Biệt dược: Imodium, Idium, Abydium, Vacontil, Parecom, Lomekan.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B3
* Phân loại mức độ an toàn B3 : thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.
Nhóm thuốc: thuốc trị ỉa chảy.
Tên hoạt chất: loperamid.
Chỉ định: Điều trị ngắn ngày ỉa chảy cấp không đặc hiệu ở người lớn. Trị ỉa chảy mạn tính do viêm đại tràng. Trị són phân ở người lớn.
Chống chỉ định: Mẫn cảm loperamid. Bụng trướng. Đau bụng không do ỉa chảy. Lỵ cấp, viêm loét đại tràng chảy máu ở giai đoạn cấp, viêm đại tràng giả mạc, viêm ruột do nhiễm khuẩn.
Liều và cách dùng:
Trị ỉa chảy cấp ở người lớn: khởi đầu 4 mg, sau đó mỗi lần đi lỏng uống 2 mg, tối đa 16 mg/ngày. Liều thông thường 6 – 8 mg/ngày.
Trị ỉa chảy mạn ở người lớn: khởi đầu 4 mg, sau đó mỗi lần đi lỏng uống 2 mg cho tới khi cầm ỉa chảy. Liều duy trì uống 4 – 8 mg/ngày chia 2 lần, tối đa 16 mg/ngày .
Chuyển hóa:
Thuốc hấp thu 40% qua đường tiêu hóa, chuyển hóa ở gan và thải trừ qua phân và mật.
Thuốc vào sữa mẹ với lượng nhỏ.
Độc tính
Trên phụ nữ có thai:
Chỉ một lượng nhỏ thuốc được hấp thu. Không phát hiện được tác dụng gây quái thai trong một số nghiên cứu, tuy nhiên nghiên cứu đơn lẻ chưa chắc chắn khác có ghi nhận sự giảm cân nặng trung bình của trẻ, sự tăng nguy cơ dị tật thai khi mẹ dùng loperamid.
Trên phụ nữ cho con bú:
Thuốc ít có khả năng gây hại cho trẻ, nhưng bằng chứng vẫn chưa đầy đủ.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Trong điều trị tiêu chảy, nếu cần phải giảm nhu động ruột thì loperamide có thể sử dụng nếu các thuốc khác không có hiệu quả (pectin, than hoạt tính), nhưng tốt nhất là sau 3 tháng đầu thai kì.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Loperamid dùng được trong thời kì này ít có khả năng gây hại cho trẻ. Pectin và than hoạt tính là an toàn hơn cả, loperamid chỉ nên được dùng ngắn hạn điều trị tiêu chảy nếu như thay đổi chế độ ăn và dùng thuốc như pectin, than hoạt tính không cải thiện được.
Một số tác dụng phụ: Hầu hết tác dụng phụ gặp ở đường tiêu hóa. Thường gặp táo bón, buồn nôn, nôn, chóng mặt. Ít gặp mệt mỏi, khô miệng, trướng bụng.
Chú ý (nếu có): Trong ỉa chảy cấp, điều trị chủ yếu là bù nước điện giải. Loperamid thường dùng ở người lớn để giảm triệu chứng ỉa chảy, nhưng tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo không dùng bất cứ thuốc trị ỉa chảy nào cho trẻ em bị ỉa chảy.