Biệt dược: Lansoprazol, Lasovac, Lansomax, Lanazol, Victacid, Prazex, Lansec 30.
Phân loại mức độ cho phụ nữ có thai: B3
* Phân loại mức độ an toàn B3: thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.
Nhóm thuốc: nhóm thuốc ức chế bơm proton, thuốc ức chế tiết acid dịch vị.
Hoạt chất: lansoprazol.
Chỉ định: Điều trị cấp và duy trì viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Điều trị loét dạ dày tá tràng (do nhiễm hoặc không nhiễm H.pylori. Điều trị và dự phòng loét đường tiêu hóa do thuốc chống viêm không steroid. Điều trị hội chứng Zollinger Ellison.
Chống chỉ định: Quá mẫn bất cứ thành phần nào của thuốc. Có thai trong 3 tháng đầu.
Liều dùng và cách dùng:
Viêm thực quản có trợt loét: 15 – 30 mg, 1 lần/ngày, trong 4 – 8 tuần và có thể hơn nếu chưa khỏi
Loét dạ dày: 15 – 30 mg, 1 lần/ngày, 4 – 8 tuần. Nên uống vào buổi sáng trước bữa ăn sáng.
Loét tá tràng: 15 – 30 mg, 1 lần/ngày, 4 tuần hoặc cho tới khi khỏi.
Điều trị loét do thuốc chống viêm không steroid: 30 mg/lần/ngày, 8 tuần.
Dự phòng loét do thuốc chống viêm không steroid: 15 mg/lần/ngày, cho tới 12 tuần.
Chuyển hóa:
Thuốc chuyển hóa hầu như hoàn toàn ở gan. Thuốc chuyển hóa và thải trừ chậm hơn ở bệnh nhân suy gan nên cần giảm liều ở bệnh nhân suy gan nặng.
Chưa biết thuốc có qua nhau thai không.
Cả lansoprazol và chất chuyển hóa đều bài tiết qua sữa trong nghiên cứu trên động vật.
Độc tính:
Ở PNCT: Thiếu bằng chứng đầy đủ và có kiểm soát tốt trên người. Một bằng chứng đơn lẻ chưa chắc chắn khác lại cho thấy sử dụng thuốc ức chế bơm proton nói chung có thể liên quan đến tình trạng sinh non, và tình trạng hen thời thơ ấu, tuy nhiên vẫn chưa được xác nhận. Một nghiên cứu trên động vật đã từng cho thấy dùng thuốc lâu và liều cao gây ung thư.Một số nghiên cứu khác lại cho thấy thuốc không gây quái thai, dị dạng hoặc ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của thai nhi.
Ở PNCCB: Một số tài liệu cho thấy thuốc được sử dụng an toàn ở trẻ sơ sinh, do vậy ít có khả năng thuốc dùng ở mẹ cho con bú có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Tuy nhiên có tài liệu cho rằng do nghiên cứu trên động vật ở thời kỳ mang thai đã chứng minh tác dụng gây ung thư của thuốc, nên cũng có khả năng gây nguy cơ này nếu dùng thuốc trong thời kỳ cho con bú.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai:
Các thuốc ức chế bơm proton nói chung có thể dùng được trong thời kỳ này tuy nhiên chỉ dùng chỉ khi thật cần thiết. Trong nhóm, omeprazol cũng là thuốc được ưu tiên lựa chọn do có nhiều bằng chứng an toàn nhất.
Tuy nhiên, với lansoprazol, thuốc không nên dùng cho người mang thai. Và tài liệu quốc gia Việt Nam khuyến cáo chống chỉ định dùng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú:
Nên tránh dùng lansoprazol do bằng chứng chưa đầy đủ và thiếu nhất quán. Nếu có chỉ định sử dụng thuốc ức chế bơm proton trong thời kỳ này thì pantoprazol và omeprazol là thuốc được ưu tiên lựa chọn hơn cả. Nếu buộc dùng lansoprazol và muốn ngưng cho con bú tạm thời để tránh gây hại cho trẻ, chỉ nên bắt đầu cho trẻ bú trở lại sau khi kết thúc điều trị lansoprazol ít nhất là nửa ngày.
Một số tác dụng phụ: Thuốc nói chung dung nạp tốt cả kể khi dùng ngắn hạn và dài hạn. Thường gặp mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu; ban da, mày đay; khô miệng, buồn nôn, nôn, đầy hơi, đau bụng. Ít gặp ngứa, suy nhược, choáng váng.
Chú ý (nếu có): Thuốc cần được nuốt nguyên viên, không được nhai, bẻ làm vỡ viên thuốc.