Biệt dược: Amflox, Levocef 250, Levin, Zolevox-500, Tavanic, Vafoxin.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: C (FDA)
* Phân loại mức độ an toàn C (FDA): Thuốc có thể gây tác dụng có hại cho thai nhi do liên quan đến tác dụng dược lý nhưng không gây dị tật.
Nhóm thuốc: kháng sinh nhóm quinolone (phân nhóm fluoroquinolon).
Tên hoạt chất: levofloxacin.
Chỉ định: Nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như: viêm xoang cấp, đợt cấp viêm phế quản mạn, viêm phổi cộng đồng, viêm tuyến tiền liệt, nhiễm khuẩn tiết niệu có biến chứng hoặc không, nhiễm khuẩn đường mật, ruột.
Chống chỉ định: Tiền sử quá mẫn levofloxacin, các quinolone khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc. Động kinh. Tiền sử bệnh gân cơ do fluoroquinolon.
Liều và cách dùng:
Thường uống 250 – 500 mg/lần, ngày 1 – 2 lần, trong 7 – 14 ngày tùy mức độ nặng và tác nhân gây bệnh.
Cần hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân suy thận.
Chuyển hóa:
Thuốc ít bi chuyển hóa trong cơ thể và thải trừ gần như hoàn toàn trong nước tiểu ở dạng chưa chuyển hóa.
Các quinolone nói chung và levofloxacin nói riêng qua được nhau thai, có trong dịch ối với nồng độ thấp.
Chưa đo được nồng độ levofloxacin trong sữa mẹ, nhưng căn cứ vào khả năng phân bố vào sữa của quinolone khác, dự đoán rằng levofloxacin có phân bố vào sữa mẹ.
Độc tính
Ở PNCT: Bằng chứng an toàn về sử dụng levofloxacin trong thời kỳ mang thai vẫn còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật không cho thấy tác hại lên độc tính sinh sản và gây quái thai. Tuy nhiên đã ghi nhận trong các nghiên cứu trên động vật tác hại gây tổn thương sụn khớp không hồi phục. Một nghiên cứu khác lo ngại sử dụng fluoroquinolon có liên quan tăng nguy cơ dị tật xương ở trẻ nhỏ. Các bằng chứng trên người vẫn chưa đầy đủ nhưng không xác nhận được các nguy cơ trên.
Ở PNCCB: Nghiên cứu trên động vật cho thấy quinolone làm tổn thương sụn khớp, xương của động vật con non không hồi phục và cũng có khả năng có nguy cơ làm tổn thương sụn khớp trên trẻ bú mẹ mặc dù bằng chứng vẫn hạn chế.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Do thiếu dữ liệu trên người, đồng thời nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy có khả năng thuốc gây tổn thương sụn khớp các tổ chức đang phát triển ở thai nhi, nên tốt nhất levofloxacin không nên dùng ở phụ nữ có thai. Trong các kháng sinh, quinolone cũng chỉ là lựa chọn thứ hai chứ không phải ưu tiên cho phụ nữ có thai. Và nếu buộc phải dùng quinolone thì norfloxacin và ciprofloxacin được ưu tiên hơn cả.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Trong các kháng sinh, quinolone không phải nhóm ưu tiên sử dụng trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên nếu buộc phải dùng quinolone, thì ciprofloxacin là thuốc ưu tiên hơn cả.
Do nguy cơ gây tổn thương sụn khớp trên trẻ nhỏ, không nên cho con bú khi dùng levofloxacin. Nhưng nếu có chỉ định levofloxacin, việc sử dụng là chấp nhận được. Cần theo dõi các tác hại trên hệ vi khuẩn đường ruột như tiêu chảy, nấm candica, phát ban khi dùng tã. Nên tránh cho con bú từ 4 – 6 giờ sau khi uống thuốc, để tối thiếu hóa lượng thuốc mà trẻ bú mẹ tiếp nhận.
Một số tác dụng phụ: Thường gặp buồn nôn, nôn, ỉa chảy, đau bụng, táo bón, khó tiêu, tăng enzyme gan, đau đầu. Ít gặp hoa mắt, căng thẳng, ngứa, phát ban. Hiếm gặp đau khớp, yếu cơ, đau cơ, viêm tủy xương, viêm gân Achille.
Chú ý (nếu có): Có thể uống gần hoặc xa bữa ăn. Không dùng các antacid chứa nhôm và magie, chế phẩm chứa ion kim loại như sắt, kẽm, sucralfat trong vòng 2 giờ trước và sau uống levofloxacin; vì các chế phẩm trên làm giảm hấp thu levofloxacin.