Biệt dược: Clarytin, Loratidyl, Lorastad, Alertin, Corityne, Lorafast.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B1
* Phân loại mức độ an toàn B1: Thuốc được một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng, mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hay gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra sự gia tăng tổn thương với thai nhi.
Nhóm thuốc: thuốc kháng histamine, đối kháng thụ thể H1.
Tên hoạt chất: Loratadin.
Chỉ định: Viêm mũi dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng. Ngứa và mày đay liên quan đến histamin.
Chống chỉ định: Quá mẫn thành phần của thuốc.
Liều và cách dùng:
10 mg loratadin, 1 lần/ngày. Cần giảm liều trên bệnh nhân suy gan hoặc suy thận.
Chuyển hóa:
Loratadin chuyển hóa chủ yếu qua gan, bài tiết qua phân và nước tiểu.
Loratadin và chất chuyển hóa descarboethoxyloratadin tiết vào sữa mẹ với nồng độ tương đương nồng độ trong huyết tương.
Độc tính:
Ở PNCT: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về sử dụng thuốc loratadin trong thai kỳ. Một số ít bằng chứng trên người và động vật cho thấy không có độc tính quái thai của loratadin. Đã từng có nghi ngờ liệu loratadin có thể gây ra dị tật lỗ tiểu lệch thấp hay không, nhưng vẫn chưa được xác minh. Tuy nhiên loratadin là thuốc kháng histamine không có tác dụng an thần phổ biến nhất được sử dụng trên phụ nữ có thai cho tới nay.
Ở PNCCB: Loratadin ít tác dụng an thần,và bài tiết qua sữa ít, chỉ khoảng 1% liều bài tiết qua sữa mẹ, nên sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể không gây ra tác dụng phụ trên trẻ bú mẹ. Bằng chứng đơn lẻ cho thấy loratadin có thể gây tác dụng an thần ở 2 trong 51 trẻ nghiên cứu. Loratadin đặc biệt khi kết hợp trong chế phẩm với pseudoephedrine có thể làm giảm tiết sữa.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Do bằng chứng chưa hoàn toàn chắc chắn nên để phòng tránh tác hại xấu, nên tránh dùng loratadin. Tuy nhiên nếu có chỉ định sử dụng thuốc kháng histamine thì loratadin và cetirizin là lựa chọn ưu tiên do chúng có nhiều bằng chứng an toàn nhất trong các thuốc kháng histamin và chỉ nên dùng liều thấp và trong thời gian ngắn.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Không khuyến cáo sử dụng, nhưng nếu có chỉ định sử dụng thuốc kháng histamine thì loratadin và cetirizine với liều thấp nhất trong thời gian ngắn là lựa chọn ưu tiên.
Một số tác dụng phụ: Sử dụng với liều hơn 10 mg/ngày thường gặp tác dụng phụ đau đầu, khô miệng. Ít gặp chóng mặt, khô mũi, viêm kết mạc.
Chú ý (nếu có): Thận trọng nếu suy gan. Khi dùng thuốc, có nguy cơ khô miệng, và tăng nguy cơ sâu răng. Do đó cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin.
Dạng kết hợp loratadin và pseudoephedrine sulfat cần uống nguyên viên mà không được bẻ, nhai.