Biệt dược: Klacid, Claroma, Agiclari, Clathycin, Rengat, Caricin, Clarimycin.
Phân loại mức độ an toàn cho phụ nữ có thai: B3
* Phân loại mức độ an toàn B3: thuốc được sử dụng trên một số lượng giới hạn phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà không quan sát thấy sự gia tăng dị tật thai nhi hoặc các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đến thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy có bằng chứng thuốc làm tăng tổn thương thai nhi, nhưng chưa chắc chắn về mức độ ý nghĩa của bằng chứng này với người.
Nhóm thuốc: Kháng sinh macrolid bán tổng hợp.
Tên hoạt chất: Clarithromycin.
Chỉ định:
Điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm amidan, viêm tai giữa, viêm xoang cấp, viêm phế quản mạn có đợt cấp, viêm phổi cộng đồng, nhiễm khuẩn da và mô mềm do vi khuẩn nhạy cảm.
Dự phòng viêm màng tim nhiễm khuẩn khi dị ứng penicillin.
Phối hợp với thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc đối kháng thụ thể histamine và một kháng sinh khác điều trị loét dạ dày tá tràng do H.pylori.
Chống chỉ định: Dị ứng macrolid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Liều và cách dùng:
Uống 250 – 500 mg/lần, mỗi 12h. Thời gian điều trị tùy thuộc loại nhiễm khuẩn và mức độ nặng nhẹ, thường từ 7 – 14 ngày.
Liều cần hiệu chỉnh trên người bệnh có suy thận nặng.
Chuyển hóa:
Thuốc chuyển hóa nhiều ở gan và thải một lượng đáng kể qua nước tiểu, một phần nhỏ hơn phân qua đường mật, thải trừ chậm hơn ở người suy thận.
Thuốc qua được nhau thai.
Thuốc có vào sữa mẹ với lượng thấp.
Độc tính
Ở PNCT: Chưa có bằng chứng thỏa đáng và chặt chẽ về việc dùng clarithromycin cho người mang thai hoặc khi sinh đẻ. Một số tài liệu cũng cho thấy sử dụng clarithromycin trong điều trị loét dạ dày tá tràng an toàn và không gây dị tật thai nhi..Gần đây một nghiên cứu cho thấy tăng nguy cơ sảy thai khi sử dụng clarithromycin trong giai đoạn đầu thai kỳ, nhưng không gây các dị tật nghiêm trọng. Nghiên cứu trên động vật không cho thấy bằng chứng về ngộ độc thai và quái thai tuy nhiên cũng chưa loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây hại đến sự phát triển phôi thai.
Ở PNCCB: Lượng thấp clarithromycin vào sữa mẹ ít có khả năng gây ra tác hại trên trẻ bú mẹ. Tuy nhiên bằng chứng về sự an toàn trong thời kỳ cho con bú vẫn chưa được đầy đủ. Một số ít bằng chứng dịch tễ chưa chắc chắn cho thấy mẹ dùng clarithromycin khi cho con bú có thể dẫn tới phì đại môn vị ở trẻ bú mẹ.
Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng cho phụ nữ có thai
Tốt nhất không dùng clarithromycin cho người mang thai trừ khi không có biện pháp thay thế và phải theo dõi cẩn thận.
Sử dụng cho phụ nữ cho con bú
Sử dụng thận trọng cho phụ nữ cho con bú. Nếu sử dụng tốt nhất nên theo dõi trẻ về các triệu chứng có thể xảy ra do tổn thương hệ vi khuẩn chí đường ruột như tiêu chảy, nấm candia, phát ban khi dùng tã…
Nếu buộc dùng clarithromycin và bệnh nhân muốn tạm ngưng cho con bú nhằm tránh có thể gây hại cho trẻ, chỉ nên cho con bú trở lại sau khi kết thúc điều trị ít nhất 1 ngày.
Một số tác dụng phụ: Thuốc dung nạp tốt, nếu có tác dụng phụ chỉ nhẹ hoặc thoảng qua và chủ yếu gặp trên đường tiêu hóa. Có thể gặp ngứa, mày đay, kích ứng, ban da, đau đầu, phát ban.
Chú ý (nếu có): Thuốc có thể uống bất kỳ thời điểm nào.