuốc. Tuy nhiên một số ít tài liệu báo cho thấy thuốc có khả năng gây quái thai và đột biến tăng khi dùng vào ba tháng đầu thai kỳ. Nghiên cứu trên động vật cũng cho kết quả tương tự. Một số báo cáo nhỏ cho thấy đặt metronidazole âm đạo trong thời kỳ mang thai có khả năng trẻ mang bệnh syndactyly – bệnh dính liền ngón tay chân và hexadactyly – dị tật thừa ngón, tuy nhiên các nghiên cứu khác không xác nhận kết quả này.
Ở PNCCB: Độc tính của thuốc khi vào sữa mẹ vẫn chưa được ghi nhận trên 60 trẻ, theo các dữ liệu công bố tới nay, hơn nữa thuốc cũng được sử dụng ở trẻ sinh non và dung nạp tốt. Tuy nhiên dữ liệu vẫn còn hạn chế.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Rất thận trọng và cần cân nhắc lợi ích – nguy cơ nếu bắt buộc phải dùng vào 3 tháng đầu thai kỳ điều trị H.pylori trong viêm dạ dày.
Nếu có chỉ định, có thể sử dụng liều đơn metronidazole 2g đường uống hơn là đường âm đạo, để điều trị viêm âm đạo trong vài ngày. Hiện nay, một số tác giả khuyến cáo dùng metronidazole điều trị nhiễm khuẩn âm đạo trên phụ nữ mang thai có nguy cơ cao sinh non nhằm giúp giảm nguy cơ này tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được xác nhận.
Các thuốc sử dụng tại chỗ để chống nấm trong thời kỳ mang thai được ưu tiên hơn đó là clotrimazol và miconazol.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Chỉ nên dùng khi rất cần thiết. Nếu buộc phải dùng không nên sử dụng liều cao. Tuy nhiên so với các nitroimidazol khác, metronidazole được ưu tiên hơn cả. Liều đơn metronidazole 2g đường uống cũng được ưu tiên hơn đường đặt âm đạo, nếu có chỉ định. Một số tài liệu khuyến cáo nên ngưng cho trẻ bú khi đang điều trị bằng metronidazole. Nếu ngưng cho trẻ bú, chỉ nên cho trẻ bú trở lại sau khi kết thúc điều trị khoảng 2 – 3 ngày để thuốc thải trừ hết ra khỏi cơ thể.
Một số tác dụng phụ: Xảy ra ở 5- 25% người dùng. Dùng liều cao và kéo dài sẽ tăng tác dụng bất lợi. Thường gặp nhất buồn nôn, nôn, nhức đầu, chán ăn, khô miệng, có vị kim loại rất khó chịu. Có thể có nôn, tiêu chảy, đau thượng vị, đau bụng, táo bón.
Chú ý (nếu có):